Đồng Tháp siết chặt quản lý đất công

Công tác quản lý nhà nước nhà đất công trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp vẫn còn những bất cập, vướng mắc và có những việc đến thời điểm này chưa khắc phục triệt để. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào các khu đất công để khai thác có hiệu quả, song song với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện và chấn chỉnh những hạn chế trong việc quản lý đất công...
0:00 / 0:00
0:00
Dự án khách sạn 5 sao của Công ty Thập Nhất Phong bỏ hoang gây ngập nước.
Dự án khách sạn 5 sao của Công ty Thập Nhất Phong bỏ hoang gây ngập nước.

Tỉnh Đồng Tháp hiện có 27 dự án chậm tiến độ, chiếm gần 15% trong tổng số 160 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư (giai đoạn 2016-2021). Trong đó, 20 dự án ngưng triển khai và bảy dự án còn trong thời gian có thể điều chỉnh dự án. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, định kỳ hằng năm, sở phối hợp các địa phương kiểm tra tiến độ đầu tư.

Qua kiểm tra, nhận thấy nguyên nhân dẫn đến dự án chậm tiến độ là do năng lực tài chính của một số doanh nghiệp, vai trò của các ngành cùng phối hợp giám sát dự án còn hạn chế. Trong các dự án chậm triển khai thực hiện, có Khu đô thị An Lạc (huyện Cao Lãnh); Khu đô thị phường Mỹ Phú và Phường 3 (thành phố Cao Lãnh); Khu đô thị thương mại dịch vụ ven sông phía Đông (thành phố Sa Đéc); Cụm công nghiệp Tân Dương (huyện Lai Vung)… Đáng chú ý, hiện có đến sáu dự án kéo dài từ chín năm đến 13 năm chậm triển khai, trong đó, có dự án gia hạn đến ba lần.

Đơn cử nhiều năm qua, người dân thành phố Cao Lãnh bức xúc về hai thửa đất vàng bỏ hoang thuộc dự án khách sạn 5 sao của Công ty Thập Nhất Phong, tại đường Lý Thường Kiệt, Phường 2, thành phố Cao Lãnh. Thửa đất này được bao quanh bởi một hàng rào bao kín cao khoảng 2,5m. Do bỏ hoang nhiều năm cho nên một trong hai thửa đất của dự án luôn ứ đọng nước, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người dân chung quanh.

Tính đến tháng 6/2023, Công ty Thập Nhất Phong chậm tiến độ sử dụng đất 54 tháng. Như vậy đến nay, vị trí đất vàng này đã bỏ hoang gần 13 năm do trước đây, khu đất thuộc dự án của một doanh nghiệp khác và doanh nghiệp này chuyển nhượng lại cho Công ty Thập Nhất Phong.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, Công ty Thập Nhất Phong đang kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, gia hạn tiến độ thực hiện dự án và đề nghị được sáp nhập hai thửa đất số 346, 492, đồng thời xin chuyển mục đích sử dụng đất của hai khu đất cho phù hợp nhu cầu để thực hiện dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng.

Trong đó, thửa đất số 346, diện tích 1.370,7m2, mục đích sử dụng là đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp (khu chợ đêm cũ). Thửa đất số 492, diện tích 2.104,5m2, mục đích sử dụng là đất thương mại, dịch vụ (khu đất Bến xe thành phố Cao Lãnh cũ) trúng đấu giá sau này. Sau khi được sự chấp thuận của cơ quan chuyên môn, công ty xin cấp phép để triển khai thực hiện dự án.

Tương tự, dự án Trung tâm thương mại Lee Department (tên điều chỉnh: Hồng Ngự Plaza) tại phường An Thạnh, thành phố Hồng Ngự của Công ty TNHH Đầu tư xây dựng xuất nhập khẩu Hoàng Gia đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp phê duyệt dự án đầu tư, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Tháp cấp phép xây dựng. Dự án đã chậm tiến độ thực hiện gần 10 năm kể từ khi được phê duyệt năm 2014.

Theo Ủy ban nhân dân thành phố Hồng Ngự, dự án Hồng Ngự Plaza nằm ngay vị trí trung tâm của thành phố. Việc chậm thi công đã làm hạn chế phát triển chung của thành phố, gây mất mỹ quan đô thị và phản ứng không tốt trong người dân. Ủy ban nhân dân thành phố đã đề nghị tỉnh xem xét hủy dự án và đề xuất giao cho đơn vị có đủ năng lực triển khai.

Đồng Tháp có tổng diện tích đất công hơn 29.046ha. Tháng 10/2019, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức phiên giải trình về tình hình quản lý và hiệu quả sử dụng nhà, đất công trên địa bàn. Sau khi có kết luận phiên giải trình, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung chỉ đạo, điều hành và ban hành nhiều văn bản về công tác quản lý đất công, đất bãi bồi; có giải pháp khắc phục tình trạng lấn chiếm đất công, đất công chậm đưa vào khai thác, sử dụng…

Mới đây nhất, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị chất vấn về kết quả thực hiện công tác quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, bốn nhóm vấn đề được chất vấn, gồm: Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; khai thác, quản lý đất bãi bồi; quản lý, khai thác quỹ đất công, nhà ở công; các dự án chậm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, về quản lý nhà, đất thuộc trụ sở làm việc, tỉnh đang rà soát phương án sắp xếp nhà, đất của huyện Cao Lãnh, thành phố Cao Lãnh và huyện Lai Vung; Sở Y tế và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội. Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá cơ sở nhà đất đang quản lý.

Đối với cơ sở nhà đất giao cho Sở Tài chính quản lý với tổng số 31 cơ sở, diện tích đất 5.995m2; diện tích nhà 11.353,8m2, đã thực hiện bán 11 cơ sở. Đồng thời, tiếp tục tổ chức bán đấu giá trong năm 2023 là 14 cơ sở, sáu cơ sở nhà đất đang được đo đạc, lập hồ sơ bán trong năm 2024. Đối với cơ sở nhà đất thuộc huyện quản lý, hiện có 23 cơ sở.

Trong đó, tám cơ sở đã có phương án giao cho đơn vị quản lý, sử dụng, còn lại 15 cơ sở vẫn đang bỏ trống. Huyện đã giao Ban quản lý dự án và phát triển quỹ đất quản lý, khai thác (như bán, kêu gọi đầu tư, đưa vào quy hoạch sử dụng đất của huyện). Tuy nhiên, tiến độ thực hiện còn chậm do nguyên nhân khách quan như không có nhà đầu tư tham gia, vướng trong công tác quy hoạch của địa phương.

Cũng theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp, đối với công tác lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hằng năm, các địa phương thực hiện rà soát các công trình, dự án chưa thực hiện, chuyển tiếp qua nhiều năm (quá ba năm) để kiến nghị điều chỉnh hoặc hủy bỏ theo đúng quy định nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng quy hoạch "treo", gây ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người dân.

Qua theo dõi, một số địa phương chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo, quản lý, chưa thường xuyên kiểm tra, rà soát quỹ đất công; chậm đưa vào khai thác, sử dụng, kêu gọi đầu tư; một phần diện tích đất cần phải kiểm tra, đo đạc bổ sung để đưa vào quản lý sử dụng nhưng chưa thực hiện… dẫn đến tình trạng bị lấn chiếm để xây dựng nhà ở, canh tác nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp Huỳnh Minh Tuấn cho biết, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện tập trung hơn nữa cho công tác quản lý và sử dụng đất, nhà ở công, đất bãi bồi, cũng như sớm khắc phục, giải quyết những bất cập liên quan công tác này.

"Tỉnh sẽ tăng cường công tác kêu gọi đầu tư các khu đất công để khai thác có hiệu quả và tránh bị lấn chiếm, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, không để tình trạng cơ quan nhà nước "tiếp tay" cho doanh nghiệp cố tình kéo dài thời hạn triển khai dự án, đồng thời sẽ xử lý dứt điểm các chủ đầu tư đã được giao đất nhưng chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng đúng quy định", đồng chí Huỳnh Minh Tuấn khẳng định.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng cũng yêu cầu các ngành, các địa phương lưu ý việc quản lý và sử dụng đất công trên địa bàn, thấy được trách nhiệm của mình để có chuyển biến mạnh mẽ hơn, quản lý tốt hơn, tạo ra nguồn thu ngân sách mới.