Nhức nhối, dai dẳng
Trong khi một số công trình xây dựng trái phép, không phép quy mô lớn ở TP Biên Hòa vẫn chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm, thì tại huyện Trảng Bom diễn ra vụ việc gần 500 căn nhà biệt thự, nhà liền kề xây chui, thuộc dự án khu dân cư Tân Thịnh do Công ty cổ phần Ðầu tư LDG làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô khoảng 18 ha, tổng vốn đầu tư hơn 268 tỷ đồng, với mục tiêu đầu tư xây dựng mới khu dân cư, hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh, đáp ứng nhu cầu định cư và sinh hoạt của người dân.
Sau khi được UBND tỉnh Ðồng Nai quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, cấp chủ trương đầu tư vào năm 2018, các đơn vị liên quan đã cấp giấy chứng nhận thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy, đánh giá tác động môi trường, đấu nối điện, nước đối với dự án khu dân cư nêu trên. Ngày 6-4-2020, Thủ tướng Chính phủ mới có Văn bản số 399/TTg-NN về việc cho chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện dự án khu dân cư Tân Thịnh. Tuy nhiên, thời điểm này, chủ đầu tư đã xây dựng gần như hoàn thiện phần thô 198 căn biệt thự, 290 căn liền kề. Ngoài ra, 192 căn nhà liền kề còn lại đã hoàn thành thi công phần móng. Ðây được ví như hành động "cầm đèn chạy trước ô-tô" của chủ đầu tư.
Trước những vi phạm nêu trên, các ngành liên quan của huyện Trảng Bom và tỉnh Ðồng Nai vào cuộc kiểm tra xác định, chủ đầu tư đã vi phạm chiếm đất để sử dụng trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Ngày 15-12-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính chủ đầu tư và buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được với tổng số hơn 6,3 tỷ đồng và khắc phục hậu quả trong vòng thời gian 60 ngày. Trước đó, Thanh tra Sở Xây dựng Ðồng Nai cũng đã xử phạt vi phạm hành chính số tiền 75 triệu đồng đối với chủ đầu tư do tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép. Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom Vũ Thị Minh Châu thừa nhận: "Ðể xảy ra công trình xây dựng gần 500 căn nhà không có giấy phép là sự yếu kém về chuyên môn, là sự tắc trách của một số tập thể, cá nhân liên quan trong kiểm tra, giám sát. Với tư cách người đứng đầu UBND huyện, tôi xin nhận trách nhiệm. Hiện nay, Huyện ủy, UBND huyện đang làm rõ trách nhiệm của từng phòng, ban, cá nhân liên quan để xử lý kỷ luật".
Trong khi dư luận chưa hết ngỡ ngàng trước vụ việc nêu trên, thì tại phường Bảo Vinh, TP Long Khánh, khu du lịch Thảo Thiện Garden, rộng khoảng 8 ha, với rất nhiều công trình quy mô lớn được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, diễn ra trong thời gian dài. Ðiều đáng nói, sau mỗi lần chính quyền cơ sở đình chỉ, xử phạt vi phạm hành chính, buộc chủ đầu tư khôi phục lại hiện trạng ban đầu, thì công trình lại tiếp tục xây quy mô lớn hơn. Ðại diện lãnh đạo UBND phường Bảo Vinh cho rằng, do việc xây dựng trái phép diễn ra trong thời gian dài, đầu tư quy mô lớn nên địa phương đã kiến nghị UBND thành phố Long Khánh, chỉ đạo cơ quan chuyên môn hỗ trợ xử lý các sai phạm. Trước thông tin về cả khu du lịch xây dựng trái phép, ngày 14-1, UBND thành phố Long Khánh có văn bản yêu cầu rà soát, củng cố hồ sơ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, kinh doanh dịch vụ tại các thửa đất ở khu du lịch nêu trên. Chủ tịch UBND thành phố Long Khánh Phạm Việt Phương cho biết: "Ở khu vực này, chủ đầu tư âm thầm xây dựng, chính quyền địa phương cũng đã phát hiện, lập biên bản xử phạt nhiều lần. Hiện nay, chúng tôi đang yêu cầu các bộ phận liên quan rà soát, kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm. Bởi lẽ, lâu nay trên địa bàn Long Khánh hầu như không phát hiện tình trạng xây dựng trái phép quy mô lớn như vậy".
Ngoài những công trình xây dựng trái phép, không phép quy mô lớn, thời gian qua tại nhiều địa phương của tỉnh Ðồng Nai diễn ra việc phân lô bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp rất phức tạp. Theo đại tá Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh Ðồng Nai, nhiều nơi tình trạng phân lô bán nền, xây dựng trái phép diễn ra tràn lan, mất kiểm soát, nếu không kiên quyết ngăn chặn, không chỉ phá vỡ quy hoạch mà còn tạo bong bóng bất động sản, cản trở các nhà đầu tư chân chính, do giá đất bị "thổi" lên quá cao. Một trong những thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là dùng công ty con, mua gom đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở những địa bàn đang "sốt" đất, không tiến hành các thủ tục pháp lý theo quy định, mà tự lập dự án trên giấy, tự ý phân lô, tách thửa, xây dựng hạ tầng. Sau đó, giao cho công ty môi giới bất động sản quảng cáo sai sự thật, rao bán dưới nhiều hình thức. Thậm chí, có tình trạng các đối tượng thành lập doanh nghiệp bất động sản, sau đó tập hợp các đối tượng cộm cán hoạt động theo kiểu xã hội đen, sử dụng hung khí và các thủ đoạn khác, gây sức ép với người dân hoặc ngay cả chính quyền cơ sở.
Quyết tâm chấn chỉnh
TP Biên Hòa, nơi được xem là điểm "nóng" phân lô bán nền, xây dựng trái phép những năm qua, ngay sau Ðại hội Ðảng bộ TP Biên Hòa, nhiệm kỳ 2020 - 2025, với quyết tâm chấn chỉnh tình hình, Thành ủy, UBND thành phố Biên Hòa đã đề ra và thực hiện hàng loạt các giải pháp, trong đó, có xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm và cán bộ liên quan để xảy ra xây dựng trái phép trên địa bàn mình quản lý. Tại phường An Hòa, sau khi phát hiện vụ hơn 35 căn nhà liền kề hai tầng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa đã quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức Chủ tịch UBND phường An Hòa đối với ông Phan Thanh Sắc.
Trong khi đó, ở một số phường diễn ra phân lô bán nền, xây dựng trái phép nhức nhối lâu nay, như: Trảng Dài, Tam Phước, Phước Tân, Tân Phong… lực lượng chức năng thành phố Biên Hòa và chính quyền cơ sở đã kiên quyết xử lý các công trình vi phạm, bằng hình thức cưỡng chế hàng chục trường hợp xây dựng trái phép và hạ tầng phân lô bán nền, bắt buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu. "Thành ủy Biên Hòa đã thành lập Ban Chỉ đạo xử lý về xây dựng trái phép do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy làm trưởng ban. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc xây dựng. Ðịa bàn nào để xảy ra sai phạm đầu tiên sẽ xử lý nghiêm cán bộ. Ðến nay, ở Biên Hòa, về cơ bản đã chặn được tình trạng xây dựng trái phép, phân lô bán nền", Bí thư Thành ủy Biên Hòa Võ Văn Chánh cho biết.
Ðồng chí Nguyễn Phú Cường, Ủy viên T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh Ðồng Nai yêu cầu, ngoài việc kiên quyết xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm, thì các cấp ủy, chính quyền ở các địa phương phải xử lý nghiêm cán bộ liên quan trong quản lý nhà nước về trật tự xây dựng. Riêng đối với một số vụ việc xây dựng trái phép quy mô lớn được báo chí phản ánh, dư luận quan tâm, các sở, ngành, chính quyền địa phương cần nhanh chóng làm rõ, xử lý nghiêm. "Ở đây, phải chi người dân xây lén lút một căn nhà ở vùng sâu, vùng xa, thì còn có thể chấp nhận được chuyện cán bộ liên quan không biết. Còn như vụ xây đến 500 căn nhà không phép tại huyện Trảng Bom, làm sao không biết được. Ðể xảy ra như vậy là không thể chấp nhận được", đồng chí Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh.
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai Cao Tiến Dũng thẳng thắn cho rằng: Cán bộ quản lý địa bàn hiện nay có một hệ thống chính trị từ ấp, xã, đến phòng, ban cấp huyện. Chúng ta lo kinh phí trả lương, phụ cấp đủ cả, nhưng khi diễn ra phân lô bán nền, xây dựng trái phép ở cơ sở, nhiều nơi không báo cáo, làm lơ, thậm chí tiếp tay cho những việc không đúng. Ðây là điều không thể chấp nhận được. Do vậy, hiện nay thực trạng như thế nào, phải xắn tay vào xử lý kiên quyết, rốt ráo theo quy định. Công trình nào trước đây đã có vi phạm phải xử lý từng bước. Ðối với những công trình mới mọc lên, những cán bộ mới phải hoàn toàn chịu trách nhiệm và xử lý bằng các hình thức kỷ luật. Trên toàn bộ diện tích bản đồ của một xã, phường hoặc khu vực được khoanh những chỗ có công trình đã vi phạm, bí thư, chủ tịch, cán bộ địa chính xây dựng ký xác nhận. Lãnh đạo UBND tỉnh nhấn mạnh: Chúng tôi đang chỉ đạo toàn bộ các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh phải thực hiện, nhất thiết quản lý về quy hoạch xây dựng cho thật tốt. Bởi lẽ, Nhà nước đã bỏ ra rất nhiều công sức, tiền của cho khâu lập quy hoạch vì sự phát triển chung, bài bản, lâu dài.