Đồng Nai: Giải quyết được hay không phải trả lời dứt khoát cho doanh nghiệp

NDO - Nếu không nỗ lực để giải quyết một cách quyết liệt những vấn đề mà các công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đặt ra liên quan đến vướng mắc về đất đai, hạn chế trong đầu tư hạ tầng giao thông kết nối thì Đồng Nai rất khó để trở thành tỉnh phát triển công nghiệp. Giải quyết được hay không phải trả lời dứt khoát cho doanh nghiệp, không để tình trạng kéo dài nhiều năm.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị giải quyết được hay không các kiến nghị của doanh nghiệp cần trả lời dứt khoát.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị giải quyết được hay không các kiến nghị của doanh nghiệp cần trả lời dứt khoát.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc với 28 công ty trong và ngoài nước đầu tư kinh doanh hạ tầng 33 khu công nghiệp trên địa bàn vào chiều 6/3.

Doanh thu các khu công nghiệp hơn 21,8 tỷ USD

Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai Nguyễn Trí Phương thông tin, trên địa bàn tỉnh có 33 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10,5 nghìn ha; trong đó, 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động.

Các khu công nghiệp ở Đồng Nai thu hút nhà đầu tư đến từ 44 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng số 2.111 dự án; trong đó, 1.459 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư hơn 29,6 tỷ USD và 652 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 80 nghìn tỷ đồng.

Năm 2023, tổng doanh thu của các khu công nghiệp là hơn 21,8 tỷ USD, đóng thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước gần 920 triệu USD.

Hiện nay, có 11 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động đang vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng với tổng diện tích đất khoảng 752ha, chủ yếu tập trung tại các khu công nghiệp: Hố Nai, Sông Mây, Thạnh Phú.

Đồng Nai: Giải quyết được hay không phải trả lời dứt khoát cho doanh nghiệp ảnh 2

Sản xuất tại một doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp Amata, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

Ngoài thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn đối với các khu công nghiệp đang vướng mặt bằng để mở rộng, tỉnh Đồng Nai đang lập hồ sơ xây dựng thêm 5 khu công nghiệp mới và 1 khu công nghiệp đầu tư mở rộng.

Các khu công nghiệp này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình Thủ tướng quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, tất cả các ý kiến của công ty kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đều nêu lên những vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; hạn chế trong hạ tầng kết nối giao thông với các khu công nghiệp.

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đô thị Amata Long Thành Thái Hoàng Nam cho rằng, Đồng Nai với lợi thế vị trí chiến lược rất tốt, thuận lợi để thu hút đầu tư.

Tuy nhiên, điểm hạn chế nhất của tỉnh là mật độ dân cư đông nên quá trình thực hiện thu hồi đất, đền bù, tái định cư cho các hộ dân để xây dựng khu công nghiệp gặp khó khăn.

Đối với giao thông, Đồng Nai dù có các quốc lộ lớn qua địa bàn, nhưng hạ tầng các trục giao thông đi vào tỉnh hiện nay đều quá tải, cản trở việc thu hút nhà đầu tư. Do vậy, tỉnh cần quyết liệt hơn trong đầu tư hạ tầng kết nối bên ngoài khu công nghiệp, tạo yên tâm cho nhà đầu tư.

Đồng Nai: Giải quyết được hay không phải trả lời dứt khoát cho doanh nghiệp ảnh 3

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần khu công nghiệp Hố Nai Nguyễn Công Định nêu kiến nghị với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.

Tương tự, đại diện khu công nghiệp Long Đức và khu công nghiệp Hố Nai đều kiến nghị chính quyền tỉnh Đồng Nai sớm đầu tư hạ tầng đường giao thông kết nối với khu công nghiệp, tạo sự đồng bộ, thuận lợi hơn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Về giải phóng mặt bằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần khu công nghiệp Hố Nai Nguyễn Công Định cho biết, dù thời gian qua, doanh nghiệp đã được hỗ trợ của chính quyền các cấp nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn còn một số hộ dân chưa di dời, ảnh hưởng đến việc đầu tư mở rộng hạ tầng khu công nghiệp.

Khu công nghiệp Hố Nai thành lập cách đây hơn 25 năm, nhưng đến nay cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đều vướng tổng diện tích hơn 90ha mặt bằng: “Chúng tôi mong muốn chính quyền địa phương đẩy nhanh việc thực hiện các thủ tục liên quan đến việc bồi thường giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại của các hộ dân. Qua đó, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư, vì những vướng mắc kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đầu tư mở rộng khu công nghiệp những năm qua”, ông Nguyễn Công Định kiến nghị.

Giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp

Trao đổi tại buổi gặp, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh, nếu không nỗ lực giải quyết một cách quyết liệt các vấn đề liên quan đến bồi thường, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối khu công nghiệp mà lãnh đạo các công ty kinh doanh hạ tầng đặt ra thì rất khó để trở thành tỉnh phát triển công nghiệp.

“Cần thiết thay đổi nhân sự Phó Chủ tịch cấp huyện phụ trách lĩnh vực bồi thường để kịp thời giải quyết các vướng mắc. Không để xảy ra việc nhận nhiệm vụ xong rồi không làm. Giải quyết được hay không kiến nghị phải trả lời doanh nghiệp dứt khoát, chứ không có chuyện kéo dài trong mười mấy năm”, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thống kê hạ tầng ngoài khu công nghiệp cần đầu tư, giải pháp về nguồn vốn. Từ đó, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chủ trương đầu tư làm cuốn chiếu, khi đó chất lượng khu công nghiệp sẽ được nâng lên.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai thẳng thắn nhìn nhận, thời gian qua, công nghiệp Đồng Nai chậm đổi mới, không có nhà đầu tư mới đẳng cấp. Đồng Nai đang gần như ôm kho công nghệ lạc hậu, hiệu suất giá trị gia tăng mang lại thấp và thu ngân sách thấp. Nếu tiếp tục chấp nhận như hiện nay, công nghiệp Đồng Nai chắc chắn sẽ tụt hậu.

Do đó, vấn đề trước tiên, bản thân các khu công nghiệp phải tự làm mới, bằng đầu tư công nghệ mới, nhanh chóng áp dụng chuyển đổi số và thực hiện giảm thiểu phát thải khí nhà kính - Net Zero. Muốn có nhà đầu tư công nghệ cao, các công ty hạ tầng phải bỏ thêm vốn, dành công sức để nâng cấp khu công nghiệp thay đổi, khi đó, sẽ buộc nhà đầu tư thứ cấp phải thay đổi.

Đồng Nai: Giải quyết được hay không phải trả lời dứt khoát cho doanh nghiệp ảnh 4

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh trao đổi với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.

Tỉnh Đồng Nai đang thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, do đó, những dự án thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp, đóng thuế thấp thì kiên quyết từ chối. Ngược lại, Đồng Nai ưu tiên mời gọi dự án sử dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, sử dụng đất hiệu quả cao.

Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị lập lại trật tự phát triển công nghiệp trên địa bàn. Từ nay trở đi không được phép triển khai dự án công nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp. Đối với các nhà máy thuộc khu công nghiệp Biên Hòa 1 kết nối để di dời vào các khu công nghiệp.