Dồn tổng lực cho "siêu" dự án sân bay
Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án trọng điểm quốc gia, dự kiến khởi công xây dựng giai đoạn 1 vào năm 2021. Ðây là dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta. Ðể thực hiện dự án này, Nhà nước thu hồi hơn 5.000 ha đất của 18 tổ chức, gần 5.300 gia đình với hơn 15 nghìn nhân khẩu tại huyện Long Thành. Chỉ riêng tổng nguồn vốn chi cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), hỗ trợ tái định cư, ổn định cuộc sống người dân lên tới gần 23 nghìn tỷ đồng, được Chính phủ giao cho UBND tỉnh Ðồng Nai thực hiện. Ðối với giai đoạn ưu tiên GPMB trước 1.810 ha, thời điểm này đã thu hồi 1.180 ha của Tổng công ty cao-su Ðồng Nai. Riêng diện tích 630 ha của hơn 1.000 hộ dân còn lại, tỉnh đã chi tiền đền bù, hỗ trợ 330 hộ hơn 625 tỷ đồng đối với 130 ha. Phần diện tích còn lại đang được thực hiện áp giá, lập phương án bồi thường để bàn giao trong tháng 10 tới. Qua bốn đợt chi tiền đền bù, hỗ trợ, về cơ bản, hầu hết người dân trong diện giải tỏa đều đồng thuận. Nhận số tiền 2,1 tỷ đồng đền bù hơn 4.200 m2 đất, ông Phạm Văn Cư, ở ấp Suối Trầu 3, xã Bình Sơn, huyện Long Thành cho biết: "Tôi rất đồng tình với chủ trương xây dựng sân bay Long Thành của Nhà nước và mức áp giá đền bù, hỗ trợ cho diện tích đất của gia đình bị thu hồi. Sau khi nhận tiền, tôi sẽ gửi toàn bộ vào ngân hàng lấy lãi, chờ đến khi được bố trí lô đất tái định cư sẽ đóng tiền xây dựng hạ tầng, rồi vào làm nhà để sớm ổn định cuộc sống".
Việc xây dựng khu tái định cư để di dời người dân đến nơi ở mới cũng được khẩn trương thực hiện. Từ cuối tháng 4 vừa qua, UBND tỉnh Ðồng Nai đã khởi công năm gói thầu ưu tiên xây dựng hệ thống hạ tầng của khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, gồm tuyến thoát nước ngoài ranh khu tái định cư và bốn tuyến đường giao thông chính. Ðây là dự án thành phần thực hiện xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, sắp xếp vị trí ổn định tái định cư cho khoảng 28.500 người dân bị giải tỏa trắng để xây dựng sân bay Long Thành. Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Ðồng Nai Nguyễn Anh Tuấn, đại diện chủ đầu tư dự án cho biết: Từ ngày khởi công đến nay, các nhà thầu đã huy động tối đa nhân lực, máy móc thi công ba ca, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật để đạt tiến độ. Trong tháng 10 tới sẽ hoàn thành thi công năm gói thầu hạ tầng kỹ thuật. Các gói thầu xây dựng 12 phân khu và hệ thống điện, chiếu sáng, cấp nước của khu tái định cư sẽ hoàn thành trong tháng 12.
Sau khi thị sát, kiểm tra tiến độ GPMB thực hiện dự án sân bay Long Thành vào giữa tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu, trong tháng 10 tới, tỉnh Ðồng Nai phải hoàn thành GPMB khu vực ưu tiên hơn 1.800 ha và toàn bộ dự án vào năm 2021. Ðể đạt mục tiêu này, việc áp giá đền bù đối với toàn bộ diện tích đất thu hồi để phục vụ dự án sân bay Long Thành phải hoàn thành dứt điểm trong năm 2020. Ðây là thách thức rất lớn cho UBND tỉnh Ðồng Nai, vì khối lượng công việc còn rất ngổn ngang. Do đó, các cơ quan chức năng tỉnh Ðồng Nai, huyện Long Thành đang tranh thủ từng ngày, từng giờ, tập trung tối đa nguồn lực GPMB. Phó Chủ tịch UBND huyện Long Thành Lê Văn Tiếp cho hay: Dù đã được tăng cường 50 cán bộ từ các sở, ngành cho địa phương vào năm 2019 để thực hiện các khâu của công tác GPMB dự án, nhưng do khối lượng công việc quá lớn cho nên vừa qua huyện Long Thành kiến nghị và được UBND tỉnh điều động, tăng cường 40 cán bộ. "Ngay sau khi được bổ sung nhân sự trong tháng 8, chúng tôi đã tăng cường cho các tổ kiểm kê đất, tài sản trên đất của người dân trong vùng dự án. Qua đó, đẩy nhanh thời gian hoàn thành kiểm kê và có thêm thời gian giải quyết những vướng mắc trong quá trình kiểm kê, bảo đảm quyền lợi cho người dân có đất bị thu hồi", ông Lê Văn Tiếp nói.
Gỡ "nút thắt" giải phóng mặt bằng
Cùng với sân bay Long Thành, hàng loạt dự án giao thông trọng điểm đang được triển khai tại Ðồng Nai, như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, nút giao thông Dầu Giây, đường vành đai 3 nối TP Hồ Chí Minh với Ðồng Nai, Bình Dương,... Ðường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây là dự án thành phần của dự án đường cao tốc bắc - nam phía đông có chiều dài gần 100 km, trong đó đoạn qua tỉnh Ðồng Nai là hơn 51 km. Ðể thực hiện dự án, tỉnh Ðồng Nai phải thu hồi khoảng 412 ha đất. Phó Chi cục Quản lý đất đai Ðồng Nai Nguyễn Hồng Quế cho hay, hiện nay, công tác GPMB cho dự án này tại các huyện đã cơ bản hoàn thành. Riêng đối với huyện Xuân Lộc, còn 342 hộ dân và 10 tổ chức đã phê duyệt phương án bồi thường đất. Dự kiến, trong tháng 9 này khi hoàn thành chi trả tiền, Ðồng Nai sẽ bàn giao xong toàn bộ mặt bằng dự án cho chủ đầu tư khởi công.
Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng đánh giá, với các dự án giao thông quy mô rất lớn đang được triển khai trên địa bàn, Ðồng Nai hiện đang được xem như là một "đại công trường" các dự án giao thông trọng điểm của đất nước. Tỉnh xác định, những dự án này hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng trong việc giải quyết vấn đề kết nối giao thông giữa Ðồng Nai với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vốn là điểm nghẽn nhiều năm qua, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội.
Ðể đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, khâu GPMB là quan trọng nhất, cũng là vấn đề khó khăn phức tạp nhất. Vì thế, tại một số dự án, tỉnh Ðồng Nai huy động cả hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực để thực hiện, với mục tiêu bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, nhưng phải bảo đảm cuộc sống của người dân bị giải tỏa trắng, di dời đến nơi ở mới. Chỉ riêng dự án sân bay Long Thành, Ðồng Nai đã lập Ban Chỉ đạo GPMB do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, bốn phó chủ tịch làm phó ban; giám đốc các sở, ngành và Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Long Thành là thành viên. Hằng tháng, Ban Chỉ đạo tổ chức họp một lần để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện, đồng thời triển khai những công việc cần tập trung tháng kế tiếp. Ðịnh kỳ mỗi tuần, lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với các đơn vị liên quan để đôn đốc tiến độ triển khai công tác thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, xây dựng khu tái định cư và đào tạo nghề, định hướng cho người dân trong vùng dự án.
Thực tế, do vướng mắc trong khâu GPMB, một số dự án giao thông trọng điểm đã bị chậm tiến độ và đội vốn. Ðơn cử, dự án nút giao ngã tư Dầu Giây, nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở điểm giao nhau giữa quốc lộ 1 và quốc lộ 20 ở huyện Thống Nhất, đến nay đã chậm tiến độ hơn hai năm. Một trong những nguyên nhân chính là do chủ đầu tư chậm bố trí nguồn vốn chi trả cho các hộ dân nên quá trình GPMB kéo dài, khiến chi phí đền bù, hỗ trợ tăng lên hơn 5 lần, từ 22 tỷ đồng ban đầu lên đến 130 tỷ đồng. Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BT 20 - Cửu Long Hoàng Văn Mậu, dự án hiện gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, do đó, đơn vị phải cân đối vốn để chuyển toàn bộ kinh phí phục vụ GPMB đối với 18 hộ dân còn lại của dự án. Ðơn vị gần như không còn nguồn vốn để thi công. Mới đây, UBND tỉnh Ðồng Nai đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải làm việc với các đơn vị liên quan, bố trí nguồn vốn nhằm thi công hoàn thành dự án nút giao quan trọng này. Bởi lẽ, việc thi công dở dang khiến tình hình giao thông tại đây rất phức tạp, thường xuyên ùn tắc và xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông làm chết người, gây bức xúc cho người dân.
Ðể đẩy nhanh tiến độ dự án, giải ngân các nguồn vốn đúng kế hoạch, UBND tỉnh Ðồng Nai yêu cầu các sở, ngành, các địa phương tập trung dồn sức cho khâu GPMB. Tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo, thực hiện nội dung hồ sơ, thủ tục liên quan đến các dự án, định kỳ hằng tháng rà soát, tháo gỡ các vướng mắc và giám sát về tiến độ. UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã phải chuẩn bị tốt cho công tác xây dựng các khu tái định cư. Trường hợp các huyện khó khăn về nguồn vốn, tỉnh chủ trương cho ứng vốn trước để triển khai xây dựng các khu tái định cư.
"Chúng tôi sẽ kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công các dự án giải ngân thấp và xử lý nghiêm các chủ đầu tư, chủ dự án cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án giao thông trọng điểm", Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết. Tại nhiều cuộc làm việc về triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn, Bí thư Tỉnh ủy Ðồng Nai Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh, các dự án giao thông trọng điểm hoàn thành đúng tiến độ có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cho Ðồng Nai mà cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước. Do đó, cả hệ thống chính trị ở Ðồng Nai phải vào cuộc với quyết tâm cao nhất, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trung ương, chủ đầu tư, vận dụng linh hoạt các cơ chế trong đền bù, GPMB để đẩy nhanh tiến độ các dự án.