Chốt ngày, chỉ số MXV-Index của 3 trên 4 nhóm mặt hàng trong sắc đỏ, kéo chỉ số MXV-Index giảm 0,5% xuống 2.150 điểm. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 8.300 tỷ đồng, cao nhất trong 7 tháng trở lại đây.
Đáng chú ý, giá trị giao dịch của nhóm năng lượng tăng đột biến, hơn 127% so với hôm qua, chiếm khoảng 56% tổng giá trị giao dịch của toàn Sở.
Giá dầu giảm mạnh khi tồn kho tại Mỹ bất ngờ tăng
Theo MXV, kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tháng 1 (31/1), giá dầu lao dốc khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục cho thấy đà phục hồi chậm chạp. Cùng với đó, nhu cầu tại Mỹ cũng gây thất vọng cho thị trường, khi tồn kho dầu bất ngờ tăng trái chiều với dự báo.
Chốt phiên, giá dầu WTI giảm 2,53% xuống 75,85 USD/thùng. Dầu Brent giảm 2,36% xuống 80,55 USD/thùng. Tuy nhiên, tính trung bình cả tháng 1 đầu năm nay, giá dầu đã tăng gần 6% so với tháng trước, chấm dứt chuỗi giảm ba tháng liên tiếp trong bối cảnh diễn biến phức tạp quanh khu vực Biển Đỏ.
Lực bán đã xuất hiện áp đảo trên thị trường dầu thô ngay từ khi mở cửa phiên giao dịch hôm qua ngày 31/1, sau khi Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất của Trung Quốc chỉ đạt 49,2 điểm trong tháng 1/2024. Việc nằm dưới mốc 50 trong tháng thứ tư liên tiếp phản ánh quy mô thu hẹp của các nhà máy, trong đó các nhà vận hành bi quan về lượng đơn hàng mới, tồn kho và việc làm. Đà phục hồi chậm trễ của quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã gây áp lực cho giá dầu ngay từ đầu phiên giao dịch.
Lực bán được thúc đẩy hơn nữa sau báo cáo của Cơ quan Quản lý Thông tin năng lượng Mỹ (EIA). Cụ thể, tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 26/1 bất ngờ tăng 1,23 triệu thùng, trái ngược hoàn toàn với báo cáo của Viện dầu khí độc lập (API) rạng sáng cùng ngày là giảm 2,5 triệu thùng. Tồn kho xăng cũng tăng 1,15 triệu thùng trong tuần trước. Sản lượng của Mỹ phục hồi trở lại sau khi bị gián đoạn vì các giếng dầu đóng băng trước thời tiết khắc nghiệt, tăng 700.000 thùng lên 13 triệu thùng/ngày.
Khảo sát của Reuters với 38 nhà kinh tế và chuyên gia phân tích cho thấy, sản lượng kỷ lục ở phương Tây và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm sẽ hạn chế giá dầu vào năm 2024, giảm bớt rủi ro địa chính trị tại Trung Đông.
Cụ thể, các nhà phân tích dự báo giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 81,44 USD/thùng vào năm 2024, giảm so với mức ước tính 82,56 USD/thùng vào tháng 12/2023. Trong khi đó, dự báo giá dầu WTI trong năm 2024 cũng được hạ xuống còn 77,26 USD/thùng, từ mức 78,84 USD/thùng vào tháng trước.
Về yếu tố vĩ mô, rạng sáng nay (1/2) theo giờ Việt Nam, cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) kết thúc với mức lãi suất không đổi 5,25-5,5%. Tuy nhiên, trong bài phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch FED đã bác bỏ mạnh mẽ kịch bản cắt giảm lãi suất vào mùa xuân như phần lớn thị trường mong đợi. Đồng USD tăng giá, góp phần gây sức ép cho giá dầu khi chi phí mua hàng đắt đỏ hơn.
Giá kim loại quý quay đầu giảm sau quyết sách của FED
Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng của tháng 1, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc duy trì đà giảm sang phiên thứ hai liên tiếp, chốt phiên ở mức 23,16 USD/ounce sau khi giảm 0,24%. Trái lại, giá bạch kim phục hồi 0,1% lên 932,6 USD/ounce. Cả giá bạc và giá bạch kim đều trải qua phiên biến động khá mạnh do yếu tố vĩ mô trái chiều.
Trong phiên sáng, cả hai mặt hàng đều giằng co trong biên độ hẹp khi giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước thềm FED công bố quyết định lãi suất. Tới phiên tối, giá bạc và giá bạch kim đón nhận lực mua tích cực sau khi ADP công bố số liệu việc làm của Mỹ giảm mạnh.
Cụ thể, bảng lương tháng 1/2024 của ADP cho thấy, Mỹ đã có thêm 107.000 việc làm ngoài ngành nông nghiệp, thấp hơn 38.000 so với dự báo và giảm so với mức 158.000 việc làm bị điều chỉnh giảm của tháng 12/2023. Đáng chú ý, tăng trưởng lương của người lao động trong tháng 1/2024 đạt 5,2%, hạ nhiệt từ mức tăng 5,4% trong tháng 12/2023. Điều này đã khiến đồng USD lao dốc mạnh và gián tiếp hỗ trợ cho giá bạc, bạch kim.
Tuy vậy, giá cả hai mặt hàng lại quay đầu suy yếu sau khi quyết sách của FED được công bố vào rạng sáng nay. FED đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5% tháng thứ tư liên tiếp, phù hợp với dự báo của thị trường. Tuy nhiên, Chủ tịch Jerome Powell đã bác bỏ khả năng FED cắt giảm lãi suất vào tháng 3 như phần lớn thị trường mong đợi. Ông cho biết, FED sẽ không giảm lãi suất cho đến khi lạm phát giảm về mức mục tiêu 2% một cách bền vững.
Lập trường cứng rắn này của ông Powell đã khiến đồng USD phục hồi trở lại và gián tiếp gây sức ép lên giá kim loại quý.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX giảm 0,13% về 3,9 USD/pound, đứt chuỗi tăng hai phiên liên tiếp. Giá quặng sắt cũng để mất 0,1%, chốt phiên tại 135,13 USD/tấn, mức thấp nhất trong một tuần qua. Giá cả hai mặt hàng đều giảm do triển vọng tiêu thụ bị lu mờ.
Vào hôm qua (31/1), Trung Quốc tiếp tục công bố số liệu cho thấy hoạt động sản xuất giảm tháng thứ tư liên tiếp, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất đạt 49,2 điểm trong tháng 1. Điều này đã đè nặng lên tâm lý thị trường vốn đã bi quan sau khi Tập đoàn Evergrande bị tòa án tuyên bố thanh lý tài sản, đồng thời phủ bóng đen lên triển vọng tiêu thụ kim loại cơ bản, từ đó gây sức ép lên giá.