Du lịch sinh thái ở Đồng Tháp

Đến với Đồng Tháp mênh mông đồng nước, du khách được hòa mình vào khung cảnh thanh bình, thỏa thích với những sản vật do con người tạo ra. Tình đất, tình người nơi đây như luôn níu chân du khách ở lại lâu hơn.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan, trải nghiệm “Cánh đồng hoa hồng” ở thành phố Sa Đéc.
Du khách tham quan, trải nghiệm “Cánh đồng hoa hồng” ở thành phố Sa Đéc.

Những cánh đồng lúa, đồng sen, những vườn hoa, cây ăn trái… ở các địa phương thuộc tỉnh Đồng Tháp đã cộng hưởng tạo nên thương hiệu du lịch cho vùng đất thuộc Đồng Tháp Mười kỳ thú. Thành phố Sa Đéc có hơn 20 điểm tham quan du lịch và hầu hết là điểm du lịch sinh thái.

“Cánh đồng hoa hồng” với diện tích gần 2,6ha của anh Phạm Thanh Tâm, dù ngày thường hay lễ, Tết luôn thu hút khá đông du khách. Ngoài không gian mênh mông hữu tình, sức hút của điểm tham quan này còn là những tiểu cảnh luôn được làm mới.

Chị Trần Quỳnh Nguyên, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh vui vẻ nhận xét: “Tôi hết sức ấn tượng với “Cánh đồng hoa hồng” vì quá đặc trưng cho sinh thái Sa Đéc, nhất là những tiểu cảnh rất dễ thương để thỏa thích chụp ảnh lưu niệm”.

Hai năm trở lại đây, ở thành phố Sa Đéc cũng “mọc lên” nhiều điểm du lịch sinh thái gây ấn tượng không kém, trong đó có Pink House SaDec (Ngôi nhà mầu Hồng).

Bên cạnh dịch vụ homestay và các tiểu cảnh trang trí hiện đại kết hợp cổ xưa, ở đây còn có con sông thu nhỏ chảy dọc theo hoa viên với nhiều loại cá cảnh và cá tự nhiên.

Sắp tới, nơi đây sẽ mở rộng không gian sinh thái với diện tích 2.000m2 và lập tour tham quan nhằm “giữ chân” du khách ở lại lâu hơn… Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Sa Đéc Võ Thị Bình cho biết, Sa Đéc luôn có cơ hội và kịp thời nắm bắt cơ hội phát triển du lịch sinh thái.

Thời gian tới, thành phố tập trung nâng cấp cơ sở vật chất, tiếp tục đầu tư các tuyến đường kết nối giao thông phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đồng thời kết nối các huyện lân cận để tạo nên những tour tham quan, trải nghiệm du lịch sinh thái ấn tượng hơn.

Đồng Tháp hiện có hai loại hình du lịch sinh thái, gồm: Lưu trú sinh thái (bao gồm các homestay, farmstay) và du lịch nông nghiệp. Trong đó, du lịch nông nghiệp đang phát triển khá mạnh với 72 điểm tham quan, trải nghiệm trên toàn tỉnh. Những năm qua, du lịch sinh thái nói riêng và du lịch nói chung luôn được tỉnh chú trọng đầu tư phát triển.

Năm 2022, du lịch Đồng Tháp đón khoảng 3,5 triệu lượt khách, tăng gấp 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2021; tổng doanh thu du lịch khoảng 1.664 tỷ đồng, tăng gấp 2,9 lần so với năm 2021 và gấp 1,6 lần so với trước khi xảy ra dịch Covid-19 năm 2019. Thứ hạng du lịch của Đồng Tháp tiếp tục được khẳng định, đứng đầu cụm liên kết phía đông đồng bằng sông Cửu Long cả về lượt khách và doanh thu.

Riêng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, Đồng Tháp tổ chức đưa, đón và phục vụ khoảng 155.157 lượt khách, tăng hơn 2 lần so với Tết Nhâm Dần 2022; doanh thu hơn 16 tỷ đồng, tăng hơn 4,6 lần so với cùng kỳ Tết Nguyên đán năm trước. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Thị Hoài Thu cho biết, tỉnh vẫn còn nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển du lịch sinh thái.

Trước hết, Đồng Tháp sở hữu hệ sinh thái đất ngập nước đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười. Đất đai trù phú, cây cối xanh tươi, nhiều sản vật nổi tiếng; nước ngọt có quanh năm từ hai nhánh sông lớn nhất (sông Tiền và sông Hậu) của sông Mekong và nhất là con người thân thiện, mến khách, nghĩa tình, năng động.

Cùng với đó, xu hướng du lịch của khách quốc tế trong những năm gần đây là trải nghiệm, khám phá các vùng nông thôn, tham gia các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa địa phương…, là cơ hội cho du lịch sinh thái phát triển.

Tuy vậy, thách thức cũng rất lớn. Đó là dịch bệnh ngày càng phức tạp, là thiên tai do biến đổi khí hậu xảy ra thường xuyên, khó lường. Đáng quan tâm hơn là chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ chất lượng mang tính trải nghiệm cao.

Cùng với đó, công nghệ thông tin phát triển rất nhanh làm thay đổi hành vi, cách thức tiếp cận và lựa chọn sản phẩm, điểm đến du lịch của du khách…, đòi hỏi phải có sự thay đổi, thích ứng phù hợp. Để khai thác tốt hơn nữa tiềm năng du lịch, nhất là du lịch sinh thái, Đồng Tháp tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; tăng cường xã hội hóa hoạt động du lịch, khuyến khích sự tham gia của các cộng đồng dân cư địa phương; chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch địa phương.

Quan trọng hơn là không ngừng đa dạng hóa, nâng cao chất lượng và tính hấp dẫn của sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách.