Điểm đến mới của những đám cưới nước ngoài
Gaurav Patil không ngần ngại giới thiệu tổ chức đám cưới tại Việt Nam với bạn bè của anh ấy ở quê nhà Ấn Độ.
Patil, người đã sống ở Việt Nam 10 năm, đã kết hôn với bạn gái người Việt Nam tại một khu nghỉ dưỡng ở thị trấn ven biển ở Quy Nhơn vào cuối năm 2019.
“Về mặt chi phí, nó rẻ hơn nhiều so với Ấn Độ cho một loại resort hoặc khách sạn tương tự. Các khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam thực sự đáng đồng tiền bát gạo về các dịch vụ cung cấp cho khách”, anh Patil, người gốc Madhya Pradesh, Ấn Độ cho hay.
“Ở Phú Quốc (và những nơi tương tự) tất cả nhân viên đều nói tiếng Anh và do đó việc giao tiếp không phải là vấn đề”, anh Patil nói.
Anh Patil, hiện làm việc cho một công ty kinh doanh nông sản và thực phẩm, chỉ lưu ý một nhược điểm khi lựa chọn địa điểm xa để tổ chức đám cưới là phải chọn lọc danh sách khách mời kỹ hơn, vì đám cưới của người Ấn Độ nhìn chung lớn hơn và có nhiều khách hơn so với đám cưới của họ ở Việt Nam.
Đám cưới của anh ở Việt Nam có khoảng 300 khách và tiêu tốn khoảng 60.000 USD. Anh ước tính một buổi lễ tương tự ở Ấn Độ sẽ có số lượng khách gấp đôi và chi phí cũng gấp đôi.
Tháng trước, Việt Nam và Ấn Độ đã tổ chức một hội nghị trực tuyến để quảng bá Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất của Việt Nam và Kerala, một bang ven biển phía tây nam Ấn Độ, làm điểm đến tổ chức đám cưới.
Phú Quốc, cái tên có nghĩa đen là “vùng đất màu mỡ”, là trụ cột trong nỗ lực phục hồi ngành du lịch của Việt Nam. Theo số liệu chính thức, trước đại dịch, nơi này vốn đóng góp khoảng 10% GDP của cả nước.
Tháng 11 năm ngoái, hòn đảo - nơi có những bãi biển đẹp, rạn san hô và các thác nước như tranh vẽ - đã chào đón hơn 200 du khách Hàn Quốc, những vị khách nước ngoài đầu tiên đến thăm Việt Nam kể từ khi đóng cửa biên giới do đại dịch kéo dài gần hai năm.
Số liệu chính thức của Tổng cục Du lịch công bố, sau khi mở cửa hơn một tháng, hòn đảo này đã đón hơn 1.000 du khách nước ngoài đến từ các quốc gia như Thái Lan, Lào, Uzbekistan và Kazakhstan. Đây là một con số rất khiêm tốn so với năm 2019, khi có 5,3 triệu lượt khách, trong đó phần lớn là người Việt Nam.
Trong cùng năm 2019, ngành du lịch thu về 32,8 tỷ USD. Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 5 năm tính đến năm 2019, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản là những thị trường cung cấp khách thường xuyên nhất. Trong những năm gần đây, chỉ riêng khách Trung Quốc đã chiếm khoảng một phần ba lượng khách du lịch, trong khi khách đến từ Ấn Độ chỉ chiếm chưa đến 1%.
Những đám cưới xa hoa
Phú Quốc đã được quảng bá rộng rãi hơn đến du khách quốc tế khi một cặp đôi tỷ phú người Ấn Độ đã lựa chọn nơi này làm địa điểm tổ chức “siêu đám cưới” hồi năm 2019. Đám cưới của Kaabia Grewal, người đồng sáng lập dòng trang sức thời trang cao cấp và Rushang Shah, con trai của người sáng lập kiêm Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ấn Độ có trụ sở tại Mỹ, đã nhận được nhiều sự chú ý và tán dương của giới truyền thông quốc tế.
Sự kiện có sự tham gia của khoảng 700 khách mời và hơn 100 nghệ sĩ biểu diễn quốc tế. Đây là loại sự kiện có thể được mô tả một cách thông tục ở Ấn Độ là một "đám cưới béo bở".
Đám cưới kéo dài 4 ngày diễn ra tại khu nghỉ dưỡng 5 sao JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ đã góp phần thuyết phục cặp đôi chọn Phú Quốc.
Jyoti Mayal, chủ tịch Hiệp hội Đại lý Lữ hành Ấn Độ - hiệp hội lâu đời nhất của Ấn Độ - người đã tham gia hội nghị trực tuyến vào tháng trước, thông tin rằng ở Ấn Độ, đám cưới là một công việc kinh doanh quanh năm, đồng thời nói thêm rằng xu hướng điểm đến đám cưới “có thể là một nhân tố thay đổi cuộc chơi trong việc thúc đẩy thương mại du lịch giữa hai nước”.
Ông cho biết hiệp hội “rất vui mừng được hợp tác với các đối tác của chúng tôi và quảng bá Việt Nam là điểm đến tổ chức đám cưới thuận lợi nhất” nhờ “cơ sở hạ tầng phát triển tốt, các bãi biển và các điểm du lịch khác”.
Cần thêm sự hỗ trợ
Manvir Singh, Giám đốc điều hành của Shanqh Luxury Events, một công ty tổ chức đám cưới có trụ sở tại New Delhi, chuyên phục vụ các cặp đôi Ấn Độ muốn kết hôn tại Việt Nam, cho rằng Phú Quốc là “một điểm đến thu hút các đám cưới”.
Ông nói: “Việt Nam đang bắt đầu trở nên phổ biến trong không gian tổ chức tiệc cưới của Ấn Độ và chúng tôi cảm thấy khi đại dịch đi qua, chúng tôi sẽ có một tương lai (kinh doanh) tươi sáng ở Việt Nam”.
Công ty của ông, đơn vị đã tổ chức tiệc cưới trọn gói với các khách sạn và khu nghỉ dưỡng Việt Nam bao gồm JW Marriott Emerald Bay, Intercontinental, Novotel và Pullman Phú Quốc, cung cấp cho khách hàng các dịch vụ được thiết kế riêng theo yêu cầu và chế độ ăn uống của người Ấn Độ.
Tuy nhiên, ông cho hay, ông chưa nhận được sự hỗ trợ nhiều từ các giới chức địa phương khi so sánh với 1 số nơi khác như Bahrain.
Bà Nguyễn Thị Xuân Ngọc, người có hàng chục năm kinh nghiệm điều hành khách sạn và tổ chức sự kiện tại Indonesia và Việt Nam cũng cho rằng sự hỗ trợ của nhà nước nói chung, đặc biệt là về đầu tư vào các chiến dịch xúc tiến tại các triển lãm thương mại quốc tế chẳng hạn như ITB châu Á và Hội chợ Du lịch Thế giới. Các sự kiện lớn trong ngành này tập hợp các nhà cung cấp, quản lý khách sạn, nhà tổ chức sự kiện và các nhân vật khác trong ngành du lịch để quảng bá các gói của họ và nâng tầm quốc tế của từng quốc gia thành điểm nóng về du lịch và sự kiện.
Thêm vào đó, người sáng lập Virtual Desire Events, một nền tảng thương mại điện tử có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh dành cho các nhà tổ chức sự kiện và các nhà cung cấp cũng cho rằng không nên xây dựng Phú Quốc chỉ là điểm đến tổ chức đám cưới dành cho giới nhà giàu Ấn Độ.
“Khi chúng ta quảng bá Phú Quốc là điểm đến cho những đám cưới xa xỉ, những đối tượng hưởng lợi chính sẽ là các khách sạn có thương hiệu chứ không phải các nhân tố địa phương. Chúng ta đang sử dụng các khách sạn 5 sao để thu hút khách hàng, chứ không phải bản thân điểm đến nơi có các khách sạn đó", bà Ngọc nêu.
Bà Ngọc nói thêm: “Việt Nam không thiếu những nhà cung cấp dịch vụ chất lượng. Phú Quốc là một thí dụ điển hình về các thương hiệu lớn và các nhà cung cấp địa phương với tư duy quốc tế".