Tổ chức phân công
Triển khai thực hiện Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị, cùng với việc thẩm định, phê duyệt phương án nhân sự, trong tiến trình tổ chức đại hội nhiệm kỳ 2020-2025, một số đảng bộ cấp huyện ở Thanh Hóa được chỉ định nhân sự chủ chốt của cấp ủy.
Trước phiên bế mạc Đại hội một số đảng bộ cấp huyện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa công bố quyết định về việc chỉ định các đồng chí: Lê Văn Trung thôi giữ chức Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa, giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Cẩm Thủy; Hà Thị Hương thôi giữ chức Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Sơn, giữ chức Bí thư Huyện ủy Quan Hóa; Hà Văn Ca thôi giữ chức Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lang Chánh, giữ chức Bí thư Huyện ủy Mường Lát; Nguyễn Minh Hoàng thôi giữ chức Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Phó Bí thư Huyện ủy Hậu Lộc, nhiệm kỳ 2020-2025, sau đó được HĐND huyện Hậu Lộc tín cử, bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc, nhiệm kỳ 2016-2021.
Điều động, luân chuyển cán bộ được thực hiện thường xuyên ở Thanh Hóa trong nhiều năm qua, là khâu đột phá của công tác cán bộ. Nhiều cá nhân được luân chuyển, điều động đã nỗ lực rèn luyện trong môi trường, cương vị công tác mới, từng bước trưởng thành, tiếp tục chấp hành phân công của tổ chức.
Tháng 9 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa tiếp tục chỉ định nhiều cán bộ chủ chốt cấp huyện, ngành thôi đảm nhiệm chức vụ hiện tại để điều động, luân chuyển về cấp huyện, giữa các địa phương, lên các ban, ngành, bổ nhiệm làm lãnh đạo hoặc chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy trực thuộc, giới thiệu nhân sự chủ chốt cho UBND.
Theo đó, các đồng chí: Nguyễn Văn Biện, thôi giữ chức Giám đốc Sở Ngoại vụ, giữ chức Bí thư Huyện uỷ Thiệu Hóa; Lê Quang Hùng thôi giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Triệu Sơn, bổ nhiệm Phó trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Mai Nhữ Thắng thôi giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nông Cống, chỉ định giữ chức Bí thư Huyện ủy Triệu Sơn; Nguyễn Lợi Đức thôi giữ chức Phó Giám đốc Sở Nội vụ, chỉ định giữ chức vụ Phó Bí thư Huyện ủy Nông Cống, nhiệm kỳ 2020-2025, được HĐND huyện Nông Cống bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2016-2021; điều động đồng chí Bùi Huy Hùng, nguyên Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã Bỉm Sơn, bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa.
Tỉnh ủy viên Mai Văn Hải trao đổi: Phục tùng phân công của tổ chức là ý thức thường trực, bổn phận, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Tôi thôi giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Nga Sơn để tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa; mặt khác, đồng chí Lê Ngọc Hợp thôi giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, được chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Nga Sơn, nhiệm kỳ 2020-2025.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa, điều động, luân chuyển, sắp xếp, bố trí cán bộ là hoạt động bình thường của tập thể được trao thẩm quyền về công tác cán bộ. Các cán bộ được điều động, luân chuyển đều trong diện quy hoạch, có trình độ chuyên môn, chính trị lý luận đạt chuẩn, trên chuẩn, đã được đào tạo qua thực tiễn, các cương vị công tác, nhiều người trưởng thành từ cơ sở, được luân chuyển về địa phương, lên huyện, tỉnh, sang các ban, ngành công tác đã khẳng định năng lực thực tiễn, trình độ của mình.
Trước khi điều động, luân chuyển, đề bạt cán bộ, đơn vị, cấp quản lý trực tiếp, tập thể có thẩm quyền đã thực hiện quy trình đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, chú trọng xem xét phong trào ở địa phương, thành tích của tập thể với trách nhiệm của người đứng đầu, lấy hiệu quả công việc làm thước đo. Việc sắp xếp cán bộ gắn với bố trí đảm nhiệm các chức danh chủ chốt không là người địa phương, bảo đảm cơ cấu định hướng, nhất là cán bộ nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số, tiếp tục đào tạo cán bộ trong hoạt động thực tiễn và khẳng định vai trò phân công, các cá nhân phục tùng phân công của tổ chức.
Trong lần đầu tiên về thăm tỉnh Thanh Hóa vào ngày 20-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao đổi: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt”, và Người nhấn mạnh, “Tỉnh Thanh Hóa theo tôi, muốn trở thành một tỉnh kiểu mẫu, nhất định được, vì người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ còn thiếu sự điều khiển sắp đặt”. Khoa học, khách quan, công tâm, thực hiện quyền phân công, sắp đặt của tổ chức cũng chính là hiện thực di huấn của Bác Hồ.
Đột phá trong công tác cán bộ
Từ luân chuyển cán bộ diện hẹp, năm 2012, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa xác định và triển khai thực hiện hai khâu đột phá là đánh giá cán bộ và điều động, luân chuyển cán bộ. Cùng với việc ban hành Nghị quyết 04 về tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến, tuyển chọn cán bộ, công chức sinh năm 1970 trở lại đây đưa đi nước ngoài đào tạo, nhằm tạo thêm nguồn cán bộ kế cận, tỉnh Thanh Hóa xây dựng, cập nhật các hướng dẫn mới ban hành hoàn thiện, áp dụng quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý, nhất là mở rộng kênh đánh giá, lấy hiệu quả công việc làm thước đo trong đánh giá cán bộ. Trên cơ sở quan tâm phát hiện đối tượng nguồn, thực hiện quy hoạch “động và mở”, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, khoa học, biện chứng, khách quan, sâu sát, cụ thể trong đánh giá cán bộ, tỉnh Thanh Hóa đẩy mạnh điều động, luân chuyển cán bộ.
Từ tháng 6-2012 đến tháng 7-2020, Thanh Hóa đã điều động, luân chuyển 1.824 lượt cán bộ các cấp, ngành. Trong đó, có 67 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về các huyện, 59 đồng chí từ huyện lên tỉnh, 24 cán bộ từ huyện này sang huyện khác, ngành này sang ngành khác; cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy huyện và tương đương quản lý được điều động, luân chuyển 301 lượt cán bộ về các xã, 151 lượt cán bộ từ xã lên huyện; điều động, luân chuyển 382 đồng chí từ xã này sang xã khác và 840 lượt cán bộ các cấp, ngành. Đồng thời, Thanh Hóa bố trí các chức danh chủ chốt cấp huyện, cấp xã không là người địa phương nên đến nay 25/27 huyện, thị xã, thành phố có một trong ba chức danh chủ chốt không là người địa phương; trong tỉnh có 502 đơn vị cấp xã, chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số xã, phường, thị trấn bố trí một trong ba chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND không là người địa phương.
Các địa phương tiếp tục thực hiện tốt định hướng chỉ đạo về công tác cán bộ, nhất là bố trí kiêm nhiệm một số chức danh cán bộ, công chức. Hiện, 100% các huyện, thị xã, thành phố bố trí Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND cấp huyện; Trưởng các Ban Xây dựng Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp huyện kiêm Trưởng các Ban của HĐND huyện; 559 xã, phường, thị trấn bố trí Bí thư hoặc Phó Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã, đạt tỷ lệ 100% và nhất thể hóa Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn, bản, khu phố đạt tỷ lệ gần 46%... Qua đó tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực, góp phần tinh giản, cơ cấu lại đội ngũ, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Liên thông trong công tác cán bộ gắn với đào tạo, bố trí cán bộ phù hợp trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường của mỗi cá nhân đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, điều hành, thúc đẩy thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, đơn vị. Mặt khác khắc phục được biểu hiện cục bộ, kép kín, bảo thủ, trì trệ ở một số địa phương; tạo thêm cơ hội cho mỗi cá nhân rèn luyện, phấn đấu, phát huy năng lực của mình trong thực hiện nhiệm vụ được giao, đóng góp cho phong trào cách mạng, vì sự phát triển của địa phương, đơn vị, của tỉnh Thanh Hóa.
Qua đó, các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên còn nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, tầm quan trọng, thấy rõ kết quả động lực của việc điều động, luân chuyển cán bộ gắn với bố trí lãnh đạo chủ chốt không là người địa phương. Tại nhiều địa phương, nề nếp, tác phong, phong cách giao tiếp, ứng xử với nhân dân chuyển biến tích cực, bộ máy hành chính chuyển dịch theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo.
Các phong trào thi đua yêu nước được tổ chức "gối sóng", nội dung sâu sát, đem lại hiệu quả thiết, nhất là chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo nhanh, bền vững, xây dựng văn hóa công sở, cơ quan văn hóa đi vào thực chất. Qua đó phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong kiến thiết quê hương, gây dựng hình ảnh đẹp về con người Thanh Hóa, tạo môi trường, cơ hội thuận lợi cho nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố, thắt chặt thế trận lòng dân, xây dựng, nhân rộng thế trận an ninh nhân dân, quốc phòng toàn dân vững chắc.