Từ đầu năm 2023 đến nay, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp là hơn 830 ca, tăng 245,4% (tăng 589 ca) so với cùng kỳ năm 2022. Có 11/12 huyện, thành phố có số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn so cùng kỳ năm 2022, tăng cao nhất là các huyện Châu Thành, Thanh Bình và thành phố Sa Đéc.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, chưa đầy 3 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có tỷ lệ số ca mắc nặng là 42 ca, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
“Cùng với thời tiết thay đổi thất thường, mưa sớm (trái mùa), nay thời tiết đang dần bước vào mùa mưa tạo điều kiện thuận lợi cho quần thể lăng quăng, muỗi phát triển.
Dự báo tình hình dịch năm nay có thể diễn biến phức tạp hơn so với năm 2022. Các cơ sở y tế cần tiếp tục triển khai và duy trì các biện pháp phòng, chống dịch (diệt muỗi, diệt lăng quăng) để kiểm soát và làm giảm số ca mắc”, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp Dương Ân Hận nhận định.
Bác sĩ Dương Ân Hận cũng cho biết, công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết hiện còn khó khăn. Tâm lý người dân lơ là các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, khi mắc bệnh không chủ động nhập viện mà tự điều trị, làm gia tăng số ca diễn tiến nặng, dễ dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, người dân có thói quen trữ nước, từ đó tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi phát triển. Các địa điểm không người quản lý còn nhiều vật dụng chứa nước (khu công nghiệp, công trình đang xây dựng, công viên, các khu quy hoạch chuẩn bị thi công…).
Một nguyên nhân khác là định mức kinh phí chi cho một số hoạt động phòng, chống dịch còn thấp; lực lượng y tế cơ sở vẫn còn thấp, thiếu dẫn đến công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết khó khăn.
Nói về giải pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trong mùa khô, bác sĩ Dương Ân Hận cho biết, trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục duy trì hoạt động giám sát và xử lý ổ dịch kịp thời, triệt để.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp tiếp tục cải thiện phần mềm quản lý ca bệnh, đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng cùng đồng hành phòng, chống dịch. Trung tâm tăng cường phối hợp liên ngành chặt chẽ để huy động sự tham gia của các cấp Hội Phụ nữ, các trường học, cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương, ban, ngành, đoàn thể trong phòng, chống dịch.