Phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt
Kết quả chuyến thăm một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước luôn dành ưu tiên cao nhất và coi trọng việc phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào; khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện của Việt Nam đối với công cuộc đổi mới, bảo vệ và xây dựng đất nước Lào; đồng thời thể hiện sự tin cậy, gắn bó giữa lãnh đạo cấp cao của hai Đảng, hai Nhà nước cũng như giữa hai Chủ tịch Quốc hội Việt Nam-Lào.
Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam và Lào chụp ảnh lưu niệm (Thống Nhất- TTXVN) |
Ngay sau khi Đoàn Việt Nam xuống sân bay ở Thủ đô Vientiane, đã diễn ra cuộc hội đàm quan trọng, trong không khí thắm tình hữu nghị. Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Quốc hội Lào nhất trí cho rằng quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong, cùng các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước, nhân dân hai nước dày công vun đắp, được tôi luyện qua nhiều thử thách và được hun đúc bằng công sức, xương máu của bao thế hệ các anh hùng liệt sĩ, trở thành tài sản vô giá của hai dân tộc.
Hai Chủ tịch Quốc hội vui mừng nhận thấy quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lập pháp đang có những bước phát triển tốt đẹp cả về chiều rộng và chiều sâu; đồng thời đề nghị tiếp tục triển khai các hoạt động trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm, nhất là trong việc xây dựng hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Quốc hội hai nước Việt Nam-Lào phối hợp chặt chẽ, cùng giám sát triển khai các thỏa thuận song phương; tăng cường giám sát, thúc đẩy các dự án hợp tác đầu tư, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Lào; phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã có cuộc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith; hội kiến Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith (Thống Nhất- TTXVN) |
Tổng Bí thư, Chủ tịch Thongloun Sisoulith bày tỏ cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam anh em đã kề vai sát cánh với Lào trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc trước đây và sự ủng hộ, giúp đỡ trong xây dựng và phát triển đất nước ngày nay; đánh giá cao sự hỗ trợ, ủng hộ của Việt Nam đã giúp Lào hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN 2024, Chủ tịch AIPA trong năm nay, nhất là sự hỗ trợ dành cho Lào ngay trong lúc Việt Nam cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi (Việt Nam gọi là bão số 3), thể hiện tình cảm gắn bó keo sơn, có một không hai trên thế giới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Tổng Bí thư, Chủ tịch Thongloun Sisoulith đánh giá cao sự phát triển tốt đẹp, vững chắc của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào trong những năm qua, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của Quốc hội hai nước; nhấn mạnh, trong thời gian tới, hai bên cần phát huy cao độ truyền thống hợp tác gắn bó, tin cậy, cùng nhau triển khai tích cực các thỏa thuận cấp cao...
Tại các cuộc tiếp xúc, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định: Việt Nam trước sau như một luôn dành ưu tiên cao nhất cho mối quan hệ truyền thống đặc biệt “có một không hai” với Lào, luôn sát cánh và ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện công cuộc bảo vệ, xây dựng, đổi mới và phát triển của Lào.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone (Thống Nhất- TTXVN) |
Đánh giá kết quả chuyến thăm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà cho rằng,chuyến thăm lần này tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là coi trọng cao độ quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam-Lào trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Nguồn sức mạnh to lớn nhất, có ý nghĩa sống còn
Thông điệp chung của các nhà lãnh đạo Việt Nam và Bạn Lào trong chuyến thăm lần này đã khẳng định sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa hai Đảng, hai Nhà nước và hai Quốc hội là yếu tố khách quan, quy luật lịch sử, một trong những nguồn sức mạnh to lớn nhất, có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.
Tại thủ đô Vientiane, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gặp các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Lào; tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam Boviengkham Vongdara và Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Chanphenh Soutthivong; tiếp Chủ tịch cơ quan Kiểm toán Nhà nước Lào...
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã thăm cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Lào.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với cộng đồng người Việt Nam tại Lào (Thống Nhất- TTXVN) |
Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao các hội đoàn như Tổng hội người Việt Nam tại Lào, các hội đoàn người Việt tại các tỉnh, Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Lào hoạt động hiệu quả, phát huy được vai trò của tổ chức quần chúng, đoàn kết, gắn kết cộng đồng, tích cực tham gia hoạt động xã hội tại địa phương và luôn hưởng ứng các chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, tích cực tham gia các hoạt động hướng về cội nguồn.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, các hội đoàn tại Lào tiếp tục phối hợp chặt chẽ, quy tụ bà con cộng đồng người Việt Nam tại Lào, tiếp tục động viên bà con nỗ lực hơn nữa, với tinh thần “xây dựng đất nước bạn Lào chính là xây dựng đất nước mình”, “giúp đỡ bạn chính là giúp đỡ mình”, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”; “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh: chuyến thăm chính thức Lào lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội của đồng chí Trần Thanh Mẫn có tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt đối với việc củng cố, tăng cường mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Những ngày qua, Bạn Lào đã dành cho Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sự đón tiếp hết sức trọng thị, chu đáo và có một số ngoại lệ, thể hiện sâu sắc mối quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào.
Cùng nhau vượt qua mọi thách thức của thời đại
Việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta tham dự AIPA-45 có ý nghĩa quan trọng, thể hiện sự tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm của Quốc hội Việt Nam cùng nghị viện các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm, sự đoàn kết và thống nhất trong ASEAN, đẩy mạnh sự hợp tác nội khối, mở rộng quan hệ nhiều mặt với nghị viện các nước trong và ngoài khu vực; phát huy trách nhiệm, vai trò của AIPA đối với hòa bình, ổn định và phát triển, đồng thời đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị nhằm chia sẻ và hỗ trợ Chính phủ các nước ASEAN giải quyết những vấn đề ưu tiên của khu vực.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Trưởng đoàn cùng đại biểu chụp ảnh chung (Thống Nhất- TTXVN) |
Tham dự Phiên họp toàn thể Đại hội đồng AIPA-45, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có bài phát biểu quan trọng, khẳng định hợp tác nghị viện sẽ là động lực thúc đẩy triển khai xây dựng một Cộng đồng ASEAN dựa trên pháp luật, thể hiện tiếng nói và nguyện vọng của người dân, lấy người dân làm trung tâm trong mọi chính sách phát triển.
Bày tỏ tin tưởng với sự chung tay, góp sức của các nước ASEAN, cùng củng cố bức tường thành ASEAN ngày càng thêm vững chắc vượt qua mọi khó khăn, thách thức của thời đại, Chủ tịch Quốc hội đề cao tinh thần đoàn kết, thống nhất, nâng cao ý thức trách nhiệm đóng góp vào nỗ lực chung, ứng phó hiệu quả với các thách thức, đóng góp toàn diện vào tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Với mong muốn phát huy hơn nữa vai trò của các nghị viện trong việc tăng cường kết nối, Chủ tịch Quốc hội đưa ra 5 định hướng ưu tiên trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu tham dự Phiên khai mạc Đại hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á lần thứ 45 (Thống Nhất - TTXVN) |
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng: AIPA cần nỗ lực hơn nữa cùng ASEAN tăng cường tình đoàn kết, hợp tác, thống nhất trong đa dạng, nêu cao tinh thần độc lập, tự cường, tự chủ chiến lược của ASEAN; đề cao tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần rà soát, đánh giá việc thực hiện các Kế hoạch tổng thể 2025, triển khai các chiến lược hợp tác đến năm 2045, tăng cường phát triển hài hòa, bền vững, toàn diện, bao trùm, không bỏ ai lại phía sau, chú trọng và dành ưu tiên thích đáng cho hợp tác tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Bên cạnh đó, AIPA cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc tăng cường sự bổ trợ của ngoại giao nghị viện trong tổng thể ngoại giao nhà nước giữa các quốc gia thành viên ASEAN cũng như với các đối tác của ASEAN, ủng hộ và hỗ trợ hiệu quả hơn chính phủ các nước với những giải pháp có tính khả thi cao nhằm thực hiện thành công những mục tiêu mà ASEAN đã đề ra...
Trả lời phỏng vấn của các phóng viên, Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sounthone Xayachaki đánh giá cao việc Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng AIPA-45 và việc Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đóng góp các ý kiến đề xuất tại AIPA-45, đã góp phần quan trọng cho thành công của hội nghị.
Đó là những ý kiến đóng góp tích cực của Quốc hội Việt Nam, hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước thành viên AIPA, đưa AIPA ngày càng phát triển vững mạnh.
Nhìn lại kết quả quan trọng của chuyến thăm, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà cho biết: Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với các bạn Lào từ sớm, từ xa để xây dựng chương trình nghị sự cho Đại hội đồng AIPA-45. Việt Nam có 4 sáng kiến nêu tại các ủy ban của AIPA-45 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cũng như kết nối hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.
Việt Nam cũng xem xét đồng bảo trợ 6 nghị quyết; trong đó có 5 nghị quyết do Lào đề xuất, 1 nghị quyết do Indonesia, Lào và Malaysia đề xuất; như vậy, trong tổng thể hơn 20 nghị quyết của Đại hội đồng dự kiến được thông qua, Việt Nam đóng góp một phần rất quan trọng.