Nhật Bản là nước châu Á đã chuyển sang đón Tết theo lịch Tây phương từ năm 1873. Do vậy, ở quốc gia này, vào dịp Tết Nguyên đán, không khí làm việc và học tập vẫn diễn ra như thường lệ. Riêng đối với người Việt, mặc dù vẫn duy trì nhịp sống ngày thường tại đây, nhưng trong lòng ai nấy dường như đều đang hướng về ngày Tết ở quê nhà. Người Việt, đặc biệt là những bạn trẻ, thường cố gắng dành thời gian để cùng nhau tổ chức những hoạt động mang đậm phong vị Tết cổ truyền của dân tộc. Trong đó, có công việc gói bánh chưng. Có thể nói, bánh chưng trong tâm thức người Việt là món ăn đặc trưng dân tộc, mỗi khi Tết đến xuân về, dù có đi đâu, ở đâu cũng không bao giờ thiếu chiếc bánh chưng xanh trong mâm cỗ Tết cổ truyền.
Chuẩn bị lá dong để gói bánh.
Cùng nhau gói bánh chưng cho bữa tiệc tất niên trở thành một trong những hoạt động được mong đợi trong dịp Tết cổ truyền đối với nhiều bạn trẻ Việt đang sinh sống, làm việc tại xứ sở Phù tang. Trải nghiệm này khiến những người con đang ở nơi xa cảm nhận được thật gần hương vị Tết quê nhà.
Để gói được chiếc bánh chưng thuần Việt, khâu chuẩn bị nguyên liệu là vô cùng quan trọng. Nếu như gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn hay muối tiêu có thể mua được khá dễ dàng tại các siêu thị Nhật Bản, thì lá dong là câu chuyện khác. Để có đủ lượng lá dong cần thiết, nhóm bạn phải đặt mua trước từ sớm ở một số cửa hàng tạp hóa của người Việt tại Nhật. Giá của lá dong tại Nhật cũng đắt hơn khá nhiều so với ở Việt Nam, khoảng 700 yên (gần 150.000 đồng) cho 20 lá.
Theo chị Nguyễn Tuyết Anh (ở TP Kawasaki, Nhật Bản), những năm trước đây, lá dong thường được đặt mua từ nguồn xách tay qua đường hàng không. Nhưng hiện nay, với chính sách kiểm dịch chặt chẽ của Nhật Bản, vào dịp Tết, chị không nhờ được người Việt mang sang nữa. “Tuy khó mua hơn, nhưng vẫn có thể kiếm được lá dong từ những cửa hàng tạp hoá của ngươì Việt” - Tuyết Anh cho biết.
Theo chị Tuyết Anh, một số người Việt ở Nhật cũng đã trồng được lá dong để bán, cung cấp không chỉ trong dịp Tết mà còn trong ngày thường.
Năm nay, vào một ngày cuối tuần gần sát dịp Tết, một nhóm các kỹ sư phần mềm và du học sinh đang sinh sống tại TP Kawasaki lại hẹn cùng nhau gói bánh chưng. Hầu hết trong số họ đều đang đều đang là những thanh niên độc thân, chưa có gia đình. Có người mới lần đầu tiên trải nghiệm ăn Tết cổ truyền trên nước Nhật, còn nhiều người đã trải qua vài ba cái Tết xa quê hương.
Sau khi có đủ nguyên liệu, các bạn trẻ chia nhau mỗi người một nhiệm vụ từ rửa lá dong, vo gạo, đãi đỗ, ướp thịt, cắt lá theo khuôn… Buổi gói bánh chưng ở đây thiếu vắng sự hiện diện của các bà, các mẹ, thay vào đó là hình ảnh những nam nữ thanh niên, tất cả cùng nhau quây quần bày biện, gói bánh.
Việc gói bánh không chỉ thu hút các bạn nữ, mà các nam thanh niên cũng rất nhiệt tình tham gia. Với Hoàng Nam (du học sinh đang học tập taị TP Tokyo) thì đây là lần đầu tiên tự tay gói một chiếc bánh chưng. Mặc dù vậy, những chiếc bánh được gói vô cùng đẹp đẽ, đâu đó thể hiện sự trân trọng và chăm chút của các bạn trẻ Việt dành cho chiếc bánh cổ truyền của dân tộc.
“Cảm giác tự tay gói bánh ở một nơi rất xa và nghĩ rằng ở nhà, người thân cũng đang tất bật chuẩn bị cho những ngày Tết đến thật sự rất đặc biệt” - Hoàng Nam chia sẻ.
Một góc Tết Việt của du học sinh tại Nhật Bản.
Chắc hẳn, nhiều người sẽ tò mò muốn tìm hiểu về công đoạn luộc bánh. Có thể thấy, việc nổi lửa để luộc một lúc nhiều chiếc bánh chưng trong một thời gian dài tại phòng ở, thường là không quá rộng ở Nhật Bản, là việc khó khả thi. Không biết các bạn trẻ người Việt thường sẽ xoay xở ra sao. Tuyết Anh vui vẻ cho biết, để phù hợp với hoàn cảnh, công đoạn này sẽ được các bạn trẻ “biến tấu” một cách rất khoa học. Đó là gói xong thì sẽ chia nhau, mỗi người đem một, hoặc hai chiếc để về tự luộc. “Sử dụng nồi áp suất bánh sẽ nhanh chín và cũng khá ngon” - Tuyết Anh chia sẻ bí quyết.
Giờ đây, tại nhiều thành phố của Nhật Bản nơi có người Việt sinh sống, việc mua một chiếc bánh chưng làm sẵn không hề khó khăn. Nhiều người Việt, chủ yếu là các chị, các mẹ vẫn làm bánh chưng, bánh giò, các loại bánh Việt và bán hằng ngày, chứ không chỉ riêng trong dịp lễ, Tết. Một chiếc bánh làm sẵn giá thành cũng không quá cao, thường vào khoảng 1.000 yên (hơn 200 nghìn đồng Việt Nam).
Tuy vậy, so với việc bỏ tiền ra mua một chiếc bánh chưng sẵn có, chiếc bánh do tự tay mình cùng bạn bè làm ra để bày biện và thưởng thức trong mâm cỗ tất niên dường như có một hương vị đậm đà hơn hẳn. Chiếc bánh tự gói lan toả ra hương vị Tết, hương vị quê nhà, mà dường như chỉ những người con xa với tấm lòng luôn hướng về cội nguồn mới thấy rằng, hương vị đó thấm đẫm trong tâm hồn.