Ðưa cây lúa nước đến với đồng bào Rục

NDO - Bao đời nay, cuộc sống của bà con người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) vẫn duy trì cuộc sống từ thuở nguyên sơ, săn bắn thú, đào củ hái quả. Trong khoảng chục năm trở lại đây, họ đã biết trồng sắn, ngô trên rẫy dốc và đặc biệt từ năm nay, đồng bào đã biết chuyên canh cây lúa nước...   

Hai lần về với cộng đồng    

Ngày 12-8-1959, một tiểu đội Công an vũ trang Quảng Bình đã phát hiện ra tung tích của những "người rừng" trong hang sâu của đại ngàn đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng. Phải mất một tuần sau, tổ công tác này mới đưa được 34 người thuộc đồng bào dân tộc Rục ra cư trú tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa. Chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ lan ra miền bắc, rồi những năm tháng khó khăn của đất nước sau chiến tranh, nhất là trận dịch sởi năm 1989 cướp mất sinh mạng 20 người Rục, đã không giữ được họ ở lại với cộng đồng. Họ quay về với hang đá.

Cuộc vận động người Rục quay trở về với cộng đồng lần thứ hai là một kỳ tích của cấp ủy, chính quyền địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng (BÐBP) trên địa bàn. Tất cả các hộ người Rục đã được đưa về khu định cư tại các bản Ón, Yên Hợp, Mò Ó Ồ Ồ (xã Thượng Hóa) với sự đầu tư quy mô hơn từ phía chính phủ. Ðến nay, đồng bào Rục đã phát triển lên đến 94 hộ với 375 nhân khẩu.

Dù cuộc sống định cư của đồng bào Rục vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng họ đã có những bước tiến dài trong ý thức. Từ chỗ chỉ biết vào rừng đào củ, săn thú đồng bào đã tiến lên biết làm nương rẫy để trồng ngô, sắn. Có một số thanh niên người Rục tham gia bộ đội, khi hoàn thành nghĩa vụ trở về quê hương đã tìm những khoảnh đất trũng cải tạo để trồng cây lúa nước theo đồng bào dưới xuôi. Những người đi tiên phong trong việc trồng cây lúa nước ở đây phải kể đến ông Trần Trung Trực (bản Yên Hợp), ông Cao Tiến Thuỳnh (bản Ón)... nhưng tất cả họ đều thất bại. Khi những người giỏi nhất bản vẫn không trồng được cây lúa nước ở Thượng Hóa, điều đó càng làm cho người Rục tin vào một lời nguyền có từ lâu "Thượng Hóa không thể trồng được cây lúa nước."   

Ðứng chân trên địa bàn của đồng bào Rục sinh sống là Ðồn Biên phòng Cà Xèng, BÐBP Quảng Bình, cán bộ, chiến sĩ đơn vị cũng luôn xác định chỉ khi trồng thành công cây lúa nước thì cuộc sống của đồng bào mới thoát khỏi nghèo đói. Cả thời gian dài công tác trên địa bàn, quá trình tăng gia sản xuất tại đơn vị,  bộ đội biên phòng hiểu thấu sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây. "Chúng tôi biết, lời nguyền về cây lúa nước xuất phát từ một số người dân trong vùng, họ cho rằng cây lúa nước không thể phát triển được trong điều kiện thiên nhiên quá khắc nghiệt như ở đây. Chúng tôi cũng nhận thức được, muốn trồng thành công cây lúa nước thì phải hiểu, tìm cách khắc chế được "thần đất, thần nước" nơi đây". Thiếu tá Phạm Bá Tuyên, đội vận động quần chúng Ðồn Biên phòng Cà Xèng cho biết.       

Phá bỏ lời nguyền

Giờ đây, bãi đất hoang dốc thoai thoải với cây cối mọc um tùm rộng gần mười ha trải dài trước mặt Ðồn Biên phòng Cà Xèng ngày nào đã được thay bằng cánh đồng lúa đang vào độ chín. Vậy là lời nguyền về cây lúa nước ở mảnh đất Thượng Hóa đã bị phá bỏ, phải mất hai năm trời trải qua bao thất bại, cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cà Xèng với một số hộ dân mới hoàn thành "sứ mệnh" đó.

Năm 2007, khi ông Nguyễn Trung Trực, một người lính xuất ngũ thuộc đồng bào Rục (trú tại bản Yên Hợp) di chuyển vào khu đất trũng ở thượng nguồn con suối Rục Làn tìm cách trồng lúa nước. Nắm được khát vọng của hộ dân này, Ban chỉ huy Ðồn Biên phòng Cà Xèng đã cử Thiếu tá Phạm Bá Tuyên, đội vận động quần chúng của đơn vị phối hợp với ông Trực thử nghiệm trồng cây lúa nước trên một diện tích nhỏ. Sau một thời gian ngắn, họ đã khai hoang được khoảng 700 m2 ruộng. Tháng 12-2007, họ bắt tay vào quá trình trồng vụ lúa đông xuân đầu tiên. Thiếu tá Phạm Bá Tuyên nhớ lại: "Ngay lần đầu thử nghiệm chúng tôi đã gặp thất bại. Khi ngâm ủ, chúng tôi đã làm đúng quy trình kỹ thuật nhưng không hiểu sao hạt lúa vẫn không chịu nảy mầm? Thời gian còn lại quá ngắn nếu lần thử thứ hai ngâm, ủ hạt giống vẫn không nảy mầm thì sẽ bị chậm cả vụ lúa. Tôi đành gọi điện cầu cứu vợ mình". Ở quê nhà Bố Trạch, chị Nguyễn Thị Tiến (vợ anh Tuyên) là người nông dân sản xuất giỏi. Chị đã nhiệt tình tư vấn dùng nước với tỷ lệ ba sôi hai lạnh để ngâm hạt giống sau đó mới tiến hành đem ủ. Quả nhiên sau đó hạt giống nảy mầm rất đều. Thế nhưng chỉ sau mười ngày, toàn bộ mạ bị chết sạch. Thời gian không còn, anh Tuyên lại lặn lội về xuôi, theo lời vợ anh chọn giống lúa Khang Dân (loại lúa ngắn ngày và có khả năng chịu đựng thời tiết khắc nghiệt) lên trồng tại Thượng Hóa. Quả nhiên những ruộng mạ mọc xanh mơn mởn, rồi khi được cấy xuống ruộng, lúa cũng nhanh chóng phát triển tươi tốt trong sự dõi theo của nhân dân trong vùng. "Khi lúa làm đòng, một số khóm lúa bị thối rễ và chết, đặc biệt những điểm có nước lại bị nặng hơn. Còn những chỗ đất khô thì cây lúa vẫn tươi tốt và trổ đòng bình thường. Thấy vậy, chúng tôi tháo khô toàn bộ ruộng lúa nước, mặc dù biết làm thế là sai nguyên tắc nhưng vẫn liều. Rất may, diện tích còn lại tiếp tục trổ đòng, sinh trưởng tốt. Cuối cùng, diện tích lúa trồng thử nghiệm đã cho thu hoạch với năng suất cao, trong niềm vui sướng của tình quân dân nơi đây. Vụ lúa thử nghiệm thứ hai tiếp tục thắng lợi. Không còn nghi ngờ gì nữa, Rục Làn trồng được lúa nước". Vậy là lời nguyền đã bị phá bỏ. Theo Thiếu tá Phạm Bá Tuyên, trồng lúa ở đây không thể ứng dụng rập khuôn theo lý thuyết được. Vì điều kiện đất đai, khí hậu ở đây rất khắc nghiệt, muốn trồng thành công cây lúa nước phải có những điều chỉnh phù hợp, sáng tạo.   

Cánh đồng phì nhiêu trên vùng đất khó      

Sau khi trồng thử nghiệm thành công, BÐBP Quảng Bình khẳng định, cây lúa nước có khả năng phát triển tốt ở mảnh đất sơn cùng thủy tận, khí hậu khắc nghiệt này. Kế hoạch giúp đồng bào Rục mở rộng diện tích trồng cây lúa nước ở Thượng Hóa đã được Ðảng ủy BÐBP Quảng Bình đưa ra bàn luận đi đến thống nhất cao vào tháng 6-2009.

Tháng 10-2009, các loại máy cơ giới có công suất lớn được huy động về Thượng Hóa hỗ trợ cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cà Xèng. 45 cán bộ, chiến sĩ BÐBP Quảng Bình được huy động khai hoang. BÐBP đã xuống vận động nhân dân huy động sức người, sức kéo tham gia khai hoang đất. Như cởi được tấm lòng, đồng bào tích cực hợp tác bộ đội trồng lúa. Bất chấp mọi điều kiện thời tiết, mỗi ngày khi nghe tiếng kẻng hiệu lệnh phát ra từ Ðồn Biên phòng Cà Xèng, quân, dân lại cùng nhau  mang theo dụng cụ  để bắt đầu công việc của một ngày mới. Bên cạnh những cỗ máy cơ giới gầm rú vang núi rừng, tiến hành xúc đất, san ủi mặt bằng thì hàng trăm con người với phương tiện thô sơ cũng hăng say làm việc. "Những ngày đó Thượng Hóa như vào hội. Không khí làm việc nhiệt tình khẩn trương, thắm thiết tình quân dân ở Rục Làn.

Ròng rã gần tám tháng trời, với hơn 2.500 ngày công của cán bộ, chiến sĩ BÐBP Quảng Bình, 3.000 ngày công của nhân dân trên địa bàn, cùng máy móc hiện đại, mười ha đất dốc đã được san bằng phẳng. Công trình thủy lợi trị giá 4,5 tỷ đồng được đầu tư để dẫn nước từ suối nước Rục Làn chảy đều khắp cánh đồng. Cũng chính từ đó mới có tên cánh đồng mang tên Rục Làn. Ruộng được khai khẩn xong, nước đã về, BÐBP cùng nhân dân phấn khởi chuẩn bị gieo trồng vụ lúa đông xuân đầu tiên vào tháng 2-2011 trên toàn bộ diện tích của cánh đồng Rục Làn.                

Khi mười ha ruộng lúa nước được hình thành, chuẩn bị xuống giống vụ mùa đầu tiên, đồng bào Rục ở Thượng Hóa đã phải gánh chịu trận lũ lớn nhất trong lịch sử (tháng 10-2010). Với phương châm "bốn cùng" (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói chuyện sản xuất) với nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Cà Xèng đã bám sát nhân dân hướng dẫn họ trồng lúa nước. Với mục đích vừa làm, vừa dạy việc cho đồng bào, Ban chỉ huy Ðồn Biên phòng Cà Xèng đã chia 94 hộ dân, với 375 nhân khẩu đồng bào Rục thành mười tổ sản xuất, mỗi tổ do một cán bộ biên phòng làm tổ trưởng phụ trách  một ha. Qua bốn, năm tháng vất vả, gian lao, thật mừng là một mùa lúa bội thu đã thành hiện thực.

Những ngày đầu tháng 7-2011, cả cánh đồng Rục Làn tràn ngập một mầu vàng óng của lúa chín. Trên cánh đồng rộng bạt ngàn, BÐBP Quảng Bình giúp dân gặt, tuốt lúa để chuyển về nhà. Dự kiến năng suất lúa có thể đạt tới 3,5 tấn/ha.

Sau bao nhiêu gian khổ, trên vùng "đất chết" đã có một mùa vàng ấm no. Những ngày này, bà con người Rục vẫn đang hoan hỉ trong hương lúa mới.