Đưa cá sông Đà về hệ thống siêu thị

NDO -

Với lợi thế mặt nước hồ thủy điện Hòa Bình, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh việc nuôi cá lồng đã và đang mang lại hiệu quả cao. Đặc biệt, thương hiệu “cá Hòa Bình” đang từng bước thâm nhập vào các siêu thị lớn, nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Cường Thịnh (đứng) đang chỉ đạo thu hoạch cá.
Ông Phạm Văn Thịnh, Giám đốc Công ty Cường Thịnh (đứng) đang chỉ đạo thu hoạch cá.

“Bén duyên” với cá lòng hồ

Trên mặt nước dập dềnh của hồ thủy điện Hòa Bình, thuyền chúng tôi cập khu nuôi rộng 7ha, trong đó 3ha dành cho nuôi cá lồng của Công ty TNHH Xây dựng và Dịch vụ Cường Thịnh (Công ty Cường Thịnh).

Gặp chúng tôi, Giám đốc Công ty, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hòa Bình, Phạm Văn Thịnh giãi bày cái “duyên” đến với con cá của mình. Anh nhớ lại: “Cách đây tám năm, nhận thấy cá nuôi trên sông Đà đang được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hơn nữa, việc nuôi cá lồng cũng có nhiều thuận lợi khi môi trường nước tốt, cá lớn nhanh, chất lượng ngon, đồng thời tỉnh Hòa Bình đang khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nuôi cá trên lòng hồ. Thời gian đầu, tôi nuôi thử nghiệm khoảng 20 đến 30 lồng, do có hiệu quả nên số lượng lồng nuôi cá của công ty tăng lên theo từng năm. Đến nay, công ty đang nuôi khoảng 240 lồng cá với hơn 10 loại cá khác nhau, trong đó có nhiều loại cá đặc sản như dầm xanh, lăng, chiên”.

“Bình quân mỗi năm, công ty cung cấp cho thị trường khoảng 600 - 700 tấn cá thương phẩm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu ở Hà Nội, với đối tác chính là các hệ thống siêu thị lớn như: Big C miền bắc, Vinmart, Lotte… cùng các nhà hàng lớn”, anh Thịnh cho biết.

Theo anh Thịnh, việc đưa cá về thâm nhập vào các siêu thị là việc không đơn giản. Việc này cũng khó như việc “bắt bệnh” cho cá để vừa bảo đảm cá sống khỏe, năng suất lại cao và chất lượng tốt.

“Thời gian đầu khi bắt tay vào nuôi cá, tôi loay hoay để tìm nơi tiêu thụ. Rất may, qua các kênh xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường tôi đã gặp được các đối tác có nhu cầu tiêu thụ lớn là những hệ thống siêu thị. Tôi cũng xác định việc đưa cá vào được các kệ siêu thị cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, vì sự kiểm soát rất ngặt nghèo nên công ty cũng chủ động sản xuất cá thương phẩm theo quy trình sạch, môi trường nước bảo đảm vì vậy đáp ứng được yêu cầu từ phía đối tác. Đến nay, công ty cung cấp cá thương phẩm cho hệ thống Big C miền bắc được bốn năm, Vinmart được ba năm. Điều đáng nói, sản phẩm bán tại siêu thị được người tiêu dùng đánh giá tốt”, anh Thịnh cho biết thêm.

Nhằm quảng bá, mở rộng thị trường, giới thiệu sản phẩm cá Hòa Bình đến với người tiêu dùng Hà Nội, năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hòa Bình phối hợp Công ty Cường Thịnh tổ chức tuần lễ cá sông Đà - Hòa Bình tại siêu thị Vinmart Royal City. Mục tiêu nhằm giúp người tiêu dùng Thủ đô nhận biết, lựa chọn tiêu dùng sản phẩm cá sông Đà bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm so các sản phẩm không có chứng nhận nguồn gốc rõ ràng.

Sản phẩm cá sông Đà của Công ty Cường Thịnh được nuôi thả hoàn toàn ở môi trường nước sạch tại lòng hồ thủy điện. Đặc biệt, thức ăn cho cá được chủ yếu là tép bạc, cá thầu dầu... quy trình chăm sóc bảo đảm được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP và không sử dụng hóa chất độc hại, chất bảo quản. Hiện nay, sản phẩm cá của Cường Thịnh đã đạt hạng 4 sao theo chương trình OCOP.

Hướng đến nuôi cá đặc sản

Theo Chi cục Thủy sản Hòa Bình, đến hết tháng 6-2020, toàn tỉnh duy trì phát triển 2.700 ha nuôi cá tại các ao, hồ nhỏ, nuôi cá ruộng và các hồ chứa kết hợp thủy lợi, trong đó có 4.700 lồng nuôi cá; sản lượng thu hoạch đạt khoảng 5.269 tấn, trong đó khai thác 975 tấn, nuôi trồng 4.294 tấn gồm các loại cá như: Nheo Mỹ, chiên, lăng chấm, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi, chim trắng, trê lai, chép…

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hòa Bình, Hoàng Văn Son cho biết: “Hiện nay, cá Hòa Bình đang được tiêu thụ tại các thị trường như Hà Nội và một số địa phương khác. Mặc dù vậy, tiềm năng để nuôi cá đặc sản trên lòng hồ thủy điện còn nhiều nên tỉnh đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư để hướng đến các vùng nuôi quy mô lớn, bảo đảm phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phê duyệt chương trình nông nghiệp hữu cơ, trong đó, có việc nuôi cá hữu cơ bằng việc chủ yếu sử dụng thức ăn không có tồn dư các chất hóa học và không sử dụng các chất kháng sinh, chất xử lý môi trường. Vì vậy, cá thương phẩm sẽ được bảo đảm chất lượng và an toàn, người tiêu dùng sẽ quan tâm hơn”.

Ngay như Công ty Cường Thịnh, sản lượng cá thương phẩm xuất ra thị trường khoảng 600-700 tấn/năm, trong đó sản lượng cá đặc sản chiếm khoảng 20-25%.

Giám đốc Công ty Cường Thịnh, Phạm Văn Thịnh chia sẻ: “Hiện nay, tiềm năng nuôi cá lòng hồ thủy điện Hòa Bình còn nhiều nhưng sản lượng cá thương phẩm cung cấp cho thị trường lớn như Hà Nội vẫn còn khiêm tốn. Thời gian tới, công ty đang hướng tới việc xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nhằm tạo ra sản phẩm tốt, bảo đảm an toàn, qua đó từng bước đưa thương hiệu “cá Hòa Bình” mở rộng đến nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước. Đặc biệt, công ty cũng đang hướng đến sản xuất cá đạt tiêu chuẩn cao hơn, nhằm xuất khẩu đến thị trường nước ngoài”.

Cũng theo ông Hoàng Văn Son, hiện nay, việc nuôi cá đặc sản tại lòng hồ đang phát triển theo hướng tích cực, nhiều doanh nghiệp đầu tư nuôi đã và đang mang lại hiệu quả cao. Trong đó, có doanh nghiệp nuôi cá tầm, sản phẩm bán ra thị trường “cung không đủ cầu”.

Hay như cá trắm đen, mặc dù giá bán khoảng 300.000 đồng/kg nhưng cũng không đủ để bán. Cùng với những loài cá đặc sản đang được nuôi, cơ quan chuyên môn tỉnh Hòa Bình cũng nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm một số loại mới như cá chình. Đến nay, đã có một số cơ sở nuôi thử nghiệm loài cá này cho thấy phẩm chất rất tốt. Cá chình chủ yếu ăn cá tép dầu, gần như không ăn thức ăn công nghiệp nên hiệu quả cực cao. Theo thống kê, cá chình nuôi khoảng năm năm cho thu hoạch, giá bán ngay tại khu nuôi dao động từ 500.000 - 600.000 đồng/kg.