Dự thảo Luật Giáo dục Đại học: Vẫn bất cập trong đào tạo nhân lực y tế

NDO -

NDĐT - Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, một số vấn đề liên quan đến đào tạo nhân lực y tế trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học chưa thể hiện được tính nhất quán, đồng bộ.

Giờ học về Tế bào học với kính hiển vi điện tử của sinh viên Trường đại học Y Hà Nội.
Giờ học về Tế bào học với kính hiển vi điện tử của sinh viên Trường đại học Y Hà Nội.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV trong ngày mai, 6-11. Là thành viên Tổ tư vấn đổi mới của Bộ Y tế, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo cho rằng, dự thảo Luật Giáo dục Đại học hiện chưa đề cập đến đặc thù trong đào tạo nhân lực y tế, trong đó có nội dung rất quan trọng của Luật là về trình độ và văn bằng giáo dục đại học. Nội dung này cũng đã được Bộ Y tế có ý kiến nhiều lần.

Không nên bỏ qua trình độ và văn bằng chuyên sâu trong đào tạo nhân lực y tế

Ông Lợi cho hay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới, để trở thành người bác sĩ hành nghề chuyên môn, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo sáu năm ở trường đại học, người học còn phải đào tạo chuyên khoa, chuyên sâu và thường xuyên đào tạo cập nhật, phát triển nghề nghiệp. Nhưng trong thời gian sáu năm học tập để trở thành bác sĩ, không giống như các chương trình cử nhân khác, chương trình đào tạo bác sĩ bao gồm các hợp phần, nội dung thực hành và các giai đoạn trải nghiệm công việc trực tiếp tại các cơ sở y tế dựa trên các nền tảng lý thuyết. Chương trình đào tạo và năng lực của chuyên khoa và chuyên khoa sâu (ở Việt Nam hiện nay là đào tạo chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và nội trú) cũng khác hẳn chương trình và năng lực đầu ra của thạc sĩ, tiến sĩ.

Theo ông Lợi, hệ thống trình độ đào tạo và văn bằng của nhiều nước trên thế giới thường theo hai định hướng đào tạo là hướng hàn lâm (academic) và hướng chuyên nghiệp (professional). Trong đó, đào tạo bác sĩ đi theo hướng chuyên nghiệp, nhưng trình độ đào tạo và văn bằng giáo dục đại học của các đối tượng gồm bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa sâu gồm chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 không thể hòa cùng với trình độ và văn bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. “Tại Việt Nam, rất tiếc là điều này chưa được thể hiện trong dự thảo luật. Chính vì vậy, cần thiết phải quy định về loại hình trình độ và văn bằng này trong dự thảo luật”, ông Lợi nhấn mạnh.

Hiện nay, những luật giáo dục hiện hành của Việt Nam chỉ giữ về văn bằng (bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư) mà bỏ mất trình độ và văn bằng chuyên sâu (trong y tế có chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 và nội trú). Đặc biệt, trong dự thảo lần này không nói rõ về nội dung này.

Ông Lợi đặt câu hỏi “Các chương trình đào tạo bác sĩ, chuyên khoa, chuyên khoa sâu sau đào tạo bác sĩ thì là tương đương với chương trình đào tạo của trình độ nào? Các chương trình đào tạo này không thể tương đương với chương trình cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ vì đây là theo định hướng đào tạo chuyên sâu nên phải quy định trình độ cụ thể như các nước đã làm. Nếu như không quy định về trình độ cụ thể cho đối tượng đào tạo nhân lực này trong luật thì giao Chính phủ quy định về xác định chỉ tiêu, thời gian đào tạo… như ở Điều 73 chỉ làm rối hệ thống thêm mà không giải quyết được việc nâng cao chất lượng nhân lực ngành y tế”.

Làm rõ thêm nội dung về phân loại cơ sở giáo dục và tự chủ giáo dục

Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đề nghị, Ban soạn thảo Luật Giáo dục Đại học cần phải làm rõ thêm một số nội dung về phân loại cơ sở giáo dục đại học; quản lý nhà nước, quản trị và tự chủ giáo dục đại học.

Về phân loại cơ sở giáo dục đại học, theo quy định tại Khoản 4, Điều 7 xác định, Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu hoặc Cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng. "Tôi lo ngại là các cơ sở giáo dục đại học chuyên về lĩnh vực y tế không biết sẽ xác định đi theo định hướng nào vì trong đào tạo y khoa là đào tạo song song theo cả hai hướng hàn lâm và chuyên nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo xem lại quy định này có khả thi không trong khi việc phân tầng các cơ sở giáo dục đại học theo định hướng nghiên cứu và ứng dụng theo Luật Giáo dục Đại học 2012 đã không triển khai được trong thực tiễn", ông Lợi bày tỏ lo lắng.

Việc tự chủ là một xu hướng tất yếu nhưng trong lĩnh vực y tế, tự chủ chỉ thực hiện ở lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh còn lĩnh vực y tế cơ sở và y tế dự phòng thì Nhà nước vẫn phải có cơ chế bảo đảm. Chính vì vậy, cần có quy định về chính sách cho những cơ sở đào tạo các chuyên ngành về lĩnh vực y tế dự phòng, pháp y, tâm thần, lao, phong, ... Chính vì vậy, cần có quy định về cơ chế quản lý nếu các cơ sở giáo dục đại học trong lĩnh vực y tế không thể tự chủ nhưng vẫn phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị do nhà nước giao.

Bên cạnh đó, dự thảo đang quy định tiêu chuẩn giảng viên đại học tối thiểu là thạc sĩ, tiến sĩ. Như vậy, trong các bệnh viện chủ yếu là những người có bằng chuyên khoa 1, chuyên khoa 2 hay nội trú có trình độ chuyên môn tay nghề rất giỏi và đang tham gia giảng dạy thì công nhận họ thế nào?

“Đào tạo nhân lực y tế là vấn đề liên ngành quy định về đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì theo Luật Giáo dục Đại học; quy định về hoạt động chuyên môn y tế do Bộ Y tế chủ trì theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các luật chuyên ngành; quy định về tài chính (chi phí cho đào tạo, thù lao cho giảng viên và người học tại bệnh viện, ...) do Bộ Tài chính chủ trì theo Luật về giá, Luật về phí,...; quy định về vị trí việc làm của giảng viên và người học trong cơ sở y tế khi thực hiện dạy-học, chế độ đãi ngộ do Bộ Nội vụ chủ trì... Chính vì vậy, cần được thể chế hóa một cách rõ ràng, hướng tới mục tiêu cuối cùng là người dân được hưởng nền y tế có đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, có chất lượng, xây dựng pháp luật là để phục vụ đời sống kinh tế - xã hội chứ không phải phục vụ cho cá nhân nào, bộ ngành nào”, ông Lợi nói.