Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn Quốc vương Haji Hassanal Bolkiah đã gửi điện thăm hỏi và viện trợ khẩn cấp giúp Việt Nam khắc phục hậu quả cơn bão số 3, nhấn mạnh đây là minh chứng rõ nét về tình hữu nghị, chia sẻ giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Hai nhà lãnh đạo bày tỏ hài lòng chứng kiến quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brunei Darussalam tiếp tục giữ đà phát triển tích cực; nhất trí đưa quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, cùng đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, tự cường và phát triển bền vững.
Mở rộng cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Brunei
Về các trọng tâm hợp tác thời gian tới, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; phối hợp triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương và Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brunei Darussalam giai đoạn 2023-2027.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP) |
Thủ tướng Chính phủ đề nghị Brunei quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi trong cấp phép cho các tàu cá, ngư dân Việt Nam được hoạt động đánh bắt thủy, hải sản tại Brunei; sớm gia hạn Bản ghi nhớ hợp tác về việc sử dụng đường dây nóng trao đổi thông tin nhằm giải quyết tình trạng đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Quốc vương Brunei khẳng định sẽ thu xếp sớm thăm cấp Nhà nước Việt Nam; nhất trí làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị với Việt Nam, tăng cường hợp tác thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp, dầu khí. Quốc vương cũng đánh giá cao việc hai nước sẽ sớm ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực Halal, nhất trí thúc đẩy hợp tác tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa, thực phẩm Halal toàn cầu.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Quốc vương Brunei Darussalam Haji Hassanal Bolkiah. (Ảnh: Nhật Bắc/VGP) |
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất trí cùng giữ vững đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực; bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.