Du lịch vùng đặc sản chè Thái Nguyên

NDO -

NDĐT - Chè Tân Cương là đặc sản danh tiếng của tỉnh Thái Nguyên được hàng triệu người tiêu dùng ưa chuộng từ nhiều năm qua. Với địa hình đồi thấp trùng điệp, những đồi chè đẹp mắt, vùng đặc sản chè Tân Cương đang thu hút nhiều khách du lịch sinh thái, trải nghiệm. Tuy nhiên, người dân địa phương cần thay đổi nhận thức để thúc đẩy du lịch phát triển, qua đó góp phần nâng tầm chè Thái.

Khách du lịch thăm vùng chè đặc sản Tân Cương.
Khách du lịch thăm vùng chè đặc sản Tân Cương.

Cách trung tâm TP Thái Nguyên khoảng 10 cây số, đường đi rộng rãi, êm thuận, chỉ mất chừng 15 phút là du khách đã có mặt ở vùng đặc sản chè Tân Cương với những đồi chè thấp, trùng điệp, những luống chè được trồng ngay ngắn đẹp mắt.

Khi vùng đặc sản chè Tân Cương, bao gồm sáu xã Tân Cương, Phúc Trừu, Phúc Xuân, Thịnh Đức, Quyết Thắng và Phúc Hà, trong đó Tân Cương là vùng “lõi” thuộc TP Thái Nguyên được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý và Festival trà lần thứ nhất được tổ chức năm 2011, chè Thái Nguyên và vùng đặc sản chè Tân Cương được du khách biết đến ngày càng rộng rãi.

Không gian văn hóa trà Tân Cương tọa lạc tại xóm Soi Vàng, xã Tân Cương là nơi tỉnh Thái Nguyên tổ chức Festival trà định kỳ hai năm một lần nằm ngay bên cạnh tuyến đường vào vùng trồng chè Tân Cương danh tiếng. Không gian văn hóa trà được xây dựng tinh tế, mái màu xanh, thể hiện màu của lá chè, đây là không gian bảo tồn, tôn vinh vùng đất và cộng đồng trồng, chế biến, kinh doanh chè.

Với nhiều tư liệu, hình ảnh, công cụ chế biến, pha chè, thể hiện các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của chè, thưởng trà... được trưng bày, đến Không gian văn hóa trà Tân Cương, du khách sẽ cảm nhận được quá trình hình thành, phát triển của nghề chè và văn hóa thưởng trà.

Giao thông thuận tiện, vào dịp cuối tuần, lễ, Tết, hàng nghìn du khách từ nhiều nơi trong và ngoài nước đến tham quan Không gian văn hóa trà Tân Cương. Đến với không gian này, du khách không chỉ được thưởng thức hương vị trà Tân Cương nổi tiếng, mà còn hiểu về nghề trồng, chăm sóc, chế biến chè. Từ đây, du khách có thể tỏa đi các ngả đường thăm quan những đồi chè san sát như bát úp nối tiếp nhau trùng điệp của vùng trung du, những luống chè được trồng thẳng hàng đẹp mắt, tìm hiểu đời sống vật chất, trả nghiệm văn hóa của người trồng chè ở địa phương.

Du lịch vùng đặc sản chè Thái Nguyên ảnh 1

Gia đình anh Trần Văn Thắng ở xóm Hồng Thái II xây dựng cảnh quan để du khách chụp ảnh kỷ niệm.

Tại xã Tân Cương, đến nay có một số gia đình, cơ sở sản xuất chè đón tiếp du khách tham quan, trải nghiệm. Ngay bên tuyến đường trục chính, cơ sở chè Thắng Hường do anh Trần Văn Thắng ở xóm Hồng Thái II làm chủ đã đầu tư xây dựng một khuôn viên nhỏ để du khách chụp ảnh. Đồng thời, gia đình anh Thắng sẵn sàng đón tiếp du khách đến tham quan nương chè của mình, mời vào nhà thưởng trà và ăn kẹo lạc miễn phí.

Anh Thắng vui vẻ chia sẻ: Mặc dù đón khách du lịch trải nghiệm không thu đồng nào, nhưng đổi lại khi ra về du khách mua chè của mình về uống, làm quà biếu là vui rồi. Đón đoàn khách 20-30 người, khi ra về mỗi người mua 1 kg chè thì mình cũng tiêu thụ được 20-30 kg chè.

Từ nhà anh Thắng, theo đường bê-tông xuyên qua đồi chè xanh ngát, hồ nước mát lành là đến cơ sở sản xuất chè Tiến Yên do Bùi Trọng Đại làm chủ lúc nào cũng sẵn sàng đón tiếp du khách trải nghiệm thu hái, chế biến chè, dùng cơm và ngủ ngay tại gia đình. Mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng Đại có tư duy vượt lên so với cộng đồng. Cách đây mấy năm, TP Thái Nguyên tổ chức khóa tập huấn phát triển du lịch sinh thái với đại diện của khoảng 40 gia đình tham dự, nhưng đến nay ở xã Tân Cương chỉ vài hộ làm du lịch sinh thái.

Du lịch vùng đặc sản chè Thái Nguyên ảnh 2

Anh Bùi Trọng Đại phát triển du lịch sinh thái trong đồi chè của mình.

Đến nay, Đại đã xây dựng hệ thống đường bê-tông nhỏ lên đến gần 1.000m trong khu vực đồi chè rộng hơn một héc-ta của mình để du khách tham quan chè, chụp ảnh cho sạch sẽ; đào ao tạo hồ nước, làm cầu, dựng lều trên hồ để làm nơi du khách ngồi thưởng trà, ngắm cảnh; tổ chức cho du khách trải nghiệm hái chè, chế biến chè, phục vụ cơm nước và chỗ nghỉ qua đêm. Với những dịch vụ như vậy, dù chưa nhiều nhưng Đại thu được phí, khi ra về du khách mua chè.

Tuy nhiên, ở vùng chè Tân Cương, làm được như Đại, anh Thắng không nhiều, cộng đồng ở địa phương chưa sẵn sàng với du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái. Thậm chí, Đại phàn nàn, những đồi chè ở địa phương nối tiếp nhau, không hề có ranh giới, đôi khi du khách vượt khỏi danh giới diện tích chè của mình sang gia đình khác, làm cho gia đình ấy không vui.

Phần lớn người dân địa phương không muốn đón tiếp khách du lịch, vì không thu được gì, lại mất thời gian đón tiếp, pha chè tiếp khách, khách đến hái chè sợ làm hỏng chè, rẽ đất... Nguyên nhân làm cho phần lớn người dân ở vùng chè đặc sản Tân Cương chưa sẵn sàng với du lịch sinh thái là do chưa nhận thức được vai trò của du lịch góp phần thúc đẩy tiêu thụ chè. Chưa nhận thức được việc du khách mua chè ngay tại chỗ, góp phần khẳng định thương hiệu, nâng tầm chè Tân Cương.

Để thúc đẩy du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm vùng chè đặc sản Tân Cương, trước tiên cần thay đổi nhận thức của cộng đồng, khuyến khích các gia đình có điều kiện đầu tư nơi ăn, chỗ nghỉ cho du khách, đào tạo ngoại ngữ, cải tạo, xây dựng những đồi chè đẹp mắt, tăng cường tuyên truyền... để thu hút khách du lịch ngày càng nhiều.