Đồng Nai đổi mới giải pháp thu hút đầu tư

Để đạt mức tăng trưởng kinh tế (GRDP) 10% năm 2025 theo mục tiêu đề ra, tỉnh Đồng Nai xác định cần tiếp tục thúc đẩy thu hút vốn đầu tư mang lại hiệu quả thực chất. Thay vì chờ nhà đầu tư tìm đến thì lãnh đạo tỉnh chủ động sớm tiếp cận, mời gọi doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất tại một doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai.
Sản xuất tại một doanh nghiệp FDI ở Đồng Nai.

Những nỗ lực đáng ghi nhận

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, thu hút vốn đầu tư vào Đồng Nai năm 2024 có nhiều khởi sắc. Cụ thể, thu hút đầu tư trong nước, cấp mới 23 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 137.993 tỷ đồng, tăng 15% về số dự án và tăng gấp 21 lần vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ năm 2023.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,45 tỷ USD, tăng tới 37% so với cùng kỳ, trong đó, cấp mới 87 dự án với tổng vốn đăng ký 735 triệu USD, còn lại chủ yếu là các dự án điều chỉnh tăng vốn do làm ăn có hiệu quả. Điểm sáng nguồn vốn đầu tư mới vào địa bàn là các dự án thuộc ngành nghề có chọn lọc, đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu mà đảng bộ, chính quyền tỉnh quán triệt.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có số dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực là 1.106 dự án với số vốn hơn 465.998 tỷ đồng; số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực là 1.687 dự án với số vốn 35,2 tỷ USD. Trong năm, có 4.321 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 50 nghìn tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2023, tăng 20% về số lượng doanh nghiệp thành lập mới và tăng gấp 2 lần về số vốn).

Các dự án trong khu công nghiệp có tỷ lệ giải ngân vốn đạt gần 80%. Hiện Đồng Nai đã thành lập 34 khu công nghiệp với tổng diện tích đất hơn 11.500 ha, trong đó có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 1 khu công nghiệp trong giai đoạn thu hồi đất và đầu tư xây dựng hạ tầng (khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành) và 2 khu công nghiệp mới được thành lập là Long Đức 3, Bàu Cạn-Tân Hiệp.

Nếu ba khu công nghiệp này hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để có đất cho doanh nghiệp thứ cấp thuê xây dựng nhà máy, thì Đồng Nai sẽ có thêm gần 10 tỷ USD vốn đầu tư. Đặc biệt, việc triển khai Khu công nghiệp Long Đức 3 với diện tích 100 ha (xã Long Đức, huyện Long Thành) là bước đi chiến lược nhằm phát triển cơ sở dữ liệu số. Ngoài ra, Khu công nghệ cao Đồng Nai tại huyện Cẩm Mỹ sẽ được xây dựng với diện tích 497 ha, phục vụ nghiên cứu, đào tạo, và đổi mới sáng tạo tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số và phát triển công nghệ sinh học.

Tháo gỡ điểm nghẽn

Theo Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai Phạm Văn Cường, để nhanh chóng đưa các khu công nghiệp vào hoạt động, việc trước mắt, các sở, ngành cần ngồi lại với nhau để tìm hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý đất đai, quy hoạch. Bởi nếu không tháo gỡ điểm nghẽn, dự án kéo dài sẽ không tạo động lực phát triển mạnh mẽ, khó thu hút được vốn đầu tư.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Hữu Nguyên cũng cho rằng, thời gian gần đây, tỉnh quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và hoàn toàn có thể kỳ vọng vào các dự án mới xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, giáo dục.

Vấn đề còn lại là cần tạo hành lang pháp lý và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tiếp tục “kích hoạt” mọi nguồn lực phục vụ tăng trưởng thời gian tới. Trước mắt, tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn”, thúc đẩy 36 dự án trọng điểm trong danh mục ưu tiên mời gọi, thu hút đầu tư và 17 dự án vừa trao giấy chứng nhận đầu tư, nhất là đồng tâm hiệp lực hiện thực hóa dòng vốn đầu tư trong thực tế cuộc sống.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức, đặc thù tăng trưởng của Đồng Nai từ trước đến nay chủ yếu phụ thuộc vào xuất khẩu, trong đó khối FDI chiếm hơn 70% (tương đương 60% GRDP), nhưng công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nội địa chưa phát triển, chưa cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, làm ảnh hưởng chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Để phát triển bền vững, Đồng Nai chú trọng xây dựng cơ chế hiệu quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài có chọn lọc (nhất là các dự án công nghệ cao, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi năng lượng, điện toán đám mây, internet vạn vật...) thông qua các chính sách, giải pháp khuyến khích cụ thể, trong đó có việc hỗ trợ bằng tiền, thuế, đất, hạ tầng, điện; đồng thời thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững tạo động lực tăng trưởng mới; tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư Khu công nghiệp Hàng Gòn, Cụm công nghiệp Hàng Gòn, Cụm công nghiệp Quang Trung 1, Quang Trung 2 theo chuẩn khu, cụm công nghiệp xanh, sinh thái đáp ứng các quy chuẩn của Net-Zero.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số, Đồng Nai tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội bền vững, thu hút đầu tư có chọn lọc, kiểm soát chặt chẽ môi trường, nâng cao năng suất lao động và đổi mới công nghệ.

Từng đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ngành, địa phương phải thấm nhuần tư duy chọn lọc để phát triển, kiên định với mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vững chắc, đúng pháp luật và ngăn chặn kịp thời các doanh nghiệp đầu tư cơ hội trục lợi ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của tỉnh.

Doanh nghiệp không thể gọi là thành công nếu hoạt động không đúng pháp luật, vi phạm quy hoạch, xây dựng, đất đai, xâm hại môi trường, xâm hại quyền lợi người lao động. Việc lựa chọn nhà đầu tư phải thật sự công tâm, khách quan, minh bạch, đúng quy định pháp luật nhằm lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất để thực hiện dự án. Đội ngũ cán bộ tỉnh phải thật sự bản lĩnh, giữ vững nguyên tắc, vừa tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhanh dự án nhưng cũng phải bảo đảm tuân thủ pháp luật chặt chẽ, công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư.