Đồng Tháp thông tin sự cố sản khoa tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười

NDO - Liên quan thông tin sự cố y khoa tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười, chiều 22/3, Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp đã ban hành văn bản khẩn về việc kết luận của Hội đồng chuyên môn đối với trường hợp tai biến sản khoa tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp).
0:00 / 0:00
0:00

Theo Sở Y tế, trước đó, vào ngày 20/3, Sở ban hành công văn chỉ đạo đơn vị khẩn trương thành lập Hội đồng chuyên môn để làm rõ những sai sót chuyên môn kỹ thuật dẫn đến xảy ra sự cố sản khoa.

Ngày 21/3, Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười tiến hành họp Hội đồng chuyên môn về “Trường hợp tai biến sản khoa xảy ra tại Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười. Sản phụ là chị N.T.T.D., sinh năm 1992, địa chỉ tại khóm 4, thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười.

Tham dự buổi họp gồm các thành viên Hội đồng chuyên môn và các bác sĩ chuyên khoa sâu thuộc lĩnh vực sản, truyền máu huyết học và hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

Sau khi tổng hợp báo cáo chi tiết, xem xét hồ sơ bệnh án của sản phụ N.T.T.D., Hội đồng đã tiến hành phân tích, đánh giá rút kinh nghiệm.

Cụ thể, về quá trình thực hiện công tác chuyên môn, Bệnh viện có bố trí ê-kíp trực đầy đủ (gồm bác sĩ, hộ sinh...) đã tiếp nhận và hỗ trợ sản phụ thực hiện sinh thường thành công 1 bé gái cân nặng 3kg.

Bệnh viện có chủ động hội chẩn đánh giá sản phụ có nguy cơ cao nhóm máu hiếm (Rhesus âm) và dự phòng các phương án chuyển viện khi có diễn biến bất thường.

Khi có diễn biến nặng, Bệnh viện đã huy động toàn lực để cấp cứu và phân công bác sĩ, nữ hộ sinh có kinh nghiệm cùng theo xe cấp cứu trên đường chuyển viện đến Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp.

Đồng thời, Bệnh viện chủ động liên hệ với Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp để cung ứng máu nhưng không có nhóm máu Rhesus âm (nhóm máu hiếm).

Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp tiếp nhận người bệnh đã phối hợp điều trị hồi sức tích cực để cấp cứu bệnh nhân. Cụ thể: đặt nội khí quản, cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn, hội chẩn liên khoa, tiến hành mổ cấp cứu. Bệnh nhân được phẫu thuật cắt tử cung toàn phần, được truyền hồng cầu lắng trước và trong khi mổ.

Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục được hồi sức: thở máy; tiếp tục truyền hồng cầu lắng, huyết tương tươi đông lạnh, kết tủa lạnh; tiêm kháng sinh và cầm máu.

Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân sau mổ không cải thiện, tình trạng diễn tiến nặng dần, người thân xin về vào lúc 4 giờ 30 phút ngày 18/3/2024.

Thông báo của Sở Y tế cũng nêu ra những hạn chế, khó khăn trong giải quyết chuyên môn.

Theo đó, ê-kíp trực chưa giải thích rõ cho sản phụ và gia đình biết về việc sản phụ có nhóm máu hiếm để hợp tác trong quá trình điều trị.

Diễn biến sự cố sản khoa của sản phụ quá nhanh và đây cũng lần đầu tiên Bệnh viện thực hiện cấp cứu sản phụ có nhóm máu hiếm nên thiếu kinh nghiệm xử lý.

Bệnh viện có dự trữ đầy đủ các nhóm máu phục vụ cấp cứu cho bệnh nhân. Riêng đối với nhóm máu Rhesus âm là nguồn máu hiếm, hiện có tình trạng khan hiếm nhóm máu này tại Đồng Tháp, các tỉnh lân cận và Bệnh viện Huyết học Truyền máu Cần Thơ - nơi cung cấp máu cho tỉnh Đồng Tháp. Việc khan hiếm nhóm máu này thực sự gây khó khăn cho việc cấp cứu bệnh nhân.

Thông báo cũng chỉ rõ kết luận của Hội đồng chuyên môn: Băng huyết sau sinh do đờ tử cung/con lần 3 sinh thường, mất máu mức độ nặng-nhóm máu hiếm (Rhesus âm).

Về hướng khắc phục, sau khi họp Hội đồng, Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười đã nghiêm túc tổ chức rút kinh nghiệm đối với quá trình xử lý cấp cứu sản khoa, ứng phó diễn tiến lâm sàng khẩn cấp tại đơn vị.

Bệnh viện nghiêm túc rà soát các quy trình đang thực hiện tại đơn vị, triển khai và phối hợp thực hiện chặt chẽ hệ thống báo động đỏ cho toàn viện và ngoại viện khi có các ca bệnh khó cần hỗ trợ khẩn cấp để đảm bảo an toàn người bệnh.

Nói về giải pháp, qua rà soát các nội dung báo cáo của Hội đồng chuyên môn của đơn vị, Sở Y tế ghi nhận, rà soát, tiếp tục họp Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh theo Hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 4607/QĐ-BYT ngày 21/12/2023 của Bộ trưởng Y tế về việc Phê duyệt tài liệu "Hướng dẫn Giám sát tử vong mẹ và đáp ứng" để đánh giá đầy đủ và có hướng xử lý phù hợp theo quy định.

Trước đó, vào lúc 23 giờ, ngày 16/3, Khoa sản, Bệnh viện đa khoa khu vực Tháp Mười tiếp nhận sản phụ N.T.T.D. nhập viện với lý do ra nhớt hồng âm đạo. Sản phụ được ê-kíp trực thăm khám toàn diện, xét nghiệm cận lâm sàng và chẩn đoán lúc vào viện: con lần 3, thai khoảng 39 tuần 1 ngày, ngôi đầu, chưa chuyển dạ.

Sau khi có kết quả xét nghiệm bệnh nhân nhóm máu A Rhesus âm (nhóm máu hiếm), ê-kíp trực đã hội chẩn, đánh giá tình trạng bệnh nhân đã sinh thường 2 lần an toàn tại bệnh viện và đưa ra phương án sẽ chuyển viện khi có diễn biến.

Đến 9 giờ ngày 17/3 sản phụ bắt đầu chuyển dạ, đến 10 giờ 10 phút cùng ngày, cổ tử cung trọn, sản phụ sinh thường 1 bé gái.

Sau đó, bệnh nhân ra huyết âm đạo lượng nhiều, tụt huyết áp. Sau khi kiểm tra và thăm khám kỹ lưỡng, sản phụ được chẩn đoán: Băng huyết sau sinh/con lần 3 do đờ tử cung gây mất máu nặng - nhóm máu hiếm (rhesus âm).