Dư địa phát triển đô thị trung tâm, hạt nhân cấp Vùng

Các địa phương trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ (Vùng) đang tận dụng dư địa để phát triển, xây dựng và quy hoạch một cách bài bản, đồng bộ về mạng lưới từ đô thị lõi, đến đô thị vệ tinh. Đặc biệt việc xây dựng đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân được xem là động lực kết nối để phát huy thế mạnh toàn Vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng - nút thắt trong phát triển đô thị trung tâm.
Cảng hàng không Quốc tế Đà Nẵng - nút thắt trong phát triển đô thị trung tâm.

Đô thị hóa tạo ranh giới khác biệt trong Vùng

Tại hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa qua, một trong các nhiệm vụ trọng tâm cấp Vùng mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu là phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí xanh, thông minh, sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, hình thành ba tiểu vùng đô thị hóa với các đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân, gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, trung tâm thương mại, dịch vụ.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, các địa phương trong Vùng có nhiều thuận lợi, dư địa để quy hoạch tầm nhìn và phát triển đô thị trung tâm, đô thị hạt nhân cấp Vùng. 14 tỉnh, thành phố trong Vùng có 210 đô thị, trong đó có 6 đô thị loại I, 7 đô thị loại II, 10 đô thị loại III, 21 đô thị loại IV và 166 đô thị loại V.

Trong đó, Thanh Hóa là tỉnh có số lượng đô thị nhiều nhất với 35 đô thị, Ninh Thuận với 4 đô thị - là tỉnh có số lượng ít nhất trong cả nước và trong vùng. Thành phố Đà Nẵng (với 87,2%) là thành phố có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất trong vùng, hơn gấp đôi so với tỷ lệ đô thị hóa cả nước (40,5%); tỉnh Quảng Ngãi (với 24%) là tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất trong vùng, chỉ bằng hơn 1/2 tỷ lệ đô thị hóa cả nước.

Năm 2021, tỷ lệ đô thị hóa của vùng là 37,5%. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng trung bình so với các vùng khác (cao nhất vùng Đông Nam Bộ là 67%, tiếp đến vùng đồng bằng sông Hồng 41%; thấp nhất vùng Trung du và miền núi phía bắc 22%, tiếp đến là vùng Tây Nguyên 28,5%, vùng Tây Nam Bộ 33%) và bình quân chung cả nước (tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 cả nước 40,5%).

Mặc dù có tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn tỷ lệ trung bình cả nước là 40,5%. Tuy nhiên, những năm gần đây tốc độ đô thị hóa toàn vùng đã đạt trung bình khoảng 1,2%/năm, cao hơn tốc độ đô thị hóa trung bình của cả nước (khoảng 1%).

Thành phố Đà Nẵng là đô thị loại I trực thuộc Trung ương với tỷ lệ đô thị hóa cao tới 87,2%, đây là một đô thị hạt nhân của Vùng, cả nước và quốc tế. Năm đô thị loại I còn lại và 6 đô thị loại II đều là trung tâm tỉnh lỵ, đóng vai trò là các đô thị động lực phát triển tại địa phương và kết nối Vùng.

Đánh thức dư địa Vùng

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11 khu kinh tế ven biển (chiếm 61,1% của cả nước); cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối Hành lang kinh tế Đông-Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế.

Một số đô thị ven biển gắn với các Khu kinh tế, như: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Đông Nam Nghệ An (Nghệ An), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Hòn La (Quảng Bình), Chân Mây-Lăng Cô (Thừa Thiên Huế), Chu Lai (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi), Nhơn Hội (Bình Định), Nam Phú Yên (Phú Yên), Vân Phong (Khánh Hòa).

Theo phương án quy hoạch hệ thống đô thị của Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được thông qua, cấu trúc đô thị Đà Nẵng được phát triển theo định hướng đa cực. Đà Nẵng xác định 3 vùng đô thị đặc trưng, 1 vùng sinh thái. Đà Nẵng được xác định là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm miền trung nhưng chưa thật sự đóng vai trò là hạt nhân tạo sự lan tỏa chung cho cả vùng.

Thừa Thiên Huế là địa phương trọng điểm trong Hành lang quốc gia Bắc-Nam, là địa phương có vị trí quan trọng trong tuyến Hành lang kinh tế Đông-Tây, là điểm dừng quan trọng theo đường bộ, đường sắt nhưng sự phân công đô thị mới dừng lại ở mức đầu mối hạ tầng...

Trong khi đó, là địa phương có tỷ lệ đô thị hóa thấp nhất Vùng, tỉnh Quãng Ngãi đề ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa khoảng 35%. Giai đoạn 2026-2030, Quảng Ngãi đặt mục tiêu đạt một số tiêu chí đô thị loại I, gắn với phát triển không gian đô thị cấp vùng…

Để có tính kế thừa, các chuyên gia cho rằng, một đô thị phát triển bền vững cần được kế thừa theo lộ trình, kết nối và đặc biệt xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ, mới không làm đứt gãy, manh mún. Với đặc điểm vị trí địa lý của các địa phương trong Vùng rất khác nhau, vì thế cần lựa chọn khai thác và phát huy sự khác biệt của từng đô thị, để tạo sự đa dạng và hỗ trợ phát triển lẫn nhau. Phát triển kinh tế-xã hội phải bảo đảm quốc phòng, an ninh, đặc biệt là bảo vệ môi trường sinh thái; hạn chế tối đa cạnh tranh trực tiếp, xung đột lợi ích mà cần bổ trợ cho nhau cùng phát triển…

Cần đẩy nhanh tiến độ quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hoàn thiện thể chế liên kết vùng, lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng.

Xác định phát triển kinh tế-xã hội địa phương cùng với việc "bắt tay chung" toàn Vùng trong kết nối phát triển văn hóa, du lịch, thu hút đầu tư. Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị với từng nhiệm vụ trọng tâm, cốt yếu, sẽ tạo điều kiện để các địa phương "gỡ nút thắt" cùng phát triển.