Đưa nghệ thuật hàn lâm đến với công chúng

Nhà hát Giao hưởng-Nhạc-Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh (HBSO) vừa tổ chức kỷ niệm 30 năm thành lập. Có thể nói, sự phát triển của nhà hát đã làm phong phú, đa dạng thêm đời sống văn hóa thành phố, góp phần mang nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng.
0:00 / 0:00
0:00
Các nghệ sĩ HBSO trong một chương trình tập luyện vở diễn mới.
Các nghệ sĩ HBSO trong một chương trình tập luyện vở diễn mới.

Chào mừng sự kiện này, nhà hát đã tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật độc đáo như vở nhạc kịch "Dế mèn phiêu lưu ký", vở múa đương đại "Hoàng hôn"… để phục vụ khán giả. Nhìn lại chặng đường đã qua, HBSO đã gặt hái được nhiều thành tựu và dấu ấn rực rỡ trong suốt hành trình 30 năm hình thành và phát triển. Những ngày đầu thành lập, HBSO chỉ có một phòng nhỏ ở Sở Văn hóa-Thông tin thành phố, mượn sàn tập của Nhà hát Ca múa nhạc Dân tộc Bông sen để tập múa, mượn hội trường của Trường Văn hóa nghệ thuật làm nơi tập nhạc. Sau đó là cuộc hành trình với nhiều kỷ niệm ở rạp Khải Hoàn, rạp Thanh Vân, tầng hầm Nhà hát thành phố mà mỗi nơi đi qua là dấu ấn của biết bao vở diễn ngợi ca quê hương đất nước, ngợi ca hòa bình cũng như những giai điệu bất hủ của các nhạc sĩ xuất sắc trên thế giới. Khó khăn là vậy nhưng nhiều thế hệ nghệ sĩ đã vượt qua, lao động và hy sinh quên mình vì nghệ thuật.

30 năm là khoảng thời gian chưa nhiều so với lịch sử phát triển nghệ thuật hàn lâm hàng trăm năm trên thế giới, nhưng việc xây dựng, phát triển thành công ba đoàn nghệ thuật hàn lâm với đầy đủ năng lực về biểu diễn nghệ thuật chất lượng đỉnh cao như ngày hôm nay của HBSO cho thấy sự quan tâm và hỗ trợ của thành phố đối với dòng nghệ thuật này. Và hơn hết, sự quan tâm đó cần được vun đắp thêm nữa để nhà hát tiếp tục chinh phục những thành công mới.

Ðể nghệ thuật hàn lâm có thêm sức sống, đến gần khán giả hơn nữa, tập thể lãnh đạo, diễn viên nhà hát đã nỗ lực cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật từ những câu chuyện Việt Nam, liên kết với các đơn vị trường học để đưa các tác phẩm của nhà hát đến với học sinh, sinh viên nhiều hơn. Việc bồi dưỡng, đào tạo các thế hệ diễn viên kế cận sẽ được quan tâm nhiều hơn, bên cạnh đẩy mạnh hợp tác, liên kết với các đơn vị nghệ thuật nước ngoài để có thể giới thiệu nhiều tác phẩm kinh điển, những chương trình nghệ thuật mang tầm quốc tế đến với công chúng thành phố, cũng như giới thiệu những tác phẩm của nhà hát đến với khán giả các nước.

Với 30 năm hình thành và phát triển, HBSO tự hào vì có những con người "nghệ sĩ-chiến sĩ" đã hết mình vì nghệ thuật để tạo nên những bước đi vững chãi đầu tiên cho dòng nghệ thuật hàn lâm ở thành phố. Giờ đây, ước mơ và lý tưởng-sự nghiệp cao cả đó vẫn đang được thắp sáng, trở thành động lực để những thế hệ nghệ sĩ hôm nay của Nhà hát Giao hưởng-Nhạc-Vũ kịch Thành phố Hồ Chí Minh nuôi dưỡng niềm tin, nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật, đoàn kết cùng nhau vượt qua khó khăn để tiếp tục gặt hái những thành công mới.