Kết quả khảo sát cho thấy, có 41,2% người được hỏi đã sẵn sàng đi du lịch vào dịp tháng 9 - 11-2020; 20,1% muốn đi du lịch từ tháng 12-2020 - 1-2021, vào thời điểm Lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch; 12,4% có kế hoạch đi du lịch vào dịp tết Âm lịch, từ tháng 2 đến 4-2021; 18,2% số người muốn đi du lịch vào dịp nghỉ hè (từ tháng 5 - 9-2021) và chỉ có 8,1% số người cho rằng sẽ đi du lịch muộn hơn.
Về thời gian chuyến đi, có 46,7% số người cho biết sẽ dành từ 2-3 ngày; 36,9% lựa chọn đi nghỉ 4-5 ngày; 7,5% dự định nghỉ 6-7 ngày; 6,3% số người có kế hoạch đi trên bảy ngày và 2,6% số người được hỏi cho biết sẽ đi du lịch trong ngày.
Về phương tiện, có tới 70,7% chọn đi du lịch bằng máy bay; 30% lựa chọn đi bằng xe khách; 29,8% số người muốn đi du lịch bằng xe riêng (ô-tô, xe máy, xe đạp) và 10,9% số người muốn tham quan trải nghiệm bằng tàu hỏa.
Phần lớn khách du lịch Việt Nam muốn đi du lịch với gia đình khi có tới 48,6% người được hỏi lựa chọn hình thức này; 30,8% cho biết sẽ đi cùng bạn bè; 13% muốn đi theo tour của các công ty du lịch; 5,9% số người muốn đi du lịch một mình và khoảng 1,7% số người được hỏi lựa chọn đi cùng cơ quan, công ty.
Cũng theo kết quả khảo sát, các địa điểm được đa số du khách muốn ghé thăm đều là những điểm đến nổi tiếng làm nên thương hiệu du lịch Việt Nam như Lâm Đồng, Đà Nẵng, Hà Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Hà Nội…
Trong hành trình khám phá của mình, những hoạt động được du khách quan tâm là nghỉ dưỡng biển, khám phá ẩm thực, khám phá thiên nhiên, nghỉ dưỡng núi, tìm hiểu văn hóa lịch sử, vui chơi giải trí.
Đối với khách du lịch thời điểm này, có đến 56% số người được hỏi cho rằng điểm đến an toàn là yếu tố chính tác động đến kế hoạch đi du lịch và 32,8% số người cho biết khả năng tài chính sẽ tác động đến chuyến đi.
Kết quả khảo sát phản ánh khá đúng tâm lý của người dân Việt Nam về du lịch trong nước hiện nay.
Chia sẻ với phóng viên, chị Phạm Thị Huyền ở phố Thợ Nhuộm, Hà Nội cho biết, gia đình chị đặt vé máy bay và đặt phòng khách sạn tại Đà Nẵng vào tháng 7 nhưng đã phải lùi lại kế hoạch do đợt bùng phát dịch vừa qua. Không như nhiều người khi đó chọn cách bỏ tour, gia đình chị quyết định lùi thời điểm du lịch Đà Nẵng sáng đầu tháng 10 với tin tưởng rằng dịch bệnh đã được khống chế như đợt bùng phát lần đầu.
Không đi xa được như gia đình chị Huyền, gia đình anh Thắng (Trung Yên, Hà Nội) lựa chọn hình thức du lịch homestay ở các điểm lân cận Hà Nội vào dịp cuối tuần. Cuối tuần qua, gia đình anh đã chọn địa điểm Pù Bin, Mai Châu, Hòa Bình để trẻ con trong gia đình có trải nghiệm chuẩn bị mùa trung thu với các bạn nhỏ vùng cao. Gia đình anh cũng đã lên kế hoạch cho những chuyến đi mới gần Hà Nội cùng các gia đình bạn bè vào các dịp cuối tuần để hai cháu nhỏ không bị ảnh hưởng tới lịch học.
Bác Nguyễn Thị Hạnh, 65 tuổi, sống tại Hải Phòng cho hay, vợ chồng bác và một nhóm những người bạn đã về hưu đang lên kế hoạch đi du lịch Côn Đảo vào cuối tháng 10 này. "Dịch bệnh đã trong nước đã yên ắng, và giờ lại có đường bay thẳng từ Hải Phòng tới Côn Đảo nên các bác muốn đi vào mùa thu này luôn", bác Hạnh nói.
Với hai tiêu chí then chốt là “An toàn” và “Hấp dẫn”, chương trình kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm 2020 do Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL phát động đã và đang nhận được sự vào cuộc tích cực của địa phương và đông đảo doanh nghiệp nhằm tạo ra xu hướng dịch chuyển mới.
Tổng cục Du lịch, các cơ quan quản lý địa phương và các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng, với những kinh nghiệm có từ đợt kích cầu du lịch nội địa lần đầu, cùng với vệc kiểm soát thành công đợt bùng phát dịch vừa qua tại Đà Nẵng, niềm tin của du khách với du lịch trong nước sẽ sớm trở lại, tạo đà hồi phục cho ngành du lịch đang gặp nhiều khó khăn chưa từng có.