Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa rất quan trọng và là cơ hội tuyệt vời để hai bên thúc đẩy hơn nữa hợp tác nghị viện ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Ý nghĩa rất quan trọng, cơ hội tuyệt vời
Phóng viên: Theo Phó Chủ nhiệm, chuyến thăm chính thức Liên bang Nga và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa như thế nào trong việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga trong tình hình mới?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến: Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga.
Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và là chuyến thăm cấp cao đầu tiên của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đến Liên bang Nga trong năm nay.
Chuyến thăm diễn ra ngay sau khi Nga tổ chức thành công bầu cử Tổng thống và kiện toàn Chính phủ; ngay sau chuyến thăm tới Việt Nam của Tổng thống V. Putin vào tháng 6 vừa qua nhằm duy trì tiếp xúc cấp cao, triển khai, cụ thể hóa nội dung Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên cơ sở thành tựu 30 năm thực hiện Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam-Nga.
Chuyến thăm cũng diễn ra sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam và kiện toàn các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Việt Nam-Liên bang Nga là hai nước có quan hệ hữu nghị truyền thống. Vì vậy, chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ tiếp tục khẳng định sự coi trọng của Đảng, Nhà nước ta đối với việc gìn giữ, vun đắp và thúc đẩy hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.
Đồng thời, tôi cho rằng, đây là cơ hội tuyệt vời để hai bên thúc đẩy hơn nữa hợp tác nghị viện ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả.
Phóng viên: Tại chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Duma Quốc gia, Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Victorovich Volodin sẽ đồng chủ trì Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên Nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga, được xem là điểm nhấn trong chuyến thăm lần này, ông có thể chia sẻ thêm về nội dung này?
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến: Trong khuôn khổ chuyến thăm, bên cạnh những hoạt động chính thức như hội đàm, chào xã giao, tiếp xúc cấp cao với các nhà lãnh đạo Nga, Phiên họp lần thứ ba của Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga sẽ là một trong những hoạt động trọng tâm, được hai bên dồn sức chuẩn bị.
Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga là cơ chế hợp tác độc đáo giữa Quốc hội Việt Nam và Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga.
Cùng với cơ chế hợp tác liên Chính phủ giữa hai nước, cơ chế hợp tác liên nghị viện giữa hai nước luôn đề cao tính hiệu quả, nhằm góp phần củng cố và thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Liên bang Nga.
Đây là mô hình hợp tác nghị viện cao nhất và đầu tiên giữa Quốc hội Việt Nam với một cơ quan lập pháp nước ngoài do Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và Chủ tịch Duma quốc gia Quốc hội Liên bang Nga là đồng Chủ tịch Ủy ban.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại.
Phiên họp lần thứ nhất của Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga được tổ chức vào năm 2019 tại Thủ đô Moscow, theo thỏa thuận thành lập cơ chế Ủy ban Hợp tác Liên nghị viện giữa hai nước được ký kết giữa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Duma Quốc gia Nga trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại trao đổi với phóng viên trước chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. |
Theo thỏa thuận, hằng năm Ủy ban sẽ họp luân phiên tại mỗi nước; tuy nhiên, do điều kiện dịch bệnh nên đến năm 2023, Phiên họp lần thứ hai của Ủy ban mới được tiến hành tại Thủ đô Hà Nội, nhân chuyến thăm của Chủ tịch Duma Vyacheslav Viktorovich Volodin thăm chính thức Việt Nam.
Hoạt động của Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga có những tác dụng rất quan trọng trong việc góp phần đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả. Bên cạnh trao đổi những kinh nghiệm trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế hợp tác này còn đi sâu vào những vấn đề mà thực tiễn đặt ra trong quan hệ giữa hai nước.
Chương trình nghị sự của Ủy ban luôn ưu tiên những vấn đề cấp bách trước mắt và những vấn đề gây trở ngại, khó khăn cần sớm được tháo gỡ trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thể chế, cơ chế và cách thức hợp tác giữa hai nước, hai cơ quan lập pháp của hai nước.
Cho đến nay, qua hai phiên họp của Ủy ban, một số khó khăn trong quan hệ hai nước đã được hai bên thúc đẩy tháo gỡ thông qua cơ chế này, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh...
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến.
Là hình mẫu và trụ cột quan trọng
Cơ chế hợp tác liên nghị viện là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa hai cơ quan lập pháp Việt Nam và Liên bang Nga, ngày càng khẳng định vai trò rất đặc biệt của hợp tác nghị viện là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước và không ngừng được củng cố, phát triển tốt đẹp.
Đây có thể được xem là hình mẫu cho mối quan hệ hợp tác giữa cơ quan lập pháp giữa ta với các nước bạn bè, đối tác trên thế giới.
Phóng viên: Dự kiến, hai bên sẽ trao đổi những nội dung gì tại Phiên họp lần thứ ba Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga, thưa Phó Chủ nhiệm?
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến: Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga là cơ chế để hai bên cùng nhau trao đổi, thảo luận và đánh giá việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm ban hành chính sách, pháp luật nhằm thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm.
Tại phiên họp lần thứ ba, bên cạnh 7 chủ đề do Duma Quốc gia Nga đề xuất và được Quốc hội Việt Nam thống nhất, phiên họp cũng sẽ thảo luận nhằm tìm cách tháo gỡ những vấn đề khó khăn trong quan hệ giữa hai nước, góp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, giao thương hàng hóa đến văn hóa, giáo dục-đào tạo, quốc phòng-an ninh…
Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm này, Quốc hội Việt Nam và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) sẽ ký kết biên bản hợp tác, trong đó có phụ lục nêu bật kế hoạch hành động trong năm 2024 và 2025, nâng cao vai trò của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga cũng như cơ chế hợp tác giữa Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội Việt Nam với các cơ quan tham mưu của Hội đồng Liên bang.
Phóng viên: Phó Chủ nhiệm có kỳ vọng như thế nào vào kết quả chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn?
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Mạnh Tiến: Trong khuôn khổ chuyến thăm, bên cạnh các hoạt động tiếp xúc cấp cao chính thức, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa khác, như thăm Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các Liệt sĩ vô danh cùng hàng loạt các hoạt động tiếp xúc, gặp gỡ, tham dự phiên họp của Ủy ban Hợp tác liên nghị viện Việt Nam-Liên bang Nga, chứng kiến lễ ký kết các biên bản hợp tác giữa các bộ, ngành và địa phương hai nước.
Thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Liên bang Nga vì hòa bình và phát triển
Lắng nghe tâm tư, ý nguyện của cộng đồng
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn sẽ gặp gỡ cán bộ, nhân viên Đại sứ quán và bà con cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga.
Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, hai nước đều đã ghi nhận sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam tại Liên bang Nga và càng ngày càng khẳng định được rằng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có tổ chức, hoạt động có hiệu quả, thực sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Tiến trả lời phỏng vấn với các phóng viên. |
Vì vậy, trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn sẽ dành thời gian trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con cộng đồng người Việt Nam tại Nga với mong muốn tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật mang lại cơ hội mới cho người Việt Nam tại Liên bang Nga nói riêng cũng như trên toàn thế giới nói chung.
Điều đó càng khẳng định mạnh mẽ chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là luôn quan tâm và coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc và nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa Việt Nam với các nước.
Lãnh đạo Đảng và Nhà nước luôn quan tâm công tác người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh tình cảm và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào hướng về quê hương.
Với các hoạt động như vậy, tôi tin tưởng và kỳ vọng, chuyến thăm chính thức Liên bang Nga lần này của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam sẽ đạt được nhiều kết quả cụ thể và tốt đẹp, góp phần cụ thể hóa, triển khai Nghị quyết số 34-NQ/TW ngày 9/1/2023 của Bộ Chính trị về một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng.
Theo đó xác định, chúng ta tiếp tục đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga phát triển thực chất, hiệu quả; tăng cường tin cậy chính trị; thúc đẩy hợp tác về quốc phòng, an ninh, dầu khí-năng lượng, khoa học-công nghệ, văn hóa, du lịch; thực hiện hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết.
Hai bên dịp này sẽ thảo luận sớm tháo gỡ những vướng mắc lớn trong hợp tác giữa hai nước trên cơ sở cân bằng lợi ích của cả hai phía, tính đến lợi ích tổng thể, lâu dài.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông!