Dự án Luật Thủ đô được ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ tư pháp thay mặt Chính phủ trình Quốc hội sáng nay 26-10, sau nhiều ý kiến đóng góp và chỉnh sửa so với lần soạn thảo đầu tiên vào năm 2009.
Hạn chế gia tăng nhập cư
Trong những năm gần đây, Hà Nội đang phải chịu áp lực ngày một lớn do tình trạng tăng dân cư quá nhanh, đặc biệt là ở nội thành. Theo số liệu do Công an thành phố Hà Nội cung cấp, kể từ khi Luật cư trú có hiệu lực, mỗi năm trung bình có khoảng 50.000 người đăng ký thường trú vào nội thành (so với trước đây khoảng 15.000 người/năm thì tăng hơn gấp ba lần).
Trong khi đó, điều kiện về cơ sở hạ tầng và khả năng cung ứng dịch vụ công của thủ đô Hà Nội như giáo dục, y tế, giao thông… không thể đáp ứng kịp với số lượng người nhập cư ngày càng tăng vào nội thành. Thành phố cũng không có đủ kinh phí để cải thiện cơ sở hạ tầng, cũng như tăng khả năng cung ứng dịch vụ công để đáp ứng yêu cầu về biến động dân cư hàng năm lớn như vậy.
Chính phủ cho rằng, để kiểm soát dân cư trong nội thành Hà Nội một cách phù hợp thì cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là các giải pháp về kinh tế - xã hội, quy hoạch (chẳng hạn như quy định khoản 2 Điều 19 dự thảo Luật). Kiểm soát dân cư ở nội thành bằng biện pháp hành chính tuy chưa phải giải pháp tối ưu, nhưng cần thiết để bảo đảm quy mô, mật độ dân cư theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô.
Phương án 2 của Dự thảo, quy định về điều kiện đối với việc đăng ký thường trú ở nội thành đã được nhiều ý kiến của các chuyên gia tán thành. Theo đó, công dân đang tạm trú ở nội thành được đăng ký thường trú ở nội thành nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện: có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở và đã tạm trú liên tục tại chỗ ở đó từ ba năm trở lên; người đang trong độ tuổi lao động thì phải có việc làm ổn định hoặc người có thu nhập ổn định, bảo đảm mức sống bình thường; nơi đề nghị được đăng ký thường trú phải là nơi đang tạm trú.
Ở nội thành phải chịu mức phí cao?
Để kiểm soát chặt chẽ hơn sự gia tăng dân số quá nhanh, có ý kiến cho rằng, muốn đăng ký thường trú ở nội thành thì phải đóng thuế hoặc phí cao hơn.
Tại điểm b khoản 3 Điều 18 của dự thảo Luật, đồng ý việc HĐND thành phố Hà Nội được “Quy định mức thu phí ở nội thành cao hơn, nhưng không quá hai lần so với mức thu do Chính phủ và Bộ Tài chính quy định đối với một số khoản thu phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố trong lĩnh vực giao thông vận tải”.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định thu phí cao hơn ở nội thành trong lĩnh vực giao thông vận tải. Tăng phí chưa phải là giải pháp tối ưu để hạn chế việc sử dụng phương tiện giao thông cá nhân.
Chính phủ nhận thấy loại ý kiến thứ hai này là có cơ sở và đã quy định các giải pháp kinh tế - xã hội khác nhau trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, trước mắt, khi chưa có đường sắt trên cao, tàu điện ngầm, thì cần tiếp tục có giải pháp để giải quyết vấn nạn ùn tắc.
Dự thảo Luật cũng chỉ giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân xem xét, cần thiết thì mới quy định. Việc thu phí cao hơn không vì mục đích thu, mà để giảm ùn tắc trước hết là vào giờ cao điểm; người dân sẽ lựa chọn sử dụng loại phương tiện giao thông và thời gian lưu thông trong khu vực nội thành. Trong tinh thần đó, điểm b khoản 3 Điều 18 của dự thảo Luật được thiết kế theo loại ý kiến thứ nhất.
Một số ý kiến khác cho rằng, cần tiếp cận vấn đề này theo hướng điều hòa tăng trưởng dân cư tự nhiên ở Hà Nội, khống chế việc gia tăng dân cư đối với bốn quận cũ của Hà Nội và ưu tiên bố trí định cư ở khu vực khác; không nên quy định điều kiện về diện tích sàn nhà ở trên đầu người.
Điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật chỉnh lý lần này so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội khóa XII là bổ sung khoản 2 Điều 19 quy định các biện pháp về kinh tế - kỹ thuật bên cạnh biện pháp hành chính nhằm giảm tải việc tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành. Theo đó: “Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết việc làm nhằm hạn chế tình trạng di dân tự phát vào nội thành”.
Dự án Luật Thủ đô trình Quốc hội khóa 12 đã được bắt đầu chuẩn bị từ năm 2009, được Uỷ ban pháp luật của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội tán thành trình Quốc hội xem xét.
Chính phủ cho rằng, việc quy định những cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo Luật Thủ đô không phải là vấn đề mới, mà chỉ là sự kế thừa, phát triển một cách có hệ thống những chính sách (đặc thù) gắn với lịch sử hình thành và phát triển Thủ đô Hà Nội đã có từ hằng trăm năm nay.
Tuy nhiên, vì còn nhiều ý kiến góp ý chỉnh sửa, dự án Luật tiếp tục được chỉnh sửa, hoàn thiện. Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa 13, Dự thảo Luật tiếp tục được đưa ra trình Quốc hội, phiên thảo luận lấy ý kiến góp ý của các đại biểu sẽ diễn ra vào chiều 27-10 (ở tổ) và sáng 5-11 (tại hội trường). Dự kiến Luật Thủ đô sẽ được thông qua vào ngày 21-11 tới.