Trước đó, ngay tuần đầu tiên thực hiện Chỉ thị 16 lần thứ nhất, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp yêu cầu Tổng đài 1022 tập trung tiếp nhận, xử lý, phản hồi ý kiến liên quan đến công tác phòng, chống dịch, hỗ trợ dân. Sau một thời gian, việc vận hành thông qua Tổng đài này ngày càng tốt hơn, đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân.
Đến nay, Đồng Tháp đã có nhiều đường dây nóng được thiết lập hỗ trợ dân như: Tổng đài 1022; y tế cấp xã, huyện; Mặt trận Tổ quốc các cấp… Kể cả Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh cũng đã có đường dây nóng.
Tuy nhiên, đồng chí Lê Quốc Phong đặt câu hỏi tại hội nghị là người dân có nắm được các đường dây nóng hay không? Do đó đồng chí đề nghị các địa phương bằng mọi cách phải thông tin tuyên truyền các đường dây nóng đến nhân dân, để người dân có được “trong tay” những thông tin cơ bản này. Khi có được thông tin thì cơ chế vận hành hỗ trợ dân thông qua các đường dây nóng phải được đảm bảo thông suốt và hiệu quả.
Đồng chí cho rằng tỉnh thực hiện Chỉ thị 16 đến đợt thứ tư, tâm lý người dân cũng có sự mệt mỏi, không ít người dân lâm cảnh khó khăn, vất vả, do đó, người dân muốn thông tin qua các đường dây nóng để được chia sẻ, giải tỏa và cả những hoàn cảnh cần được hỗ trợ gấp.
Việc vận hành đường dây nóng càng tốt, kịp thời, hiệu quả và chất lượng thì càng giải quyết được rất nhiều vấn đề liên quan đến tâm lý và sẽ giúp cho công tác phòng, chống dịch đạt được hiệu quả. Do đó, đề nghị có đường dây nóng thì phải vận hành cho tốt.
“Như vậy, các địa phương phải thường xuyên kiểm tra xem đường dây nóng này có hoạt động không và có hiệu quả không. Và đặc biệt là thái độ tiếp nhận, chia sẻ thông tin để giúp cho người dân vui vẻ, hài lòng. Tôi đề nghị là mình chống dịch áp lực kiểu gì đi nữa thì khi ứng xử với dân, trong đó có việc tư vấn, hỗ trợ dân cũng phải hòa nhã giúp đỡ người dân” đồng chí Lê Quốc Phong đề nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp cũng “cảnh báo” với các địa phương là cấp tỉnh cũng sẽ có cơ chế kiểm tra các đường dây nóng và cơ chế trong hỗ trợ dân của các địa phương.
Đến nay, các huyện, thành phố đã tổ chức phân bổ hỗ trợ 884.520 kg gạo cho gần 59.000 người dân gặp khó khăn trên địa bàn tỉnh từ nguồn hỗ trợ của Chính phủ (1.000 tấn gạo) đạt 88,4%. Để kịp thời tiếp nhận thông tin và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc bố trí nhân sự trực đường dây nóng 24/7, bảo đảm ghi nhận, xử lý kịp thời các phản ánh của người dân.
Được biết, trong ngày 29/8, Tổng đài 1022 tỉnh Đồng Tháp tiếp nhận 122/136 ý kiến liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, đã trả lời trực tiếp 113 ý kiến, chiếm hơn 81%.
Liên quan đến vấn đề tầm soát diện rộng toàn tỉnh lần hai, đồng chí Lê Quốc Phong yêu cầu việc xét nghiệm tầm soát diện rộng dù trong khu phong tỏa hay trong cộng đồng thì cũng phải xác định lấy mẫu phải trúng, đúng và đủ, không được bỏ lọt đối tượng. Để làm được điều này, phải nắm địa bàn cho chắc, xem có bao nhiêu hộ dân đang ở khu phong tỏa. Bởi bỏ sót bất kể đối tượng nào thì cũng đều dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao.
“Tôi giao trách nhiệm cho các đồng chí ở địa phương cấp xã, nếu một khu phong tỏa yêu cầu xét nghiệm 100% dân để đảm bảo theo quy định, mà đến khi phát hiện ra còn F0, mà F0 đó vẫn còn xuất hiện từ nguồn đối tượng bị sót không được tầm soát thì quy trách nhiệm địa phương”, đồng chí Lê Quốc Phong nhấn mạnh.