Đồng Nai xử lý rác thải sinh hoạt để phát triển bền vững

Hơn 20 năm trước tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch, thu hút các dự án đầu tư vào các khu xử lý chất thải tập trung. Tuy nhiên, việc đến thời điểm này chỉ có 4 dự án tiếp nhận, xử lý rác thải sinh hoạt, còn lại nhà đầu tư dần chuyển sang chỉ xử lý rác công nghiệp. Điều này, gây áp lực lên đối với các khu xử lý rác sinh hoạt đang hoạt động.
0:00 / 0:00
0:00
Trạm xử lý nước thải trong khu xử lý Quang Trung.
Trạm xử lý nước thải trong khu xử lý Quang Trung.

Quy hoạch các khu xử lý từ sớm

Là tỉnh có số dân đứng thứ 5 cả nước, tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh nên lượng phát sinh rác thải trong quá trình sản xuất, sinh hoạt rất lớn. Do đó, từ năm 2000, tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt quy hoạch các khu xử lý chất thải (XLCT) tập trung. Sau đó, quy hoạch được điều chỉnh, bổ sung cho giai đoạn 2011-2020 tầm nhìn đến năm 2025, tỉnh có 9 khu XLCT với 17 dự án. Trong đó, Khu XLCT Bàu Cạn xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) cho hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch, Khu XLCT Quang Trung xử lý rác cho huyện Thống Nhất và thành phố Long Khánh, còn lại mỗi địa phương đều có một khu XLCT.

Tuy nhiên, đến nay chỉ có 4 khu xử lý RTSH, các khu còn lại chưa hoàn thành đầu tư hạ tầng, không đạt tỷ lệ chôn lấp chất thải theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Đồng Nai hoặc không tham gia xử lý RTSH chỉ xử lý rác công nghiệp. Do đó, phần lớn RTSH trên địa bàn tỉnh Đồng Nai dồn về Khu XLCT Quang Trung với khối lượng 1.200 tấn/ngày và Khu XLCT Vĩnh Tân là 450 tấn/ngày. Trong đó, RTSH của 8 trong số 11 huyện, thành phố được đưa về Khu XLCT Quang Trung.

Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã nhiều lần làm việc để xử lý RTSH. Tuy nhiên, các sở, ngành, địa phương chưa tập trung, ngồi lại cùng doanh nghiệp tháo gỡ các vướng mắc đang gặp phải. Tỉnh Đồng Nai yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư rà soát, những dự án được phê duyệt, cấp chủ trương đầu tư nhưng không hoặc chậm triển khai thì đề xuất thu hồi. Riêng Khu XLCT Quang Trung, thống nhất chủ trương điều chỉnh cục bộ quy hoạch để bảo đảm khả năng tiếp nhận rác.

Đồng Nai xử lý rác thải sinh hoạt để phát triển bền vững ảnh 1

Ô chôn lấp chất thải trơ đã được phủ bạt khử mùi và nước rỉ rác phát sinh tại Khu xử lý chất thải Vĩnh Tân.

Trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh duy trì 4 khu xử lý RTSH, gồm: Bàu Cạn, Vĩnh Tân, Túc Trưng, Quang Trung. Đối với những khu xử lý rác hiện hữu muốn tiếp tục hoạt động phải chuyển đổi sang công nghệ đốt rác phát điện.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai cũng vừa cho ý kiến về nội dung “Đề án quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai” để nhanh chóng phê duyệt, ban hành, áp dụng vào thực tiễn đời sống với kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 5.000 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra là không để tồn tại công nghệ xử lý rác lạc hậu, phương tiện vận chuyển thô sơ mà sẽ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại, tăng tỷ lệ tái chế rác, hạn chế chôn lấp để giảm thiểu ảnh hưởng tới nguồn nước ngầm.

Xử lý hơn 80% rác sinh hoạt toàn tỉnh

Khu XLCT Quang Trung do Công ty Cổ phần Dịch vụ Sonadezi (SDV) làm chủ đầu tư, đi vào hoạt động từ năm 2009 tại huyện Thống Nhất. Dự án có diện tích khoảng 130 héc ta, tổng mức đầu tư khoảng 650 tỷ đồng. Khu XLCT Quang Trung có công suất 1.200 tấn/ngày, đang tiếp nhận, xử lý RTSH cho 8/11 huyện, thành phố trên địa bàn Đồng Nai. Còn Khu XLCT Vĩnh Tân, quy mô 21,7ha do Công ty Cổ phần Môi trường Sonadezi (SZE) đầu tư tại xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, với tổng mức đầu tư hơn 470 tỷ đồng. Khu XLCT Vĩnh Tân có công suất 450 tấn/ngày, đang thu gom, tiếp nhận, xử lý RTSH cho 2/11 huyện, thành phố.

Như vậy, chỉ riêng hai khu XLCT trên đang đảm nhận xử lý 1.650 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ khoảng 80% lượng RTSH phát sinh của tỉnh Đồng Nai. Cả hai khu đều xử lý RTSH bằng phương pháp tái chế chất thải làm mùn compost với công nghệ và dây chuyền nhập khẩu từ Bỉ, quy trình xử lý khép kín. Sau khi phân loại, hữu cơ từ rác thải sinh hoạt được tái chế thành mùn compost, lượng chất trơ còn lại được xử lý chôn lấp hợp vệ sinh. Khu XLCT Quang Trung và Khu XLCT Vĩnh Tân đã và đang góp phần kéo giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn Đồng Nai xuống thấp hơn tỷ lệ chôn lấp chất thải bình quân của cả nước.

Nhiều giải pháp bảo vệ môi trường

Khu XLCT Quang Trung và Khu XLCT Vĩnh Tân đã được đầu tư, vận hành theo đúng Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt cũng như đáp ứng các quy định của pháp luật. Công tác bảo vệ môi trường tại các khu xử lý được chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp, trong đó có các hạng mục không bắt buộc đầu tư nhưng các chủ đầu tư đã chi nhiều tỷ đồng để đầu tư nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường. Ngoài ra, tại các khu xử lý này cũng chú trọng đầu tư các công trình theo hướng nâng cao tỷ lệ tự động hoá để nâng cao hiệu quả quản lý chất thải.

Đồng Nai xử lý rác thải sinh hoạt để phát triển bền vững ảnh 2

Hệ thống xử lý mùi trong Khu xử lý chất thải Quang Trung.

Như tại Khu XLCT Quang Trung, đã đầu tư các công trình tự động hoá.Trong quá trình hoạt động, SDV đã rất nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu mùi hôi phát sinh khi xử lý rác thải, hạn chế tối đa mùi hôi phát tán ra môi trường không khí và các khu vực dân cư chung quanh. Cụ thể, tại khu vực xưởng tiếp nhận - phân loại RTSH đã đầu tư và vận hành hệ thống hấp thụ, xử lý mùi từ tháng 5/2019 trị giá 5 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty đã đầu tư công nghệ phun sương khử mùi vận hành tự động, lắp đặt vách ngăn bằng kiếng tại khu vực xưởng tiếp nhận rác, toàn bộ xưởng ủ được lắp đặt các cửa ra vào, lắp đặt các nắp đậy inox tại các bể bơm nước rỉ rác vào xử lý, trồng cây xanh cách ly.

Đối với các ô chôn hợp vệ sinh đã được Tổng cục Môi trường nghiệm thu và cấp phép trước khi đưa vào vận hành, SDV đã che phủ tối đa diện tích rác thải đã chôn lấp bằng màng chống thấm HDPE; lắp đặt và vận hành hệ thống phun vi sinh khử mùi vận hành tự động quanh diện tích chôn lấp cũng như sử dụng các quạt thổi công nghiệp cỡ lớn để phun vi sinh khử mùi vào các điểm đang đổ rác; che phủ toàn bộ các hồ chứa nước rỉ rác bằng màng HDPE.

Còn tại Khu XLCT Vĩnh Tân, SZE đã thực hiện công tác phun xịt chế phẩm sinh học khử mùi liên tục trong quá trình tiếp nhận, xử lý rác sinh hoạt; lắp đặt hệ thống phun sương khử mùi xung quanh xưởng tiếp nhận rác. Đối với 3 ô chôn lấp ngưng vận hành, Công ty đã che phủ bạt HDPE nhằm ngăn mùi hôi phát tán ra chung quanh và nước mưa thấm vào, trồng cỏ trên bề mặt để tránh xói lở và tạo cảnh quan. Đối với ô chôn lấp đang chôn lấp rác, khu vực nào tạm ngưng vận hành thì che phủ bạt HDPE, khu vực nào đang vận hành thì tăng cường phun xịt chế phẩm vi sinh để giảm mùi hôi.

Nước rỉ rác phát sinh trong quá vận hành của Khu XLCT Quang Trung và Khu XLCT Vĩnh Tân được thu gom về hệ thống xử lý nước thải để xử lý và tái sử dụng trong nội bộ khu xử lý, không xả thải ra môi trường.

Toàn bộ nước rỉ rác phát sinh trong quá trình tái chế RTSH, nước rỉ rác phát sinh tại ô chôn lấp hợp vệ sinh của Khu XLCT Quang Trung và Khu XLCT Vĩnh Tân được thu gom về hệ thống xử lý nước thải để xử lý và tái sử dụng trong nội bộ khu xử lý, không xả thải ra môi trường. Kết quả quan trắc nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn QCVN 40:2011/BTNMT cột A.

Khó khăn tại Khu XLCT Quang Trung là vào thời điểm quy hoạch xây dựng được phê duyệt và triển khai vào năm 2009, vị trí xây dựng khu xử lý đáp ứng yêu cầu về khoảng cách tối thiểu đối với khu vực dân cư lân cận 2km tính từ vành đai khu vực dự án. Tuy nhiên, với dân số tăng nhanh trong thời gian qua, các khu dân cư được mở rộng nhanh chóng, các hành lang cây xanh đệm cách ly mùi xung quanh khu xử lý bị thu hẹp, làm cho việc kiểm soát mùi hôi gặp thêm bất lợi.

Với khối lượng rác tiếp nhận và xử lý khoảng 1.200 tấn/ngày, mỗi ngày có khoảng 90 đến 100 chuyến xe vận chuyển rác thải sinh hoạt đưa về Khu XLCT Quang Trung; các phương tiện này do các địa phương trực tiếp hợp đồng để thu gom và vận chuyển, Công ty không thực hiện công tác vận chuyển. Lượng rác thải sinh hoạt được thu gom chứa trong xe vận chuyển thường được lưu giữ trong khu dân cư từ 1 đến 3 ngày, đã bắt đầu phân hủy, gây mùi rất khó chịu. Vấn đề này cũng gây phát tán nhiều mùi hôi, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng dân cư chung quanh các tuyến đường có xe vận chuyển rác.

Kết quả đo đạc chất lượng môi trường không khí chung quanh (ngày 05/7/2023) đối với các thông số NH3 và H2S tại 2 vị trí khu vực gần xưởng phân compost và tại ngã 3 giữa đường N3 và X2 tại Khu XLCT Quang Trung, đều đạt so với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí chung quanh - QCVN 06:2009/BTNMT.

Đồng Nai xử lý rác thải sinh hoạt để phát triển bền vững ảnh 3

Kiểm tra dây chuyền làm mùn hữu cơ để sản xuất phân vi sinh tại Khu xử lý chất thải Quang Trung.

Theo chủ đầu tư các khu XLCT, hiện nay, RTSH nhìn chung chưa được phân loại từ đầu nguồn nên rất phức tạp, có lẫn nhiều thành phần khác nhau, độ ẩm cao, khiến phát sinh mùi trong quá trình thu gom, vận chuyển cũng như xử lý. Do đó, chính quyền các cấp cần có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích người dân phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn để hạn chế mùi phát sinh cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình vận hành, xử lý rác thải.

UBND tỉnh Đồng Nai, các sở, ban ngành liên quan xem xét có chủ trương điều chỉnh đơn giá xử lý phù hợp; có quy hoạch, phân vùng địa phương cụ thể cho các khu xử lý trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm khoảng cách vận chuyển hợp lý, từ đó, giảm chi phí vận chuyển, tránh tập trung quá nhiều vào 3-4 khu xử lý, gây quá tải về môi trường, dễ xảy ra các sự cố làm ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường. Khi có quy hoạch, phân vùng địa phương, các đơn vị cũng có cơ sở đầu tư các hệ thống xử lý chất thải với công nghệ hiện đại hơn, giảm khối lượng chất thải chôn lấp, bảo vệ môi trường ngày càng tốt hơn.

Trước thông tin cho rằng, tình trạng quá tải khiến mùi hôi phát sinh ở Khu XLCT Quang Trung nhiều hơn, bà Trần Thị Thúy, Phó TGĐ Công ty SDV, Giám đốc Khu XLCT Quang Trung cho hay: “Khu XLCT Quang Trung hiện vẫn đang tiếp nhận, xử lý đúng công suất theo Giấy phép môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, không quá tải. Tuy nhiên, so với quy hoạch ban đầu, khối lượng rác và quy mô phục vụ đối với RTSH tăng đáng kể do phải tiếp nhận thêm 6 huyện, tăng gấp 6 lần so với dự án được duyệt lần đầu năm 2009. Do đó, các ô chôn lấp chất thải trơ lấp đầy nhanh hơn dự kiến. Công ty đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 để bổ sung các ô chôn lấp hợp vệ sinh nhằm bảo đảm khả năng tiếp nhận trong thời gian tới. Nếu không được giải quyết nhanh các thủ tục để kịp thời xây dựng các ô chôn lấp mới, Khu XLCT Quang Trung chỉ có thể tiếp nhận rác thải sinh hoạt đến cuối năm 2023. Thời gian qua, Công ty đã nỗ lực nhiều trong vấn đề kiểm soát mùi phát sinh trong quá trình xử lý rác sinh hoạt. Tuy nhiên, trên thực tế cũng phát sinh nhiều vấn đề khó khăn: do ảnh hưởng của thời tiết trong những thời điểm như trời mưa, độ ẩm không khí thấp; sáng sớm hay chiều tối, cao điểm các phương tiện vận chuyển rác do các địa phương tự vận chuyển về cũng gây mùi phát tán ra bên ngoài. Công ty mong người dân chia sẻ, đồng hành, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện mọi giải pháp để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến người dân”.