Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để đạt được mục tiêu đề ra, ngoài việc khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có, điều quan trọng là ngành nông nghiệp thành phố cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, lai tạo giống mới.
Tích lũy được kinh nghiệm qua các đợt tham quan những mô hình nông nghiệp tiêu biểu, ông Nguyễn Văn Năm, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh đã mạnh dạn đầu tư trồng và ươm cây giống các loại hoa, cây kiểng để cung cấp cho thị trường thành phố và các tỉnh lân cận. Hiện tại, với diện tích 5.000m2, mỗi năm ông Năm cung ứng hơn 50 nghìn cây hoa kiểng các loại, đem về lợi nhuận gần 530 triệu đồng.
Từ mô hình kinh doanh hoa kiểng, ông Năm đã tạo việc làm cho 15 lao động với thu nhập chín triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn giúp 10 hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm trồng và ươm cây giống các loại hoa, cây kiểng.
Năm 2006, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích trồng hoa, cây kiểng là 1.115ha thì đến nay tăng gấp hơn hai lần với tổng diện tích hơn 2.300ha.
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Cùng một diện tích, trồng hoa lan, cây kiểng tạo ra giá trị gấp gần 10 lần so với sản xuất nông nghiệp của thành phố. Thị trường hoa, cây kiểng, nhất là hoa lan tại thành phố nói riêng và cả nước nói chung rất lớn, sức cung về hoa lan, cây kiểng chưa đáp ứng được cầu của người dân thành phố.
Do đó, dư địa về thị trường hoa, cây kiểng tại thành phố là rất lớn, và hằng năm chúng ta phải nhập một số lượng lớn các loại hoa, nhất là hoa lan từ nước ngoài về để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, với số dân hơn 10 triệu người, nhu cầu sử dụng hoa, cây kiểng của người dân thành phố ngày càng tăng, trung bình tăng khoảng 15%/năm.
Hoa và cây kiểng là một trong những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp sự phát triển của nền nông nghiệp đô thị của thành phố, đáp ứng nhu cầu thưởng lãm của khách du lịch trong nước và quốc tế. Cho nên, thành phố đã tập trung phát triển sản xuất các loại hoa, cây kiểng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Cùng với đó là phát triển các sản phẩm nông nghiệp du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái để quảng bá hình ảnh nông nghiệp của thành phố.
Để hoa, cây kiểng phát triển xứng tầm với tiềm năng của thành phố, các nhà khoa học kiến nghị cần quy hoạch các vùng sản xuất giống nông nghiệp tập trung; khai thác hiệu quả hoạt động của các viện, trường, trung tâm trong việc nghiên cứu, chuyển giao giống hoa, cây kiểng mới phù hợp thị hiếu và nhu cầu của thị trường, đồng thời đẩy mạnh hợp tác trong và ngoài nước, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học-công nghệ trong sản xuất giống.
Cần kêu gọi nhiều nguồn lực xã hội tham gia đầu tư nghiên cứu, sản xuất giống hoa, cây kiểng chất lượng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, cải thiện chất lượng giống hiện tại. Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, bảo quản hoa lan, cây kiểng, phát triển hệ thống sản xuất và cung ứng giống...
Tiến sĩ Bùi Minh Trí, Trường đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Phát triển ngành trồng hoa, cây kiểng là rất cần thiết trong bối cảnh nhu cầu thưởng lãm về hoa, cây kiểng ngày càng tăng cao cả về số lượng và chất lượng. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu phát triển này, thành phố cần có sự đầu tư mạnh mẽ vào các khía cạnh chuyên sâu như bảo tồn nguồn gien, nghiên cứu giống mới, phát triển công nghệ chăm sóc hoa đạt chất lượng cao, đồng thời đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu và có chất lượng một cách bài bản, cũng như tạo ra sự hợp tác giữa các đơn vị, tổ chức trong chuỗi sản xuất và cung ứng các loại hoa, cây kiểng, nhất là hoa lan.
Chỉ khi các yếu tố này được thực hiện một cách đồng bộ, cùng với sự đầu tư từ các doanh nghiệp, Nhà nước và cộng đồng, ngành trồng hoa mới thật sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, góp phần đem lại giá trị kinh tế-xã hội và văn hóa cho thành phố và cả nước.