Khó cân đối chi tiêu
Việc nhiều chủ nhà trọ tăng giá điện vô lý đang diễn ra, tạo thêm áp lực lớn lên những người thuê nhà, đặc biệt là sinh viên và lao động có thu nhập thấp. Theo quyết định mới của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN, từ ngày 11/10, giá bán lẻ điện bình quân tăng lên mức 2.103,11 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT), tương đương mức tăng 4,8% so giá bán lẻ hiện hành, đồng nghĩa biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt và điện kinh doanh cũng được điều chỉnh theo.
Nhiều chủ cơ sở cho thuê phòng trọ, chung cư mini cũng rục rịch tăng giá điện khiến nhiều người đi thuê bất bình. Là sinh viên lên Hà Nội học tập, bạn Trần Khánh Linh (20 tuổi) có thuê một phòng trọ tại phường Khương Thượng (quận Đống Đa) cho biết, chủ nhà thông báo tăng giá điện lên 4.000 đồng/số (trước đây là 3.500 đồng/số) chỉ sau khi có thông báo của EVN khoảng vài ngày. Cùng cảnh, chị Nguyễn Thị Thúy (hiện đang thuê trọ tại phố Hoàng Công Chất, quận Bắc Từ Liêm) cho biết, chủ cho thuê nhà tăng giá điện bất hợp lý lên 4.500 đồng/số (trước đây chỉ 3.500 đồng/số). Mặc dù chị đã cố gắng thỏa thuận nhưng phía cho thuê lại quyết thực hiện, không có thái độ hợp tác và còn dồn khách thuê nhà phải đồng ý với giá điện mới bằng cách dọa chấm dứt hợp đồng, không hoàn trả tiền cọc do vi phạm hợp đồng.
Trường hợp khác của anh Đỗ Thanh Tùng (33 tuổi, quê Nam Định), nhà cũ anh thuê tại Hàng Bông đã có mức giá 4.000 đồng/số từ 2 năm trước. Chủ nhà đang có thông báo tăng lên 5.000 đồng/số từ tháng sau. Mặc dù mọi người đều phản đối vì mức thu này quá cao nhưng bên cho thuê lại cho rằng, điều đó là bình thường, đa số các nhà trọ khác đều làm như vậy. “Mức giá nhà ở và phí dịch vụ tăng cao thế này rất khó để cân đối cho gia đình, sắp tới vợ tôi còn sinh em bé, sẽ phải cân nhắc tìm một nơi ổn định hơn”, anh Tùng chia sẻ. Theo anh Tùng, trung bình mỗi tháng phòng của anh sử dụng từ 375-700 số điện, tính ra khoảng 1 triệu 500 nghìn đồng đến gần 3 triệu đồng tiền điện tùy mỗi tháng đông-hè. Theo giá điện chủ nhà định tăng, gia đình sẽ phải chi trả tới 3 đến 4 triệu đồng nếu tháng nào sử dụng “hơi quá tay”.
Tại một số thành phố như Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh… cũng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng giá, một số dưới hình thức tăng giá cho thuê nhà vì với mặt bằng 4.000 đồng/số điện đã là cao như hiện nay, việc tăng thêm vào điện rất dễ gặp phải phản ứng từ người thuê. Chị Nguyễn Thủy Tiên, một giáo viên tại Đà Nẵng chia sẻ, hiện tại hợp đồng của mình còn 2 tháng và đã đóng đủ rồi nên những tháng tới tạm chưa tính đến, nhưng chủ nhà cũng mới báo sẽ tăng giá điện lên 3.500 đồng/số, tăng 500 đồng so trước đây. Về mặt bằng chung, mọi người hầu hết đều thuê lâu dài 3-6 tháng tới 1 năm, nên muốn tăng hay thay đổi các chủ nhà cũng phải chờ hết hợp đồng.
Tại TP Hồ Chí Minh, bạn Lê Mai Ngọc (24 tuổi, sinh viên Trường đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh), cũng gặp trường hợp chủ nhà bắt đầu tăng giá cho thuê nhà từ tháng 11 tới khiến đa số người thuê trọ là sinh viên rất hoang mang. Còn giá điện vẫn giữ mức 4.000 đồng/số như lúc mới thuê.
Chủ động kiểm soát hóa đơn
Có thể thấy, tình trạng tăng giá vẫn chưa quá phổ biến, song chỉ cần vài chủ nhà tăng giá, rất dễ xảy ra hiệu ứng đám đông, dẫn đến tăng hàng loạt trong thời gian tới. Nếu đặt riêng lẻ 500 đến 1 nghìn đồng thì đây là con số rất nhỏ, nhưng trên tổng cả tháng thì lại là một áp lực không hề nhỏ với nhiều hộ gia đình, đặc biệt là các hộ gia đình đông người và sinh viên hiện vẫn còn đi học và thu nhập chưa ổn định.
Theo quy định mới nhất của Bộ Công thương, sinh viên và người lao động thuê trọ sẽ áp dụng mức giá điện sinh hoạt bậc 3 (101-200 kWh) là 2.271 đồng/kWh (chưa VAT) cho toàn bộ lượng điện tiêu thụ. Tuy nhiên, điều này chỉ áp dụng cho những hợp đồng thuê dưới một năm và có kê khai số người sử dụng điện. Nếu chủ nhà không kê khai, người thuê trọ có quyền yêu cầu điều chỉnh mức giá theo quy định. Việc không kê khai số người sử dụng điện thường dẫn đến tình trạng tính giá điện cao hơn so biểu giá quy định.
Trong trường hợp chủ nhà vi phạm, người thuê trọ có thể báo cáo lên cơ quan chức năng để được can thiệp và xử lý. Chủ nhà thu tiền điện của người thuê nhà cao hơn giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ bị xử phạt hành chính từ 20 đến 30 triệu đồng. Cần có các biện pháp can thiệp từ phía chính quyền để kiểm soát tình trạng này và bảo đảm rằng, quyền lợi của người tiêu dùng không bị xâm phạm.
Nếu bạn đang thuê trọ ở Hà Nội và nghi ngờ chủ nhà tính tiền điện quá cao, hãy gọi điện đến số 19001288 của EVN hoặc Sở Công thương nơi tỉnh, thành phố đang sinh sống để được hướng dẫn cách kiểm tra và giải quyết.