Đồng Tháp: Tiếp xúc cử tri không thể yêu cầu dân phát biểu khác

NDO - Khi tiếp xúc, người dân không phản ánh vấn đề lớn lao, mà phản ánh tình hình đời sống người dân, trên cơ sở đó, đại biểu phải liên hệ xem chính sách có phù hợp chưa.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA)
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Chiều 13/12, đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chủ trì Hội nghị tổng kết hoạt động Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp năm 2023.

Tại hội nghị, đại biểu kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động giám sát và tiếp xúc cử tri. Đại biểu cho rằng cần tổ chức nhiều hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề các vấn đề mới mà cử tri quan tâm.

Đáng chú ý, đại biểu cho rằng có không ít cử tri phát biểu ý kiến không được như kỳ vọng của mình. Tuy nhiên, quá trình tiếp xúc, đại biểu rút được nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận ý kiến.

Đại biểu cũng khẳng định không thể yêu cầu bà con phát biểu những gì mang tầm vĩ mô. Cái đại biểu cần đó là chắt lọc thông tin của cử tri. Đại biểu dẫn chứng, khi tiếp xúc, người dân không phản ánh vấn đề lớn lao, mà phản ánh tình hình đời sống người dân, trên cơ sở đó, đại biểu phải liên hệ xem cơ chế, chính sách của mình có phù hợp hay chưa.

Chẳng hạn như cử tri phản ánh có trường hợp người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, quá trình lao động gặp những rủi ro. Từ đây, đại biểu nghĩ ngay đến chuyện tỉnh mình, hoặc lĩnh vực này có cơ chế xử lý rủi ro chưa, và chính sách đang không phù hợp chỗ nào thì cần sửa lại.

Về ý kiến này, đồng chí Lê Quốc Phong bày tỏ sự đồng ý quan điểm của đại biểu. Đồng chí Lê Quốc Phong cho biết: “Trong quá trình tiếp xúc cử tri, mình không thể đòi hỏi dân nói khác điều mà người dân không muốn nói được. Những vấn đề dân bức xúc thì dân nói.

Quan trọng là từ việc dân đặt vấn đề, chúng ta nhận ra vấn đề gì từ ý kiến ấy của bà con. Trong đó, tầm đại biểu Quốc hội, tầm đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, hay người làm công tác quản lý nhà nước sẽ nhìn ra được vấn đề gì từ ý kiến của bà con cử tri”.

Đồng Tháp: Tiếp xúc cử tri không thể yêu cầu dân phát biểu khác ảnh 2
Đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Tại hội nghị, đại biểu cũng đánh giá các cuộc tiếp xúc cử tri được tổ chức kỹ lưỡng, chu đáo, nội dung phong phú, phát biểu sôi nổi. Hầu hết các buổi tiếp xúc có từ 5 ý kiến cử tri trở lên. Tại các kỳ họp Quốc hội, đoàn đại biểu đơn vị Đồng Tháp phát biểu hết sức sôi nổi, gợi mở nhiều vấn đề.

Báo cáo tình hình hoạt động năm 2023 cho thấy, đại biểu quốc hội thực hiện tốt chức năng giám sát tại các kỳ họp quốc hội. Trong năm, Đại biểu Quốc hội trong đoàn đã có 15 lượt ý kiến chất vấn, tranh luận. Trong hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội đã tiếp và hướng dẫn 21 lượt công dân, tiếp nhận 779 đơn và chuyển các cơ quan có thẩm quyền xử lý, phúc đáp.

Hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh ngày càng có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh gặp một số khó khăn, hạn chế như việc tổ chức lấy ý kiến đối với một số dự án luật đôi lúc chưa kịp thời, chất lượng góp ý một số nội dung còn hạn chế; chất lượng hoạt động giám sát một số chuyên đề chưa cao, chưa bao quát hết các vấn đề nóng mà xã hội quan tâm.

Năm 2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tăng cường hoạt động xây dựng pháp luật, gắn với nâng cao chất lượng phát biểu góp ý dự án luật. Đoàn lưu ý các sở, ngành quan tâm và trách nhiệm cử người có đủ năng lực tham gia đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.