Đưa công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn

Sau khi Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22/2/2022 của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045" được ban hành, các ngành, các địa phương đã từng bước triển khai. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thành phố quyết tâm sớm đưa công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động lễ hội tại không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thu hút nhiều du khách.
Hoạt động lễ hội tại không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm thu hút nhiều du khách.

Các ngành, địa phương đã cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU bằng các nghị quyết, kế hoạch triển khai; đồng thời, xác định những lĩnh vực thế mạnh, từng bước dành nguồn lực tập trung phát triển.

Các địa phương vào cuộc

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân nhấn mạnh: "Ở vị trí giao thoa giữa văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc, Gia Lâm có nhiều di tích lịch sử văn hóa, làng nghề nổi tiếng (gốm Bát Tràng, gốm Kim Lan, dát vàng Kiêu Kỵ, thuốc đông y Ninh Hiệp). Gia Lâm còn có hai con sông chảy qua, thuận lợi cho du lịch. Từ đó, huyện tập trung phát triển du lịch văn hóa, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch sinh thái… có trọng tâm, trọng điểm. Ðịa phương đã xây dựng các sản phẩm du lịch, vận hành cổng thông tin du lịch và App du lịch Gia Lâm; phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch với quy mô lớn".

Tùy thuộc vào đặc điểm, lợi thế của từng địa phương, mỗi quận, huyện lại có cách tiếp cận, triển khai khác nhau. Huyện ủy Ðan Phượng ban hành Nghị quyết số 45-NQ/HU về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ðan Phượng là địa bàn dẫn đầu thành phố về xây dựng nông thôn mới, nên để tạo tiền đề, nền tảng cho phát triển công nghiệp văn hóa, huyện tập trung nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới như phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển các vườn trại, trang trại nông nghiệp… Ðối với hệ thống di sản, huyện đã đầu tư tu bổ, tôn tạo 53 di tích (kinh phí gần 300 tỷ đồng). Các di vật, cổ vật, tư liệu lịch sử được lập hồ sơ khoa học. Các dữ liệu về di tích được số hóa làm chất liệu kết nối, chia sẻ, quảng bá thông tin rộng rãi, tạo sức hấp dẫn với khách du lịch. Bí thư Huyện ủy Ðan Phượng Trần Ðức Hải chia sẻ: "Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực mới mẻ nên điều đầu tiên là phải đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa, tạo sự thống nhất trong tư tưởng và hành động. Tiếp đó, huyện tập trung phát triển, huy động các nguồn lực trong và ngoài huyện đầu tư vào các hoạt động sáng tạo văn hóa, các sản phẩm và dịch vụ văn hóa nhằm xây dựng và phát triển những ngành công nghiệp văn hóa có thế mạnh". Ðối với thị xã Sơn Tây - trung tâm của vùng văn hóa xứ Ðoài, Thị ủy Sơn Tây xác định du lịch văn hóa là trọng điểm của công nghiệp văn hóa, thông qua đó thúc đẩy các lĩnh vực khác. Bên cạnh việc xây dựng các tua, tuyến tham quan Thành cổ Sơn Tây, đền Và, làng cổ ở Ðường Lâm, chùa Khai Nguyên, Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam… mới đây, thị xã đã triển khai hiệu quả sản phẩm phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Nghị quyết 09-NQ/TU đặt ra mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố. Do sự mới mẻ, nên để hiện thực hóa mục tiêu này, thành phố còn nhiều việc phải làm. Du lịch văn hóa là nhân tố quan trọng để phát triển công nghiệp văn hóa. Song điểm yếu lâu nay vẫn là hạ tầng. Chẳng hạn huyện Gia Lâm hiện nay vẫn phải chờ Quy hoạch phát triển làng gốm Bát Tràng để làm nền tảng cho các giải pháp thúc đẩy du lịch, nghề thủ công mỹ nghệ nói chung. Còn huyện Mỹ Ðức, du lịch vốn là thế mạnh nhưng giao thông yếu kém đang là lực cản. Các tuyến đường đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Hương Sơn đều cần được cải tạo, nâng cấp. Bên cạnh đó, việc thu hút các nhà đầu tư có kinh nghiệm, đủ tiềm lực để mở rộng phát triển vùng du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, tạo sự kết nối, hình thành chuỗi du lịch sinh thái-tâm linh với các tỉnh như Hà Nam, Ninh Bình còn khó khăn.

Bên cạnh những vấn đề trên, một số lĩnh vực công nghiệp văn hóa vẫn còn thiếu hành lang pháp lý, thiếu công cụ hỗ trợ để có thể phát triển, thí dụ như các ngành nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, phần mềm và trò chơi giải trí… Ðể hiện thực hóa mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Tại Hội nghị trực tuyến nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045" do Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh: "Hà Nội có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển, các địa phương đều có thể tận dụng phát triển công nghiệp văn hóa, không có địa phương nào không có điều kiện. Không chỉ riêng các quận, huyện mà cấp phường, xã cũng cần quan tâm triển khai, để nghị quyết Thành ủy đi vào cuộc sống".