Đồng Nai lập Tổ công tác xử lý dự án chậm triển khai

NDO - Sáng 11/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cho biết, trước việc nhiều dự án chậm triển khai, dây dưa kéo dài trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã quyết định thành lập Tổ công tác xử lý dự án chậm triển khai.
0:00 / 0:00
0:00
Tổ công tác xử lý dự án chậm triển khai tỉnh Đồng Nai họp vào chiều 10/4.
Tổ công tác xử lý dự án chậm triển khai tỉnh Đồng Nai họp vào chiều 10/4.

Theo đó, Tổ công tác do đồng chí Võ Tấn Đức, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai làm Tổ trưởng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên là Tổ phó Thường trực.

Thành viên Tổ công tác là đại diện lãnh đạo các sở: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Giao thông vận tải và Ủy ban nhân dân các các huyện, thành phố.

Ngoài ra, đối với từng dự án chuyên ngành có thể mời đại diện các lãnh đạo sở, ngành tỉnh có liên quan đến thẩm quyền quản lý hành chính Nhà nước của ngành, đơn vị mình.

Đồng Nai lập Tổ công tác xử lý dự án chậm triển khai ảnh 1

Một dự án chậm triển khai trên địa bàn huyện Nhơn Trạch.

Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các dự án chậm triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đối với các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, ngoài các khu công nghiệp.

Ngay sau khi thành lập, chiều 10/4, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, Tổ công tác đã có cuộc họp để triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu, Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm xây dựng quy chế làm việc của Tổ công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; các ngành liên quan, các địa phương phải rà soát lại tất cả các dự án chậm triển khai trên địa bàn, phân loại đối với từng dự án để đề xuất hướng xử lý.

Qua rà soát, hiện nay có 51 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai trên địa bàn Đồng Nai phải thu hồi và 122 dự án đang bị chậm tiến độ.

Từ giữa năm 2014 đến cuối năm 2022, Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo xử lý đối với 65 dự án, công trình vi phạm tiến độ đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng với tổng diện tích hơn 2.300ha.