Đợt dịch lần này phức tạp hơn vì nhiều nguồn lây khác nhau

NDO -

PGS, TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho rằng, đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam phức tạp hơn vì hiện nay đã xuất hiện nhiều nguồn lây khác nhau. 

Đợt dịch lần này phức tạp hơn vì nhiều nguồn lây khác nhau

Tính đến sáng nay, Việt Nam đã ghi nhận 64 ca nhiễm cộng đồng. Chỉ trong chín ngày, dịch đã lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố và nguy cơ sẽ tiếp tục còn lan rộng khi những ca bệnh đều có lịch trình di chuyển nhiều địa điểm tập trung đông người, bằng nhiều phương tiện công cộng.

Trong hai ngày qua, cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 tuyến Trung ương là BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã ghi nhận tới 22 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có tới 17 bệnh nhân đang điều trị tại đây.

Hiện nay, Việt Nam đã xác định cơ bản được một số nguồn lây. Trong đó, có nguồn lây từ các ca kết thúc cách ly tại Yên Bái gây ra ổ dịch tại Vĩnh Phúc; nguồn lây từ Hà Nam và nguồn lây từ trong khu điều trị tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hiện Đà Nẵng cũng đã ghi nhận một số ca bệnh và chưa xác định được nguồn lây.

Theo PGS, TS Nguyễn Huy Nga, công tác khống chế dập dịch của Việt Nam trong đợt dịch lần thứ 4 này sẽ khó khăn, phức tạp hơn vì hiện chưa khu trú lại được ca bệnh. Nguồn lây Covid-19 lần này xuất phát từ những tụ điểm tập trung đông người, mức độ di chuyển của các bệnh nhân mắc Covid-19 đi lại rất nhiều và dịch bệnh lại bùng lên vào đúng dịp nghỉ lễ dài ngày vừa qua. Dịch đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố, các ca cộng đồng tăng liên tục và có hiện tượng lây mạnh hơn.

Đợt dịch lần này phức tạp hơn vì nhiều nguồn lây khác nhau -0
 Dịch lây lan mạnh ra nhiều địa phương.

Đặc biệt, lần này kết quả giải trình tự gien của một số ca bệnh đã xác định được bệnh nhân Covid-19 mang biến thể của Ấn Độ, thuộc chủng B.1.617.2, trong đó có cả chuyên gia Ấn Độ và ba ca bệnh tại Vĩnh Phúc là những nữ tiếp viên tiếp xúc với nhóm chuyên gia Trung Quốc.

Việc đồng thời mang chủng biến thể của Anh tại Hà Nam, Hưng Yên, Hà Tĩnh và biến thể của Ấn Độ tại Vĩnh Phúc khiến đợt dịch lần này tốc độ lây lan nhanh hơn.

Cũng theo PGS Nga, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ dịch xâm nhập tại biên giới Tây Nam và trong cộng đồng từ các ca nhập cảnh chưa được quản lý chặt chẽ tại khu cách ly.

Do đó, ông Nga cho rằng, việc triển khai cách ly tập trung không chỉ riêng của ngành y tế mà phải có sự phối hợp liên ngành tại các địa phương. Các nơi cách ly phải tiếp tục giám sát thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế.

“Bài học từ Hà Nam và Vĩnh Phúc cho thấy, những trường hợp để lây nhiễm ra cộng đồng thời gian qua đã vi phạm quy định về cách ly tại nhà, phải xử lý theo quy định về vi phạm. Người giám sát sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới”, ông Nga nói.

Cũng theo vị này, cần phải đặt ra trách nhiệm của đơn vị triển khai cách ly y tế, nhất là việc cách ly tại các khách sạn có trả tiền dịch vụ. Một là, họ chưa chấp hành quy định của Bộ Y tế trong kiểm soát, giám sát người cách ly, dẫn tới lây nhiễm chéo khi đoàn chuyên gia Ấn Độ có nguy cơ cao mang biến chủng mới đến Việt Nam.

Đợt dịch lần này phức tạp hơn vì nhiều nguồn lây khác nhau -0
 Ổ dịch tại Vĩnh Phúc đã ghi nhận 14 ca Covid-19.

Hai là, các khu cách ly phải cam kết thực hiện những hướng dẫn này về việc di chuyển về địa phương, thông báo cho chính quyền địa phương, cách ly tại nhà, lấy mẫu xét nghiệm… Bởi vì, người hoàn thành cách ly tiếp tục cách ly tại nhà cần phải có thông tin hướng dẫn quy định cách ly tại nhà. Nếu họ về địa phương mà chưa hướng dẫn là lỗi nơi quản lý vì bản thân họ không thể biết hết quy định.

“Những cơ sở cách ly phải trả tiền tại khách sạn như hiện nay đang để xảy ra những lỏng lẻo trong quản lý. Chúng ta phải rà soát lại, quy định chặt chẽ hơn và có sự cam kết của các khách sạn tuân thủ đúng quy định cách ly của Bộ Y tế”, ông Nga nói.

Cũng theo PGS Nguyễn Huy Nga, hiện nay chưa bộc lộ hết các ca bị nhiễm nhất là sau kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa rồi, nhiều người dân trở về quê, đi du lịch, có lịch trình di chuyển rất phức tạp. Phải 3-4 ngày nữa mới có thể bộc lộ hết các ca bị nhiễm nên việc kiểm soát dịch lần này sẽ phức tạp hơn.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 có Công điện hỏa tốc số 600/CĐ-CBĐ gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian cách ly sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng chống Covid-19.

Theo đó, điều chỉnh thời gian cách ly tập trung với các trường hợp phải cách ly tập trung theo quy định ít nhất 14 ngày lên 21 ngày liên tục tại khu cách ly tập trung kể từ ngày vào khu cách ly hoặc tiếp xúc lần cuối với người nhiễm SARS-CoV-2 và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ít nhất ba lần vào ngày đầu, ngày thứ 14 và ngày 20 trong thời gian cách ly tập trung.

Điều chỉnh thời gian tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú từ 14 ngày xuống còn bảy ngày sau khi kết thúc cách ly tập trung và tiến hành lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ bảy (tính từ ngày kết thúc cách ly tập trung).

Tập trung khống chế dịch Covid-19 lây lan