Nhà nước - Pháp luật

Ðột phá trong cải thiện chỉ số PCI và PAPI

Trong những năm qua, tỉnh Hà Tĩnh xác định công tác cải cách hành chính là một trong các khâu đột phá để phát triển. Theo đó, đã quyết tâm cải cách hành chính, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thể hiện rõ qua các chỉ số PCI, PAPI của tỉnh.

Hướng dẫn thủ tục cho người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Hà Tĩnh.
Hướng dẫn thủ tục cho người dân và doanh nghiệp tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Hà Tĩnh.

Theo kết quả đánh giá chung, năm 2018, chỉ số PAPI của Hà Tĩnh đạt 46,07 điểm, xếp thứ 7 trong cả nước. So với kết quả Báo cáo chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam 2017 (PAPI), Hà Tĩnh đã tăng 5 bậc từ 12 lên thứ 7. Về chỉ số PCI, trong Báo cáo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2018, Hà Tĩnh cũng đã có bước chuyển mạnh từ vị trí 33 của năm 2017, lên vị trí 23 (tăng 10 bậc, đứng vào nhóm khá của cả nước).

Góp phần tích cực vào việc cải thiện các chỉ số nói trên của tỉnh chính là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) xây dựng chính quyền điện tử ở địa phương. Hiện đại hóa nền hành chính đã và đang trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng, đồng thời là một giải pháp đột phá trong quá trình cải cách hành chính, xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, hiện đại và thân thiện. Việc xác định hiện đại hóa mà nòng cốt là ứng dụng CNTT là một trong tám nhóm nội dung của công tác cải cách hành chính, đã tạo động lực thúc đẩy môi trường hành chính trở nên minh bạch, thân thiện và gần dân hơn.

Trong PCI và PAPI, chỉ số công khai minh bạch được cải thiện đáng kể. Ðó là sự nỗ lực lớn trong công tác tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có chuyên đề, trọng tâm trọng điểm. Năm 2016, UBND tỉnh đã trình HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2016/NQ-HÐND nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tiếp cận, khai thác thông tin và dịch vụ công trực tuyến. Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 498/KH-UBND thực hiện Nghị quyết số 22/2016/NQ-HÐND. Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 739/QÐ-UBND về quy định danh mục thông tin công khai minh bạch trên cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, hằng quý, giao Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức rà soát, đánh giá, báo cáo UBND tỉnh kết quả cập nhật, minh bạch thông tin trên cổng thông tin điện tử của từng cơ quan, đơn vị; đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan, đơn vị, nâng cấp, cập nhật thông tin đầy đủ, kịp thời. Ðến nay, toàn bộ các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, 221 trong số 262 UBND cấp xã có cổng/ trang thông tin điện tử, thông tin được cập nhật liên tục, hiệu quả, tích hợp cổng dịch vụ công của tỉnh (tăng thêm 217 đơn vị cấp xã triển khai so với năm 2015); chuyên mục Doanh nghiệp hỏi - Cơ quan nhà nước trả lời trên cổng thông tin điện tử Hà Tĩnh được đưa vào hoạt động và phát huy hiệu quả.

Dịch vụ công trực tuyến có chuyển biến rõ nét. Năm 2016, Hà Tĩnh mới chỉ có 587 dịch vụ công trực tuyến, sau hai năm tập trung quyết liệt, đến cuối năm 2017 đã có 2.062 dịch vụ công. Ðến nay, Hà Tĩnh đã đưa vào vận hành 2.139 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của 922 thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện (tăng gấp 5,5 lần so với năm 2015) và cấp xã tại Cổng dịch vụ công của tỉnh www.dichvucong.hatinh.gov.vn (trong đó có 35 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 của mỗi đơn vị cấp xã).

Quản trị điện tử được nâng lên về tính đồng bộ và hiệu quả ứng dụng. Các hệ thống thông tin hỗ trợ chỉ đạo, điều hành tác nghiệp, gửi nhận văn bản trực tuyến, thư điện tử phát huy hiệu quả. Trong đó: 98% số văn bản điện tử của các cơ quan chuyên môn được trao đổi dưới dạng điện tử (tăng 13% so với năm 2015). Tất cả cơ quan kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản điều hành từ cấp tỉnh đến cấp xã. Trung tâm hành chính công của tỉnh và các đơn vị cấp huyện được đưa vào hoạt động đã phát huy hiệu quả nhờ ứng dụng phần mềm một cửa điện tử đồng bộ, liên thông.

Bên cạnh đó, hạ tầng thông tin được quan tâm, đầu tư. Tất cả các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được trang bị máy tính, kết nối in-tơ-nét. 100% cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, 92% số cơ quan hành chính nhà nước cấp huyện có máy chủ. Tỷ lệ cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện có hạ tầng an toàn thông tin, đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an toàn thông tin trong tình hình mới đạt 63%. Mạng lưới truyền dẫn, mạng chuyên dụng, in-tơ-nét băng thông rộng đã đáp ứng đủ 100% đơn vị hành chính trong toàn tỉnh.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song để tiếp tục cải thiện các chỉ số PCI, PAPI cấp tỉnh cũng như thực hiện thành công các mục tiêu về hiện đại hóa nền hành chính hướng đến xây dựng chính quyền điện tử trên địa bàn, Hà Tĩnh tiếp tục ưu tiên thực hiện nhiều giải pháp cần thiết. Trong đó, tập trung huy động và phát huy đồng bộ các phương tiện, loại hình truyền thông vào công tác tuyên truyền nhằm tạo cơ hội cho người dân, doanh nghiệp nắm bắt kịp thời mọi kết quả đạt được từ công tác cải cách hành chính, nhất là kết quả ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, kết quả minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và cơ hội giao dịch, tương tác trực tuyến giữa người dân với chính quyền các cấp. Tăng cường hoạt động kiểm tra giám sát hoạt động minh bạch thông tin hoạt động của cơ quan nhà nước cổng/trang thông tin điện tử trong đó, đặc biệt chú ý các nhóm thông tin quan trọng như: Chương trình công tác, văn bản chỉ đạo điều hành; kết quả thanh tra, kiểm tra, xử phạt; thông tin về quy hoạch, đất đai, tài chính, các dự án đầu tư, trả lời ý kiến của người dân, doanh nghiệp,…; giám sát chặt chẽ hoạt động tiếp nhận, giải quyết và trả hồ sơ thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cổng dịch vụ công trực tuyến. Huy động các nguồn lực để triển khai thành công các dự án về ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính, dự án Trung tâm tích hợp dữ liệu điện toán đám mây, hệ thống nền tảng tích hợp và chia sẻ dùng chung, các hệ thống thông tin theo kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh đồng thời tích cực lồng ghép các hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT từ các ngành, các địa phương. Tiếp tục triển khai hạ tầng giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh...

Với quyết tâm và nỗ lực, Hà Tĩnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ là tỉnh nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về kết quả xây dựng chính quyền điện tử; thực hiện nền hành chính không giấy, bảo đảm chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tính minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.