Chiều 19/11, Trung tâm Hỗ trợ phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống - Câu lạc bộ Đình làng Việt đã tổ chức lễ trao tặng 12 bộ áo ngũ thân truyền thống tới 7 bảo tàng, gồm Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng và Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ.
Áo dài là niềm tự hào của người Việt Nam, mang những giá trị lịch sử, văn hóa và thẩm mỹ xứng tầm một bộ quốc phục. Thế nhưng, vấn đề về áo dài luôn nóng trên các phương tiện truyền thông trong thời gian qua, khi mà tà áo dài truyền thống của người Việt lại bị nước ngoài mạo danh, đánh tráo để trở thành thương hiệu của họ.
Hơn thế nữa, hình ảnh của bộ trang phục áo ngũ thân truyền thống cũng đang phải đối mặt mới nhiều thách thức, khi ngày càng xuất hiện nhiều các bộ áo dài cách tân, may, mặc xa rời bản sắc văn hóa Việt Nam. Nếu không được định hướng đúng đắn, những “mốt thời trang” của dòng áo dài cách tân tùy tiện, pha tạp hay thay đổi chi tiết, kiểu dáng một cách lộn xộn sớm muộn có thể xóa nhòa biểu tượng văn hóa chính thống của người Việt.
Thấu hiểu giá trị vật chất cũng như giá trị tinh thần của các di sản văn hóa, là kết tinh tư tưởng, trí tuệ sáng tạo của dân tộc Việt Nam, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban bố Sắc lệnh số 65/SL, đặt nền móng cho sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam chia sẻ. Sắc lệnh ra đời trong hoàn cảnh đất nước còn non trẻ với muôn vàn khó khăn, càng thể hiện rõ sự sáng suốt và tầm nhìn xa, trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trên phương diện thẩm mỹ, áo ngũ thân làm tăng vẻ lịch lãm của người nam, sự dịu dàng và duyên dáng của người nữ, tạo nên vẻ đẹp và phong cách riêng biệt không hề lẫn lộn của người Việt.
Để người dân, đặc biệt là các bạn trẻ có cái nhìn chính xác hơn và có ý thức trách nhiệm hơn khi khoác trên mình chiếc áo dài truyền thống của dân tộc, nhiều tổ chức, cá nhân như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có những hành động cụ thể nhằm bảo vệ áo dài. Đặc biệt, hơn một năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế triển khai đề án “Huế - Kinh Đô áo dài Việt Nam” nhằm vinh danh áo dài như một “di sản văn hóa quốc gia”, và trong tương lai sẽ thành “di sản văn hóa thế giới”.
Hưởng ứng ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), chào mừng Hội Nghị Văn hóa toàn quốc sẽ được tổ chức ngày 24/11/2021 tới, Trung tâm Hỗ trợ và phát triển Áo dài truyền thống của Câu lạc bộ Đình làng Việt đã tổ chức vận động các nghệ nhân hiến vải, dành công may áo dài ngũ thân truyền thống để trao tặng các bảo tàng, nhằm hỗ trợ công tác giới thiệu và quảng bá hình ảnh áo dài Việt Nam.
12 bộ áo dài truyền thống là những bộ thường phục Áo ngũ thân tay chẽn, kết cấu, tạo hình hoàn toàn theo phương pháp thủ công theo phong cách y phục thời Nguyễn. Mỗi bộ trang phục có một đặc điểm chất liệu, kỹ thuật dệt, may riêng, mang dấu ấn của từng nghệ nhân.
Các nghệ nhân chọn lựa kỹ lưỡng các loại vải chất lượng cao từ những làng nghề nổi tiếng như làng lụa La Khê và Phùng Xá (Hà Nội), Nha Xá (Hà Nam), Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Mỹ A (An Giang). Những bộ áo dài ngũ thân được may hoàn toàn theo cốt cách truyền thống, dưới bàn tay tài hoa của những con người yêu di sản áo dài, có niềm đam mê với bảo tồn giá trị thẩm mỹ và văn hóa của loại trang phục truyền thống này.