Dòng tiền đầu tư tấp nập đổ về thị trường hàng hóa nguyên liệu

NDO - Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, kết thúc ngày giao dịch đầu tiên của tháng 2, dòng tiền đầu tư tiếp tục tạo kỷ lục mới với hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 9% so với ngày trước đó.
0:00 / 0:00
0:00
Dòng tiền đầu tư tấp nập đổ về thị trường hàng hóa nguyên liệu

Trong đó, riêng nhóm hàng năng lượng đã thu hút tới 61% tổng giá trị của toàn thị trường. Nhiều mặt hàng chịu sức ép bán mạnh, giá suy yếu rõ nét khiến chỉ số MXV-Index hạ gần 1% xuống 2.130 điểm.

Giá dầu biến động mạnh trước khi suy yếu

Theo MXV, giá dầu ghi nhận những biến động rất mạnh trong ngày giao dịch 1/2, trước hàng loạt thông tin quan trọng liên quan tới thoả thuận ngừng bắn giữa Hamas-Israel và cuộc họp trực tuyến của nhóm OPEC+.

Kết phiên, giá dầu lao dốc về mức thấp nhất trong hơn một tuần qua. Dầu WTI đánh mất 2,68% giá trị xuống còn 73,82 USD/thùng. Dầu Brent giảm 2,3% xuống 78,7 USD/thùng.

Dòng tiền đầu tư tấp nập đổ về thị trường hàng hóa nguyên liệu ảnh 1

Trong ngày, giá dầu đã có thời điểm tăng khoảng 1% khi những căng thẳng quanh khu vực Biển Đỏ vẫn chưa hạ nhiệt. Hơn nữa, nhà máy lọc dầu lớn của Mỹ, Whiting thuộc công ty dầu khí BP tại tiểu bang Indiana đã phải đóng cửa sau sự cố mất điện, cũng đã hỗ trợ cho giá. Nhà máy có công suất lọc dầu khoảng 435.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, giá dầu thô lại bất ngờ đảo ngược, nhanh chóng đánh mất tới 3 USD chỉ trong vòng hai tiếng. Thông tin từ tờ Al Jazeera trích dẫn Qatar, trung gian hòa giải giữa Israel và Hamas, cho biết Israel đã đồng ý với đề xuất ngừng bắn. Điều này mở ra một số bước tiến mới trong nỗ lực hòa giải xung đột, tác động mạnh tới tâm lý thị trường và đẩy giá dầu lao dốc. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, một quan chức Qatar nói rằng vẫn chưa có lệnh ngừng bắn chính thức, nhưng Hamas đã tiếp nhận đề xuất và đang xem xét một cách tích cực.

Ngoài ra, Cuộc họp Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng OPEC+ (JMMC) kết thúc trong ngày hôm qua mà không có sự thay đổi nào về chính sách, cũng góp phần gây áp lực tới giá dầu. Hai nguồn tin từ OPEC+ cho biết nhóm sẽ quyết định vào tháng 3 xem liệu có nên gia hạn cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện hay không. Còn nếu việc cắt giảm tự nguyện không kéo dài, OPEC+ sẽ bắt đầu đưa 2,2 triệu thùng/ngày trở lại thị trường từ đầu tháng Tư.

Động thái của OPEC+ cho thấy những khó khăn trong việc đánh giá mức độ cam kết của các thành viên

Thị trường đậu tương chịu áp lực bán mạnh

Giá đậu tương quay đầu suy yếu vào hôm qua, chấm dứt đà hồi phục kéo dài trong hai ngày. Từ khi mở cửa, thị trường chịu áp lực bán mạnh và duy trì đến cuối phiên giao dịch do doanh số bán hàng kém khả quan của Mỹ. Bên cạnh đó, nguồn cung tăng mạnh từ Argentina cũng thúc đẩy lực bán đậu tương.

Dòng tiền đầu tư tấp nập đổ về thị trường hàng hóa nguyên liệu ảnh 2

Trong báo cáo Xuất khẩu hàng tuần (Export Sales), Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết nước này chỉ bán được khoảng 164.750 tấn đậu tương trong tuần kết thúc vào ngày 25/1, giảm 71% so với tuần trước đó. Bên cạnh việc giảm mạnh, số liệu được công bố cũng tạo ra cú sốc trên thị trường khi thấp hơn nhiều so với khoảng từ 500.000 đến 1,05 triệu tấn mà các chuyên gia dự đoán. Kể từ đầu niên vụ 2023/24, lũy kế bán đậu tương của Mỹ chỉ đạt 38,1 triệu tấn, giảm gần 20% so cùng kỳ niên vụ trước, phản ánh sự cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt với nguồn cung giá rẻ từ Nam Mỹ. Bất chấp việc hơn 200.000 đậu tương được bán cho Mexico trong báo cáo Daily Export Sales, doanh số bán hàng thấp mang theo triển vọng xuất khẩu kém khả quan của Mỹ trong niên vụ hiện tại.

Nguồn cung được đẩy mạnh từ Argentina cũng thúc đẩy lực bán đối với thị trường vào hôm qua. Theo văn phòng CIARA-CEC, doanh số bán ngũ cốc của Argentina tăng vọt trong tháng vừa rồi, sau khi đồng Peso mất giá hơn 50% giúp thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá hối đoái chính thức với tỷ giá thị trường vốn được sử dụng rộng rãi. Chính sách thay đổi tỷ giá đã làm tăng động lực bán hàng của nông dân Argentina. Do đó, nguồn cung đậu tương cho hoạt động xuất khẩu của Argentina đã tăng đáng kể. Đây cũng là nguyên nhân khiến bán hàng đậu tương từ Mỹ hụt hơi dù đang trong giai đoạn xuất khẩu cao điểm.

Khô đậu tương và dầu đậu tương đều đồng loạt giảm mạnh vào hôm qua. Khô đậu là mặt hàng giảm mạnh nhất nhóm nông sản, chấm dứt chuỗi ba phiên liên tiếp tăng giá. Triển vọng nguồn cung tích cực từ Argentina sau khi đồng Peso mất hơn 50% giá trị cũng là yếu tố đã gây sức ép lên thị trường. Dầu đậu giảm gần 1%, trong bối cảnh Ấn Độ, nước nhập khẩu dầu thực vật lớn nhất thế giới, đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu khi cố gắng tăng cường sản xuất hạt có dầu trên nội địa.

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong ngày 1/2, giá khô đậu tương Nam Mỹ kỳ hạn tháng 3 nhập khẩu về cảng Việt Nam được điều chỉnh tăng nhẹ. Theo đó, giá chào bán khô đậu tương Nam Mỹ tại cảng Cái Lân ở mức 12.300-12.400 đồng/kg. Đối với kỳ hạn giao tháng 4, giá khô đậu tương dao động quanh mức 11.400-11.500 đồng/kg. Tại cảng Vũng Tàu, giá chào bán ghi nhận thấp hơn khoảng 100 đồng so với cảng Cái Lân.