Đồng Tháp đẩy mạnh quá trình hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn

Tỉnh Ðồng Tháp là một trọng điểm sản xuất nông nghiệp của đồng bằng sông Cửu Long, với nhiều nông sản chủ lực như lúa gạo, cá tra,... Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 1,15 tỷ USD (tăng 67,7% so năm 2014), trong đó gạo và thủy sản chiếm hơn 80%. Hàng nông sản đã tiếp cận được các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU).

Ðồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Tháp (người cầm túi gạo) khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam - Vinarice.
Ðồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Tháp (người cầm túi gạo) khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Lúa gạo Việt Nam - Vinarice.

Tỉnh hiện có 161 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, 4 sao (đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ tư của cả nước). Ðồng chí LÊ QUỐC PHONG, Ủy viên Trung ương Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Tháp có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về vấn đề này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, tỉnh Ðồng Tháp từ lâu đã là vùng sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Ðồng chí có thể cho biết tỉnh đã thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới  như thế nào?

Ðồng chí Lê Quốc Phong: Tháng 6/2014, UBND tỉnh ban hành đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Ðồng Tháp đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Xác định thực hiện đề án này là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp. Các cấp ủy, chính quyền thực hiện nhất quán, đồng bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và tổ chức chính trị - xã hội các cấp chủ động đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân, tạo sự đồng thuận cao từ nhận thức tới hành động, cùng nhau phát triển kinh tế nông nghiệp, chung sức xây dựng nông thôn mới. Ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức, giúp người nông dân bắt nhịp tư duy sản xuất mới.  

Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để củng cố thị trường xuất khẩu truyền thống, khai thác thị trường mới; hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại; hỗ trợ xây dựng chuỗi ngành hàng và vùng chuyên canh; phát triển liên kết, phát triển thị trường gắn với xây dựng thương hiệu nông sản... Ðồng thời, tỉnh chủ động phát triển liên kết vùng; phối hợp xây dựng và thực hiện đề án “Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Ðồng Tháp Mười đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; hình thành mạng lưới liên kết vùng ABCD MeKong,...

Nhờ nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh chuyển đổi đúng định hướng: “Hợp tác - Liên kết - Thị trường” và “Giảm chi phí - Tăng chất lượng - Chế biến tinh”. Ðến nay, tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 34,54% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, tăng bình quân 3,57%/năm, góp phần nâng thu nhập bình quân ở nông thôn lên 47,02 triệu đồng/người (gấp hơn 1,57 lần so năm 2015). Các ngành hàng chủ lực như lúa gạo, xoài, cá tra, hoa kiểng đều phát triển đúng hướng; xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả, nhất là mô hình hội quán mở ra hướng mới trong hợp tác sản xuất, phát triển, nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh tế tập thể, tạo chuyển biến trong tư duy của người nông dân về kinh tế nông nghiệp. Nhiều mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng, như sản xuất lúa theo tiêu chuẩn 3G3T, 1P5G, SRP; xoài rải vụ; trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá - Aquaponics; cấy mô trên cây hoa kiểng, phát triển các sản phẩm collagen và gelatin chiết xuất từ da cá tra; sản xuất tinh luyện dầu cá, sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản từ phụ phẩm da và xương cá tra; chiết xuất tinh chất dầu cám, dầu gấc, dầu sả, dầu quýt…; sản xuất phân bón hữu cơ từ trùn quế, sản xuất lúa hữu cơ, cây ăn trái hữu cơ, sản xuất dưa lưới trong nhà lưới và ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh nông sản.

Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 1,15 tỷ USD (tăng 67,7% so năm 2014), trong đó gạo và thủy sản chiếm hơn 80%. Nông sản của Ðồng Tháp đã tiếp cận được các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Tỉnh hiện có bốn đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gồm các thành phố: Sa Ðéc, Cao Lãnh, Hồng Ngự và huyện Tháp Mười; có 97/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cuối năm 2020, tỉnh có 161 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao (đứng đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ tư của cả nước).

Tuy nhiên, khu vực nông thôn của tỉnh còn khó khăn do sản xuất chủ yếu vẫn là kinh tế hộ, manh mún, nhỏ lẻ. Nguyên nhân do phát triển kinh tế nông nghiệp theo chiều sâu chưa đồng bộ, các hình thức tổ chức và liên kết sản xuất vẫn tự phát, thiếu ổn định, kết nối thị trường chưa thông suốt, chi phí logistics còn cao,... Nhiều tháng qua, dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề, giãn cách xã hội làm đứt gãy một số chuỗi ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Phóng viên: Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Ðồng Tháp triển khai những giải pháp gì để thực hiện “mục tiêu kép”, giữ nhịp độ phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn?

Ðồng chí Lê Quốc Phong: Ðể duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống của người dân, tạo động lực phát triển trong tình hình mới, tỉnh xây dựng kế hoạch và kịch bản phục hồi và phát triển kinh tế; đồng thời ban hành các nghị quyết, chương trình hành động, kết luận về phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh, về tiếp tục thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021- 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2025.

Trước mắt, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tăng cường xúc tiến đầu tư với các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng phù hợp. Các ngành, địa phương thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ dịch Covid-19 để triển khai kịp thời biện pháp phòng, chống; áp dụng các kịch bản phục hồi phát triển kinh tế với lộ trình cụ thể theo phương châm “sống chung và có kiểm soát với Covid-19”. Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo triển khai nhanh kế hoạch tiêm vắc-xin; rà soát nhu cầu và tạo điều kiện để các doanh nghiệp sớm tiếp cận vắc-xin, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp. Tỉnh tiếp tục đôn đốc việc xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và giảm hộ nghèo theo hướng nông nghiệp bền vững, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với đô thị hóa nông thôn; tích cực xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với làng thông minh. Người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo được tạo cơ hội và điều kiện để vươn lên; thúc đẩy bình đẳng giới. Hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ, từng bước hiện đại; môi trường trong lành, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp; an ninh ổn định; nông thôn giàu bản sắc văn hóa truyền thống; các hoạt động sản xuất, kinh doanh có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm phát triển bền vững.

Cùng với giữ vững các ngành công nghiệp có lợi thế, tỉnh tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến theo chiều rộng và chiều sâu, phù hợp nền kinh tế tuần hoàn và kinh tế số, gắn với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Tiếp tục củng cố và phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng, có năng lực cạnh tranh, sử dụng công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường, phát triển bền vững; kết nối các doanh nghiệp FDI và tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do. Củng cố và phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn làm “đầu tàu” dẫn dắt các doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị;... Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái gắn với thúc đẩy kinh tế số, chuyển đổi số trong nông nghiệp; nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của ngành hàng hóa nông nghiệp.

Hiện các cơ quan, ban, ngành của tỉnh và các đơn vị trực thuộc tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến thời tiết, dịch bệnh, đồng thời phổ biến rộng rãi kỹ thuật sản xuất tiên tiến, an toàn, sạch; hướng dẫn, hỗ trợ người dân tổ chức sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ hàng hóa. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tiêu thụ nông sản. Ðẩy mạnh hoạt động xúc tiến, kết nối nhà sản xuất, cung ứng với các nhà phân phối, các tổ chức xúc tiến thương mại. Phát triển thương mại điện tử, phối hợp các sàn giao dịch thương mại điện tử giúp người kinh doanh nông sản tham gia sàn, tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa;...

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!