Đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại Vĩnh Phúc

Để tạo đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, vừa chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị và chuyên môn, xây dựng và thực thi các chính sách hỗ trợ người đi học, vừa đổi mới cách giao việc và đánh giá cán bộ, công chức.
0:00 / 0:00
0:00
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc tuyên dương, khen thưởng giáo viên và học sinh giỏi tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021-2022.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc tuyên dương, khen thưởng giáo viên và học sinh giỏi tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021-2022.

Năm 2022, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh được hệ thống hóa qua các nghị quyết của tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh, các đề án và kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh, bảo đảm toàn diện và khả thi.

Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo

Đầu năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Kế hoạch về đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đến hết tháng 10/2022, tỉnh đã cử 105 cán bộ đi đào tạo cao cấp lý luận chính trị và sáu cán bộ tham gia các lớp hoàn chỉnh chương trình cao cấp lý luận chính trị; cử nhiều cán bộ lãnh đạo tham dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức tại các nhà trường, học viện. Gần đây, tỉnh tăng cường phối hợp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với các nhà trường, cơ quan Trung ương, nhất là với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Trường Chính trị tỉnh, các Trung tâm chính trị cấp huyện đi đầu trong việc triển khai các nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước. Nhiều lớp cập nhật kiến thức và chuyên môn, nghiệp vụ được tổ chức. Cấp tỉnh và cấp huyện tổ chức 22 lớp bồi dưỡng cho 2.780 cán bộ được quy hoạch.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc mời các chuyên gia, giảng viên cao cấp của Trung ương, các đồng chí lãnh đạo tỉnh tham gia giảng dạy. Hai năm 2021-2022, trường mở 109 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho gần 15 nghìn học viên, tăng số lớp tập trung để bảo đảm chất lượng học tập. Bên cạnh các lớp bồi dưỡng thường xuyên, trường mở thêm các lớp bồi dưỡng cán bộ thuộc diện ban thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý; mở lớp kiến thức kinh điển Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho giảng viên của trường và các Trung tâm chính trị cấp huyện. Đối tượng đi học được mở rộng, nội dung chương trình được cập nhật quan điểm mới trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17.

Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: Nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy. Giảng viên của Trường tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, tham dự các hoạt động của địa phương như dự hội nghị báo cáo viên, dự tiếp công dân hằng tháng, dự tiếp xúc cử tri để có thêm thông tin, kiến thức thực tiễn, bổ sung vào bài giảng. Gần đây, đội ngũ giảng viên đã cơ bản khắc phục cách giảng độc thoại, tăng cường trao đổi và hướng dẫn học viên vận dụng lý thuyết giải quyết những vấn đề từ thực tiễn đặt ra. Trường Chính trị tỉnh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu xây dựng trường chuẩn theo Đề án của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Các địa phương, các ngành trong tỉnh cũng đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức theo hướng sát thực tế công việc chuyên môn, công việc hằng ngày. Khảo sát tại Yên Lạc, một địa phương đang đổi mới nhanh cho thấy: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức gắn bó chặt chẽ với công tác quy hoạch cán bộ. Huyện ưu tiên đào tạo cán bộ trong quy hoạch để bảo đảm cán bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn. Trung tâm Chính trị huyện đóng vai trò quan trọng trong việc cập nhật kiến thức cho người học theo từng lĩnh vực, mời chuyên gia của tỉnh và Trung ương giảng dạy. Việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng cán bộ, công chức căn cứ vào nhu cầu, đăng ký của các cơ quan, đơn vị. Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Lê Văn Đông cho biết: Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến vào kế hoạch bồi dưỡng, bổ sung các nội dung cần thiết liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội của huyện, những nội dung mà cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu. Thời gian qua, các khóa bồi dưỡng kiến thức quản lý đất đai, thanh tra, kiểm tra, hòa giải giúp cán bộ cơ sở thực hiện tốt hơn công việc chuyên môn. Huyện cũng chủ động mở các lớp bồi dưỡng cán bộ theo chức danh, đại biểu hội đồng nhân dân cấp xã. Chất lượng cán bộ được nâng lên, từ đó giải quyết được nhiều việc khó. Đến hết ngày 15/11, giải ngân vốn đầu tư công của huyện Yên Lạc đạt 87%, cao nhất toàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Nhìn lại hai năm đầu nhiệm kỳ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Phạm Thị Hồng Nhung nhận định: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đã góp phần chuẩn hóa và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ. Hầu hết cán bộ sau khi được đào tạo, bồi dưỡng đã biết vận dụng kiến thức vào thực tế công tác; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham mưu, đề xuất thực hiện nhiệm vụ chính trị. Kỹ năng công tác, giải quyết công việc, xử lý tình huống, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ ngày một tốt hơn.

Đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tại Vĩnh Phúc ảnh 1
Khai giảng lớp cao cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc.

Lấy cán bộ, công chức làm trung tâm

Theo thống kê của Sở Nội vụ Vĩnh Phúc, toàn tỉnh hiện có khoảng 27 nghìn cán bộ, công chức, viên chức; trong đó, có 1.500 công chức cấp tỉnh, huyện; 2.500 cán bộ, công chức cấp xã, còn lại là viên chức. Trình độ, bằng cấp chuyên môn của cán bộ, công chức đã đạt chuẩn và trên chuẩn theo yêu cầu của vị trí việc làm. Toàn bộ công chức tỉnh, huyện làm nhiệm vụ chuyên môn có trình độ đại học trở lên, trong đó sau đại học chiếm tới 45%. Tất cả công chức được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo đạt tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. Có 90% số công chức cấp tỉnh, huyện có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Phú Sơn thông tin: Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức luôn gắn với mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Vừa qua, tỉnh tổ chức lớp đào tạo đại học văn bằng 2 ngành Luật cho 55 cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và trưởng, phó trưởng phòng thuộc các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; mở lớp bồi dưỡng về quản lý quy hoạch đô thị và quản lý du lịch cho cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, cấp sở, cấp huyện và cán bộ lãnh đạo, quản lý trong quy hoạch các chức danh trên, cán bộ chuyên môn giỏi, người tài năng thuộc các lĩnh vực quan trọng. Các lớp bồi dưỡng này giúp đội ngũ cán bộ, công chức nâng cao năng lực quản lý hành chính, phát huy được các thế mạnh của tỉnh.

Là tỉnh công nghiệp phát triển, có nhiều doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài trên địa bàn, Vĩnh Phúc chú trọng bồi dưỡng tiếng Anh trình độ IELTS từ 6.0 trở lên cho đội ngũ công chức, viên chức, ưu tiên những người làm công tác chuyên môn thuộc các đơn vị xúc tiến đầu tư; quản lý, phát triển khu, cụm công nghiệp và Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài. Tỉnh đang tìm cách đưa cán bộ tham gia các khóa bồi dưỡng về công nghệ thông tin, truyền thông và chuyển đổi số ở nước ngoài.

Tháng 6/2022, Vĩnh Phúc ban hành Đề án "Đột phá về công tác cán bộ tại các cơ quan, đơn vị khối nhà nước giai đoạn 2022-2025". Theo đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với nhu cầu sử dụng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển và điều động cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2022, các cơ quan tổ chức kiểm tra về kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, văn hóa công vụ đối với cán bộ, công chức từ 1-2 lần. Kết quả kiểm tra là một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại và thực hiện công tác cán bộ. Ngay sau khi triển khai, toàn bộ 21 sở, ngành và chín Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã tổ chức kiểm tra kiến thức cho cán bộ, công chức. Tổng cộng có 56% cán bộ, công chức toàn tỉnh tham gia kiểm tra kiến thức, trong đó 62% đạt xuất sắc; 25% đạt loại tốt; 11% đạt loại khá và 2% đạt trung bình.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phạm Hoàng Anh cho biết: Việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức sau đào tạo được cấp ủy, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm thực hiện, góp phần tạo động lực để đội ngũ cán bộ, công chức tích cực tham gia học tập. Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện văn hóa công vụ, ban hành các quy định cụ thể như đầu tư, chỉnh trang cơ sở hạ tầng, môi trường và trang thiết bị làm việc, điều chỉnh tăng mức chi phí quản lý hành chính; ban hành quy chế, thể chế, quy trình nghiệp vụ, tiêu chí định hướng cho sự thay đổi tích cực đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.

Mặc dù có khá nhiều chính sách ưu đãi, song Vĩnh Phúc đang gặp khó khăn trong việc thu hút người có tài năng về công tác tại tỉnh, nhất là các ngành khoa học, kỹ thuật, y tế. Tỉnh còn thiếu những chuyên gia đầu ngành và chuyên gia giỏi ở một số lĩnh vực quản lý mũi nhọn. Tinh giản biên chế cũng ảnh hưởng đến tuyển dụng người trẻ có năng lực vào làm việc trong các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn tư tưởng ngại học, chưa tự giác học tập nâng cao trình độ.

Với phương châm "lấy cán bộ, công chức làm trung tâm", tỉnh Vĩnh Phúc đang đi đúng hướng trong việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, thực hiện có hiệu quả mục tiêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế.