Dư địa phát triển mắc-ca còn rất lớn

NDO - Ngày 29/7, tại tỉnh Lai Châu, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển bền vững mắc-ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 344/QĐ-TTg ngày 15/3/2022.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Đến dự hội nghị có đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam, sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh miền trung và trung du miền núi phía bắc, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình nông dân trồng mắc-ca.

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp, đến nay, cả nước đã có 29 tỉnh trồng cây mắc-ca, với tổng diện tích khoảng 19.000 ha, tập trung chủ yếu tại hai khu vực Tây Nguyên và Tây Bắc, trong đó có hơn 30% diện tích đã cho thu hoạch với sản lượng ước đạt hơn 8.800 tấn/năm…

Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam đánh giá, sản phẩm mắc-ca sấy khô xuất khẩu hằng năm của cả nước ước đạt khoảng hơn 2.400 tấn, được nhập khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Pháp.

Qua khảo sát, các tỉnh miền núi phía bắc hiện có tới hơn 2,7 triệu ha đất lâm nghiệp, trong đó 1,7 triệu ha đất có rừng và còn khoảng một triệu ha đất chưa có rừng hoặc rừng nghèo kiệt.

Đây là một dư địa lớn để phát triển cây mắc-ca, đáp ứng hiệu quả mục tiêu của đề án “Phát triển bền vững mắc-ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thực hiện mục tiêu kép trồng mắc-ca tập trung xen lẫn với cây rừng, vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường bền vững và hưởng ứng kế hoạch trồng một tỷ cây xanh của Chính phủ, các tỉnh trung du, miền núi phái bắc đang tích cực triển khai phát triển cây trồng mắc-ca theo quy hoạch, định hướng phù hợp.

Tại hội nghị, nhiều tham luận đã đặt ra các kiến nghị, giải pháp hỗ trợ người trồng mắc-ca về tiêu thụ hạt mắc-ca, vốn vay, cây giống, đất trồng và các vấn đề liên quan đến cơ chế, chính sách để phát triển cây trồng mắc-ca theo hướng tập trung và phát triển bền vững.

Đại diện Hiệp hội Mắc-ca Việt Nam khuyến cáo, mắc-ca có nguồn gốc từ rừng nhưng khi trồng với mục đích kinh tế thì cần tuân thủ các quy trình về nông nghiệp, người trồng cần lựa chọn giống đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận khi phát triển diện tích, tránh thiệt hại về sau.

Dư địa phát triển mắc-ca còn rất lớn ảnh 1

Vườn mắc-ca trồng xen canh với cây chè cho thu hoạch 7.000 kg quả/ha/năm của một hộ dân ở huyện Tân Uyên (Lai Châu).

Nhiều ý kiến của các đại biểu cũng cho rằng, các cơ quan quản lý có trách nhiệm cần quản lý chặt chẽ nguồn giống đầu vào vì cây trồng cần nhiều năm mới biết kết quả, đồng thời xác định những vùng trồng phù hợp đối với cây mắc-ca.

Các hộ dân đang trồng cây mắc-ca mong muốn cần có các cơ sở sản xuất, chế biến mắc-ca ổn định để thu mua, chế biến sản phẩm khi thu hoạch, đồng thời đề nghị nhà nước có chính sách hỗ trợ về tài chính đối với người trồng mắc-ca; các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, khoa học kỹ thuật và công nghệ áp dụng trong quy trình sản xuất, chế biến theo chuỗi nhằm tăng năng suất, chất lượng mắc ca.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, đề án phát triển bền vững mắc-ca được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã đề ra các giải pháp phát triển bền vững mắc-ca trong thời gian tới. Thông qua đó, đưa mắc-ca trở thành một trong những cây trồng quan trọng, đa mục đích, nâng cao thu nhập cho người dân, doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là địa bàn vùng miền núi, vùng biên giới. Phấn đấu đưa nước ta trở thành một trong những nước đứng đầu thế giới về trồng, chế biến và xuất khẩu sản phẩm mắc-ca.