Dự kiến quý I, Việt Nam sẽ tiêm vaccine phòng Covid-19

NDO -

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp chiều nay về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp cấp phép khẩn cấp cho vaccine AstraZeneca sản xuất. Dự kiến 30 triệu liều vaccine sẽ được tiêm cho những người đầu tiên tại Việt Nam vào quý I tới đây. 

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19.

1.200 cán bộ y tế hỗ trợ cho Hải Dương, Quảng Ninh

Bộ trưởng Nguyễn Thành Long cho biết, từ ngày 25 đến nay, Việt Nam ghi nhận 150 trường hợp mắc, trong đó có 130 ca tại Hải Dương, 15 ca tại Quảng Ninh, một tại Hải Phòng, hai tại Hà Nội. Riêng trong ngày hôm nay, Việt Nam ghi nhận 54 trường hợp, trong đó có 48 ca tại Hải Dương, hai ca tại Hà Nội, Quảng Ninh ba trường hợp, Bắc Ninh một trường hợp.

Hiện trên toàn quốc ghi nhận hai ổ dịch lớn tại Hải Dương và Quảng Ninh. Trong đó, ổ dịch tại Hải Dương đều liên quan đến Công ty Poyun và ổ dịch tại Quảng Ninh đều liên quan đến sân bay Vân Đồn. Hiện Bộ Y tế đã lấy mẫu trên diện rộng để phát hiện nhanh các ca mắc.

Nhận định thời gian tới đây có thể có thêm trường hợp mắc và có thể có ca mắc rải rác tại các địa phương khác. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, về mặt dịch tễ, chúng ta đã sớm khoanh vùng, dập dịch tại Hải Dương. Đây là tín hiệu khả quan nhưng chúng ta không thể chủ quan.

Tại Hà Nội và một số địa phương khác liên quan đến hai khu vực này, Bộ Y tế cũng phát đi khuyến cáo những người đến hai địa điểm này cần liên hệ ngay cơ quan y tế.

“Chúng ta kích hoạt rất nhanh toàn bộ hệ thống và cử chuyên gia tới Hải Dương, Quảng Ninh, hỗ trợ tối đa hai địa bàn này khoanh vùng, dập dịch để có Tết an lành. Hiện chúng tôi điều động lực lượng cán bộ đông hơn Đà Nẵng, lên tới 1.200 cán bộ y tế gồm cả học sinh, sinh viên trường y và 60 chuyên gia y tế đầu ngành để tiếp nhận hệ thống điều trị tại Hải Dương”, Bộ trưởng nói.

Về điều trị, hiện cơ sở điều trị tại Hải Dương chưa đủ đáp ứng nên Bộ Y tế chỉ đạo thành lập ba bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh và đã đi vào hoạt động, phân công BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương hỗ trợ chuyên môn với công suất lên tới 250 giường bệnh. Bệnh viện dã chiến thứ 2 tại Trường ĐHKT Y tế Hải Dương với sự hỗ trợ của chuyên gia của BV Bạch Mai, thiết lập đơn vị hồi sức cấp cứu tại đây để điều trị bệnh nhân nặng, điều trị tại chỗ, hạn chế di chuyển.

Hiện Bộ Y tế kết nối với các cơ sở điều trị và Hội đồng chuyên môn tại Mỹ Đình để hỗ trợ chuyên môn cho các cơ sở điều trị. Về mặt chuyên môn, Bộ Y tế hoàn toàn yên tâm về điều trị.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt Chỉ thị 05 của Thủ tướng Chính phủ. Với Hải Dương, Bộ trưởng đề nghị phải cách ly triệt để F1 tập trung. Cách ly càng nhanh F1 càng nhanh thành công. Hiện Hải Dương đang nỗ lực triển khai công việc này và đang giải tỏa hết tại Công ty Poyun.

Ngày mai, Bộ Y tế sẽ kết hợp với Hải Dương xét nghiệm lại toàn bộ cho công nhân tại đây, tăng tần suất xét nghiệm để giải phóng sớm. Lập toàn bộ danh sách người tiếp xúc với 2.340 công nhân của công ty và tiến hành lấy mẫu và làm xét nghiệm.

Nhận định tình hình dịch tại Hà Nội có thể có thêm một số ca rải rác nhưng Hà Nội hiện đang rất chủ động phòng dịch, tăng cường xét nghiệm tại sân bay để phòng dịch.  

Việt Nam họp cấp phép khẩn cấp vaccine phòng Covid-19

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, hôm qua (28-1), Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp cấp phép khẩn cấp cho vaccine do AstraZeneca sản xuất. "Chúng tôi đã trao đổi chặt chẽ với công ty của Anh về vaccine này. Công ty này cam kết bán cho Việt Nam 30 triệu liều vaccine. Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Chính phủ quyết định theo chỉ đạo của Bộ Chính trị", Bộ trưởng nói.

Bộ Y tế cũng đẩy nhanh tiến độ đàm phán với hai đơn vị là Pfizer và Moderna, với các nhà sản xuất vaccine khác tại Ấn Độ, Trung Quốc, Nga. Bộ Y tế đã giao cho một đơn vị để có thể phối hợp với Nga trong cả thử nghiệm và sản xuất. Hiện phía Nga đang rất nhiệt tình hỗ trợ. Bộ Y tế mong Bộ Ngoại giao hỗ trợ Bộ Y tế trong thử nghiệm vaccine tại Việt Nam vì vaccine Việt Nam sản xuất cũng phải thử nghiệm tại các nước khác, đặc biệt tại các nước có dịch. 

Hiện Việt Nam có hai vaccine đã tiến hành thử nghiệm trên người ở hai vaccine của Nanogen và Ivac. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, vaccine của Ivac có tính khả thi khá cao vì được sản xuất trên chính dây chuyền mà Ivac đang sản xuất vaccine. Đây là cơ sở tích hợp nghiên cứu đa trung tâm.

"Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại Đông - Nam Á tự nghiên cứu, tự thử nghiệm vaccine trên người. Quan điểm của Bộ Y tế làm thế nào người dân sớm có vaccine. Trong quý I, dự kiến sẽ có vaccine đầu tiên tiêm cho đối tượng theo báo cáo của Bộ Y tế với Chính phủ", Bộ trưởng nói.

Cuộc đua vaccine Covid-19