Đồng Tháp đưa vào hoạt động đơn vị can thiệp nội mạch

NDO - Đội ngũ bác sĩ thực hiện được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ Trung tâm Can thiệp tim mạch của Bệnh viện đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Đơn vị Can thiệp nội mạch thực hiện kỹ thuật nong và đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cung cấp).
Đơn vị Can thiệp nội mạch thực hiện kỹ thuật nong và đặt stent động mạch vành cho bệnh nhân dưới sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp cung cấp).

Ngày 22/5, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp tổ chức lễ khai trương Đơn vị Can thiệp nội mạch và Hội thảo khoa học “Tim mạch can thiệp”.

Đơn vị Can thiệp nội mạch có nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị những bệnh nhân bệnh lý mạch vành, rối loạn nhịp tim; các bệnh có chỉ định chụp mạch số xóa nền.

Cùng với đó, điều trị các bệnh có chỉ định can thiệp nội mạch khác như: mạch máu não, mạch tạng, các mạch máu ngoại biên; thực hiện kỹ thuật chụp động mạch vành, đặt stent động mạch vành.

Đơn vị Can thiệp nội mạch đi vào hoạt động khẳng định bước tiến mới trong thực hiện những kỹ thuật khó chuyên khoa Tim mạch của Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp cho biết sẽ tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư về trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu vận hành tốt nhất cho Đơn vị Can thiệp nội mạch.

Đồng Tháp đưa vào hoạt động đơn vị can thiệp nội mạch ảnh 1

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu phát biểu tại lễ khai trương. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

“Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp thường xuyên kết nối, tham vấn kinh nghiệm, chuyên môn từ các chuyên gia của Bệnh viện đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh nhằm nâng cao năng lực, kỹ thuật cho đội ngũ y, bác sĩ, kỹ thuật viên Đơn vị Can thiệp nội mạch.

Tăng cường tham mưu Sở Y tế tỉnh kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực y tế kế thừa cho những giai đoạn tiếp theo; nghiên cứu lộ trình mở rộng danh mục kỹ thuật… góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh", Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu nhấn mạnh.

Tuy chậm hơn một số bệnh viện ở miền Tây Nam Bộ, song kỹ thuật can thiệp nội mạch có ý nghĩa lớn với người dân trong tỉnh Đồng Tháp.

“Trung bình mỗi ngày có 1 đến 3 ca cần can thiệp nội mạch phải chuyển lên tuyến trên. Trong khi thực hiện tại chỗ sẽ tăng tỷ lệ thành công và giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh”, ông Đoàn Tấn Bửu cho biết thêm.

Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Quang Bình, Chủ tịch Phân hội xơ vữa động mạch Việt Nam, cho biết: “Những bệnh lý liên quan vấn đề nội mạch thường rất trầm trọng, rất đột ngột cần cấp cứu kịp thời.

Tỉnh Đồng Tháp có đơn vị can thiệp nội mạch chắc chắn giúp chăm lo sức khỏe cho nhân dân tốt hơn, cấp cứu kịp thời với những phương tiện, kỹ thuật chuyên sâu. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất lớn, đánh dấu bước chuyển mình của bệnh viện.

Đồng Tháp đưa vào hoạt động đơn vị can thiệp nội mạch ảnh 2
Đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khai trương Đơn vị Can thiệp nội mạch. (Ảnh: HỮU NGHĨA)

Sau lễ khai trương, Đơn vị Can thiệp nội mạch triển khai các kỹ thuật về tim mạch can thiệp như: chụp động mạch vành; nong và đặt stent động mạch vành với sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia đến từ Bệnh viện đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Dịp này, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp tổ chức Hội thảo khoa học “Tim mạch can thiệp” nhằm trao đổi kinh nghiệm với các chuyên gia y tế, bệnh viện tuyến trên và khu vực đồng bằng sông Cửu Long về công tác quản lý, điều trị và chăm sóc bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch can thiệp.