Dự án cầu vượt Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch chậm tiến độ

Dù đã hai lần được gia hạn, nhưng đến nay, dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch (quận Ðống Ða, Hà Nội) vẫn chậm tiến độ. Bên cạnh khó khăn vì phải thi công trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà thầu của dự án đã chậm triển khai các phần việc liên quan đến dự án.
0:00 / 0:00
0:00
Sau 2 lần điều chỉnh, đến nay dự án cầu vượt Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch vẫn chậm tiến độ, thường xuyên gây ùn tắc giao thông.
Sau 2 lần điều chỉnh, đến nay dự án cầu vượt Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch vẫn chậm tiến độ, thường xuyên gây ùn tắc giao thông.

Ngày nào cũng vậy, anh Trần Văn Tuyến ở phố Tôn Thất Tùng (quận Ðống Ða) phải mất cả tiếng đồng hồ để di chuyển lên cơ quan tại phố Lương Yên (Hai Bà Trưng) mặc dù đoạn đường chỉ dài có mấy km. "Từ hơn một năm nay, khi cầu vượt nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch triển khai thi công, rào chắn hơn một nửa đường Phạm Ngọc Thạch, khiến cho tuyến phố trở thành nút cổ chai thường xuyên ùn tắc. Dự án này không biết kéo dài đến bao giờ vì thời gian qua thấy vắng bóng lực lượng thi công", anh Tuyến nói.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, dự án cầu vượt nút giao Chùa Bộc-Phạm Ngọc Thạch (quận Ðống Ða, Hà Nội) có kết cấu thép lắp ghép, cầu vượt trực thông dạng chữ C với tổng mức đầu tư khoảng 147 tỷ đồng. Tổng chiều dài cầu hơn 320m. Dự án do liên danh nhà thầu là Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Long-Cienco1-Việt Hưng triển khai thi công. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Long thi công phần dầm thép bên trên.

Dự án được khởi công ngày 29/10/2021, theo tiến độ thì dự án hoàn thành vào tháng 6/2022. Tuy nhiên trong quá trình triển khai dự án, tình hình dịch Covid-19 kéo dài; biến động của giá vật liệu xây dựng cũng như hiện trạng công trình ngầm, nổi phía đường Phạm Ngọc Thạch… dẫn đến dự án đã phải lùi tiến độ hai lần. Ðến nay dù đã là đầu tháng 11/2022, ghi nhận tại hiện trường cho thấy, dự án vẫn dang dở, vắng bóng công nhân, trong khi mặt đường Phạm Ngọc Thạch bị rào chắn, thu hẹp làm ùn tắc giao thông, gây bức xúc cho người dân.

Ông Bùi Mạnh Cường, Trưởng phòng Quản lý dự án 1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội cho biết, dự án sẽ tiếp tục phải lùi tiến độ do nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình triển khai, do dịch Covid-19 phức tạp cùng biến động của giá vật liệu xây dựng và khó khăn trong xử lý công trình ngầm, nổi phía đường Phạm Ngọc Thạch nên vào tháng 6/2022, đơn vị thi công cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 12/2022. Song, do dự án tiếp tục gặp khó khăn, nên lại đề xuất điều chỉnh thời điểm hoàn thành đến quý I năm 2023.

Dự kiến đến ngày 30/11/2022, nhà thầu sẽ hoàn thành kết cấu phần dưới phía đường Chùa Bộc. Ðầu tháng 11/2022, sau khi được cấp phép sẽ tiến hành lao lắp dầm thép phía đường Phạm Ngọc Thạch và hoàn thành trước ngày 5/12/2022; cơ bản hoàn thành công tác lao lắp các nhịp dầm thép trong tháng 12/2022 và hoàn thành kết cấu phần trên trước Tết Nguyên đán năm 2023; thông xe trong quý I năm 2023. Tuy nhiên, mốc tiến độ này có đạt được hay không còn phụ thuộc vào thời gian làm thủ tục xin cấp phép vận chuyển dầm hiện đang khá chậm.

Ðại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Long thông tin, dầm thép ban đầu được chế tạo tại xưởng gia công đặt trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, sau đó, để bảo đảm tiến độ phải gia công thêm tại xưởng ở Hải Phòng. Ðến nay, toàn bộ 35 phiến dầm thép đã được chế tạo xong, tuy nhiên đơn vị chưa xin được giấy phép vận chuyển, cho nên chưa đưa được về công trường để lao lắp.

Quãng đường vận chuyển dầm thép phải đi qua địa bàn nhiều tỉnh, thành phố nên gặp khó khăn trong phối hợp. Sở Giao thông vận tải các địa phương có tuyến đường dẫn dầm đi qua yêu cầu Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Long phải thống nhất cơ quan chức năng về lộ trình, phương án bảo đảm an toàn giao thông mới cấp phép vận chuyển. Quá trình vận chuyển dầm từ Hải Phòng đến Hưng Yên phải đi qua các trạm thu phí tại Km82+80 và Km18+100, trên quốc lộ 5 cũ. Do kích thước bề ngang của dầm thép lớn (mỗi phiến dầm dài 11m, rộng 6,5m), vượt quá khổ rộng của trạm thu phí nên phải làm thủ tục thỏa thuận tạm tháo dỡ, mở rộng trạm cho xe qua, cho nên công ty đang phải đàm phán với phía đơn vị đang quản lý, khai thác tuyến đường này và hiện nay vẫn chưa giải quyết được, dẫn đến mất thêm nhiều thời gian. Khi được đặt câu hỏi tại sao đơn vị không chủ động xin phép vận chuyển từ trước dẫn đến việc dự án phải chậm tiến độ, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Long cho rằng đây là "khó khăn không lường trước được".

Phó Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội Phạm Văn Duân cho biết, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội đã yêu cầu các nhà thầu tập trung đẩy nhanh tiến độ. "Tuy nhiên dù chậm tiến độ so với kế hoạch song dự án sẽ không bị tăng tổng mức đầu tư", ông Duân khẳng định.