Du lịch Hà Nội chinh phục những mục tiêu mới

Trong năm 2024, Hà Nội sẽ tổ chức khoảng 50 sự kiện văn hóa, lễ hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch. Mở màn cho chuỗi sự kiện này là chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024-Get on Hanoi 2024”, được tổ chức tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ.
0:00 / 0:00
0:00
Màn trình diễn ánh sáng trong chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024-Get on Hanoi 2024”.
Màn trình diễn ánh sáng trong chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024-Get on Hanoi 2024”.

Không chỉ tập trung tại khu vực Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ), tối 9/3, hàng chục nghìn người đã tập trung tại những nơi có tầm nhìn thuận lợi quanh khu vực hồ Tây để chiêm ngưỡng màn trình diễn ánh sáng của 300 thiết bị bay không người lái mang đèn led trong chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024-Get on Hanoi 2024”.

Mặc dù số lượng thiết bị bay không người lái ít hơn so với đêm Giao thừa Xuân Giáp Thìn 2024, nhưng công chúng vẫn được chứng kiến những màn trình diễn mãn nhãn với những thông điệp về vẻ đẹp, về du lịch Hà Nội; nhất là những màn trình diễn về những hình ảnh đặc trưng của quận Tây Hồ như: Sen bách diệp, đào Nhật Tân, cầu Nhật Tân... xuất hiện trong sự phấn khích của đông đảo khán giả.

Nếu như ở trên bầu trời là những hình ảnh đẹp mắt thì ở mặt đất, công chúng được thưởng thức những màn trình diễn nghệ thuật mang chủ đề “Hương sắc Tây Hồ” và chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Du xuân khởi lộc”. Đây là một chương trình mang tính sử thi kết hợp trình diễn ánh sáng công nghệ laser mapping với sự tham gia của khoảng 50 diễn viên chuyên nghiệp và 150 người dân trên địa bàn.

Cũng tại Không gian văn hóa sáng tạo quận Tây Hồ, Sở Du lịch phối hợp Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổ chức hàng chục gian hàng giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ như xương sừng Thụy Ứng (huyện Thường Tín),

nón lá làng Chuông... hay các đặc sản của Tây Hồ như: Trà sen Quảng An, xôi chè Phú Thượng... Là một du khách tham gia chương trình, anh Lê Mạnh Hà (huyện Đan Phượng, Hà Nội) cho biết: “Hôm nay số lượng khán giả đến với chương trình rất đông. Tôi khá vất vả mới chọn được một vị trí đẹp nhưng tôi và mọi người đều rất vui khi được chứng kiến màn trình diễn hết sức độc đáo và ấn tượng. Tôi tin rằng những hoạt động như vậy sẽ góp phần tích cực quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô”.

Năm 2023, ngành du lịch Thủ đô đã triển khai chuỗi 189 các hoạt động, sự kiện xúc tiến du lịch, trong đó, nhiều sự kiện, hoạt động du lịch độc đáo, chất lượng. Các doanh nghiệp du lịch đã giới thiệu nhiều sản phẩm du lịch mới và được đông đảo du khách đón nhận như: Tour đêm Văn Miếu “Tinh hoa đạo học”, tour đêm đền Ngọc Sơn, tour du lịch văn học chữ Tâm, chữ Tài... Những hoạt động này góp phần giúp ngành du lịch Thủ đô thu hút 24,72 triệu lượt khách. Hà Nội cũng được các tổ chức quốc tế vinh danh qua nhiều giải thưởng như: Điểm đến

du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày năm 2023; “Điểm đến thành phố Golf tốt nhất thế giới năm 2023”... Từ thành công này, ngành du lịch Thủ đô đang nỗ lực chinh phục những mục tiêu mới, với việc phấn đấu đón 27 triệu lượt khách trong năm 2024. Thành phố sẽ tổ chức khoảng 50 sự kiện văn hóa, lễ hội để quảng bá giới thiệu du lịch, trong đó “Du lịch Hà Nội chào 2024-Get on Hanoi 2024” là chương trình mở màn.

Giám đốc Sở Du lịch Đặng Hương Giang cho biết: “Hà Nội sẽ tổ chức những sự kiện có điểm nhấn để quảng bá du lịch như: Lễ hội du lịch Hà Nội 2024; Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội 2024; Festival Thu Hà Nội; Lễ hội ẩm thực và du lịch làng nghề; Lễ hội Áo dài Hà Nội 2024...

Bên cạnh các sản phẩm du lịch truyền thống, thành phố cũng tập trung đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới gắn với lợi thế của từng địa phương như khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô; phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn du lịch thể thao...”.

Trong khuôn khổ chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024-Get on Hanoi 2024”, Sở Du lịch công bố Quyết định công nhận Khu du lịch cấp thành phố đối với Khu du lịch Nhật Tân. Khu du lịch Nhật Tân có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa hấp dẫn, đã đón du khách tham quan, trải nghiệm các dịch vụ từ năm 1999.

Hiện nay, Khu du lịch Nhật Tân khai thác chủ yếu loại hình du lịch tham quan, ngắm cảnh, sinh thái với các điểm đến như: Vườn đào Nhật Tân, thắng cảnh hồ Tây; các di tích như: Chùa Tảo Sách, đình Nhật Tân và các điểm du lịch như: Công viên nước, Thung Lũng Hoa, Bãi đá sông Hồng, Không gian văn hóa sáng tạo (phố Trịnh Công Sơn)... Việc Khu du lịch Nhật Tân trở thành Khu du lịch cấp thành phố sẽ giúp quận Tây Hồ có thêm điều kiện để khai thác những lợi thế thắng cảnh hồ Tây và các điểm đến nổi tiếng như: Chùa Trấn Quốc, chùa Kim Liên, phủ Tây Hồ, đền Đồng Cổ...

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, trong thời gian tới quận sẽ triển khai thực hiện các đề án, dự án; trong đó, tập trung đầu tư vào các làng nghề, không gian sáng tạo để đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng quận Tây Hồ trở thành điểm du lịch hấp dẫn thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Qua đó, góp phần phát triển du lịch Thủ đô ngày càng vững mạnh hơn.