Định cư ở xã Ðác R’Măng, huyện Ðác Glong (Ðác Nông) hơn 15 năm nay, gần 700 hộ đồng bào Mông từ phía bắc vào vùng sâu (thuộc các thôn 5, 6 và 7) để khai hoang vẫn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia, cho nên cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, ngày điện lưới quốc gia về thôn, đồng bào rất phấn khởi, cả người lớn, trẻ con tập trung tại các địa điểm lắp đặt công-tơ chờ giây phút được đóng điện. Ông Tráng A Thính, thôn 5 nhớ lại: "Trước đây, người dân phải dùng điện sạc bình ắc-quy hoặc điện năng lượng mặt trời, gặp mùa mưa điện không đủ sáng, không xem được tin tức thời sự trên ti-vi, thiếu thông tin, tối đến không có điện cho các cháu học hành, muốn sử dụng máy móc vào sản xuất để nâng cao giá trị kinh tế cũng không được. Nay có điện lưới quốc gia về thôn, chúng tôi rất vui mừng, nhiều người đã mua sắm các thiết bị sinh hoạt từ trước chờ ngày đóng điện để ăn mừng, bởi đây là thời điểm quan trọng góp phần làm thay đổi cuộc sống của đồng bào".
Dự án cấp điện cho các thôn 5,6 và 7 (xã Ðác R’Măng) có tổng chiều dài đường dây trung áp hơn 15 km, hạ áp hơn 13 km, với năm trạm biến áp có tổng dung lượng 320kVA. Tổng vốn đầu tư gần 11,9 tỷ đồng. Theo phân kỳ đầu tư, đây là giai đoạn cấp điện các thôn buôn ưu tiên xã biên giới và vùng đặc biệt khó khăn của dự án cấp điện nông thôn tỉnh Ðác Nông giai đoạn 2014 - 2020. Phó Giám đốc Ðiện lực Gia Nghĩa, Công ty Ðiện lực Ðác Nông Nguyễn Hữu Trình cho biết: "Chúng tôi xác định việc cấp điện sẽ góp phần quan trọng nhằm nâng cao đời sống, bảo đảm an ninh nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với hầu hết các dự án cấp điện trong vùng đồng bào DTTS và khu vực biên giới..., chúng tôi đều thực hiện vượt tiến độ, đáp ứng lòng mong mỏi của người dân".
Phó Chủ tịch UBND huyện Ðác Glong Trần Nam Thuần đánh giá: "Ðác R’Măng là xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Ðác Nông, với số dân chủ yếu là đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía bắc vào. Nhờ sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước, hệ thống đường giao thông, trường học, trạm y tế đã được đầu tư xây dựng đến tận thôn, bản. Tuy nhiên, điều người dân mong mỏi nhất vẫn là nguồn điện lưới quốc gia. Vì vậy, dự án cấp điện lần này đã xóa được điểm trắng điện lưới quốc gia trên địa bàn xã, tạo động lực mạnh mẽ để người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xóa đói, giảm nghèo khu vực nông thôn".
Rời Ðác Glong, đến huyện Krông Nô, dưới cái nắng oi bức của mùa khô Tây Nguyên, chúng tôi chứng kiến hàng trăm học sinh tại thôn Phú Vinh và Phú Hòa, xã Quảng Phú đang háo hức chờ giây phút ngôi trường được nối điện lưới quốc gia. Ðiểm Trường tiểu học Bế Văn Ðàn, thôn Phú Vinh hoạt động từ năm học 2015 - 2016, với gần 200 học sinh. Việc dạy và học của trường gặp nhiều khó khăn, bất tiện, mùa khô trời oi bức, mùa mưa trời âm u thiếu ánh sáng. Do không có điện bơm nước, cho nên nước sinh hoạt thường xuyên thiếu, công trình vệ sinh xây lên phải bỏ không. Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Bế Văn Ðàn Nguyễn Văn Tình cho biết: "Ngay sau khi có điện lưới quốc gia, trường đã lắp thêm bóng điện và quạt cho các phòng học, bảo đảm ánh sáng và không khí mát mẻ. Trường đang xây ký túc xá, sẽ có khoảng từ 50 đến 70 học sinh ở tập trung tại trường. Có điện lưới quốc gia sẽ thuận lợi cho các em học tập sinh hoạt và nghỉ ngơi". Không riêng trường học, người dân địa phương rất vui mừng vì lần đầu được sử dụng điện lưới quốc gia sau mấy chục năm trên vùng đất mới.
Dự án cấp điện hai thôn Phú Vinh và Phú Hòa có tổng mức đầu tư gần bảy tỷ đồng. Tổng chiều dài đường dây trung áp, hạ áp là 12 km, với ba trạm biến áp, cấp điện cho khoảng 400 hộ dân, chủ yếu là các đồng bào Mông, Thái, Tày... Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Võ Hoàng Phú cho biết: "Phú Vinh và Phú Hòa là hai thôn định cư chủ yếu cho các hộ dân đi kinh tế mới, cuộc sống rất khó khăn, thiếu thốn. Những năm gần đây được Ðảng, Nhà nước đầu tư làm đường thảm nhựa, trường học, trạm y tế, bây giờ là điện lưới quốc gia cho nên người dân rất phấn khởi".
Chỉ tính riêng năm 2018, Ðiện lực Ðác Nông đã trích gần 50 tỷ đồng đầu tư sáu dự án, công trình cấp điện cho chín thôn, buôn thuộc vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới của các huyện Ðác Glong, Krông Nô, Tuy Ðức và Ðác Song. Ðến nay, các dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đấu nối vào hệ thống điện lưới quốc gia cho hơn 1.500 hộ dân, góp phần làm thay đổi toàn diện cuộc sống của đồng bào DTTS, nơi đặc biệt khó khăn của tỉnh.