Động lực từ phát triển chuỗi đô thị vệ tinh ở Hà Nội

NDO -

Tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ triển khai theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia. Đây được kỳ vọng là động lực mới quan trọng cho phát triển kinh tế và đô thị Thủ đô giai đoạn hậu Covid-19.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)

Kỳ vọng về phát triển chuỗi đô thị vệ tinh ở Hà Nội

Theo Quyết định 1081/QĐ-TTg ngày 6-7-2011 phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, thành phố Hà Nội được định hướng trở thành một đô thị xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có bản sắc trên nền tảng phát triển bền vững, tiêu biểu cho cả nước, bảo đảm thực hiện chức năng là trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học, công nghệ, giao thương và kinh tế lớn của cả nước; bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tiêu biểu cho trí tuệ và truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam; thiết lập các cơ sở hàng đầu của đất nước về nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao; có hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, môi trường bền vững; bảo đảm vững chắc an ninh chính trị, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế của Thủ đô trong khu vực và quốc tế được nâng cao.

Đặc biệt, tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ triển khai theo mô hình chùm đô thị, bao gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, các thị trấn và vùng nông thôn, được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.

Đô thị trung tâm được phân cách với các đô thị vệ tinh, các thị trấn bằng hành lang xanh. Trong đô thị trung tâm có khu nội đô lịch sử (giới hạn từ phía nam sông Hồng đến đường vành đai 2), khu nội đô mở rộng (giới hạn từ đường vành đai 2 đến sông Nhuệ), khu vực mở rộng phía nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4), khu vực mở rộng phía bắc sông Hồng (đến nam sông Cà Lồ).

Tại đô thị trung tâm bố trí trụ sở, cơ quan Trung ương, cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể của quốc gia và thành phố, trụ sở các cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; các cơ sở thương mại, giao dịch, dịch vụ tài chính – ngân hàng – bảo hiểm – chứng khoán, các viện nghiên cứu đầu ngành; trụ sở chính của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn; các cơ sở đào tạo chất lượng cao với quy mô phù hợp.

Đô thị trung tâm được phát triển mở rộng từ khu vực nội đô về phía tây, nam đến đường vành đai 4 và về phía bắc đến khu vực Mê Linh, Đông Anh; phía đông đến Gia Lâm và Long Biên.

Việc hình thành và phát triển nhanh các đô thị vệ tinh (Đô thị Hòa Lạc, Đô thị Sơn Tây, Đô thị Xuân Mai, Đô thị Phú Xuyên và Đô thị Sóc Sơn) có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm các chức năng về đào tạo, công nghiệp, dịch vụ, nhà ở.

 Khu vực ngoại thành sẽ hình thành các vành đai cây xanh gắn với phát triển các công viên sinh thái quy mô lớn. Phát triển các vùng rau, hoa cây cảnh cao cấp, thực phẩm sạch. Nhân rộng các mô hình các khu nông nghiệp công nghệ cao đã và đang hình thành tại Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh. Hình thành các khu du lịch sinh thái quy mô lớn tại khu vực Ba Vì, Sóc Sơn, Hương Sơn – Quan Sơn.

Cùng với đề án xây dựng huyện lên quận của 5 địa phương: Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, sự hình thành và phát triển các đô thị vệ tinh ở Hà Nội được kỳ vọng với nhiều mục tiêu như tạo động lực mới cho phát triển kinh tế, giãn dân, liên kết vùng; tạo công cụ quản lý và kiểm soát phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn Thủ đô, phát huy tối đa tiềm năng thế mạnh tại mỗi vùng lãnh thổ gắn với các quy hoạch ngành, lĩnh vực; tạo động lực phát triển kinh tế xã hội khu vực đô thị phù hợp với chương trình phát triển đô thị quốc gia, khả năng huy động nguồn lực thực tế tại địa phương cho từng giai đoạn 5 năm.

Đặc biệt, sự phát triển chuỗi đô thị vệ tinh (với tổng diện tích đất đai gần bằng với diện tích của đô thị trung tâm) trên địa bàn Thủ đô sẽ tạo nền tảng để giãn được 1,4 triệu dân (chiếm 15% dân số của Thủ đô vào năm 2030) và có thêm 25.000ha đất đai phục vụ di dời các cơ sở công nghiệp, trường đại học trong nội đô, tạo thuận lợi để Hà Nội đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Theo Quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 2.500 – 2.600 nghìn tỷ đồng (tương đương khoảng 110-120 tỷ USD) thời kỳ 2016-2020; trong đó, vốn NSNN chỉ bảo đảm được khoảng 20%. Nói cách khác, sự phát triển cac đô thị vệ tinh đòi hỏi và cho phép tạo động lực phát triển mạnh mẽ từ lượng vốn lớn trong và ngoài NSNN. Đây được kỳ vọng là động lực mới quan trọng cho phát triển kinh tế và đô thị Thủ đô giai đoạn hậu Covid-19.

Những giải pháp cần có…

Tuy nhiên, Quy hoạch chung phát triển thủ đô Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, đến nay đã gần 10 năm nên cần rà soát lại, song cần tiếp tục duy trì và hoàn thiện quy hoạch đặc thù phát triển chùm đô thị vệ tinh.

Với tinh thần đó, một mặt, theo Quyết định số 6170/QĐ-UBND phê duyệt đề cương Chương trình phát triển đô thị toàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, Hà Nội đang chỉ đạo các đơn vị tập trung hoàn thiện phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch TP giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 trong toàn bộ địa giới hành chính thành phố Hà Nội, các đô thị theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích 3.344,6km2 (gồm: 1 đô thị trung tâm thành phố Hà Nội và 5 đô thị vệ tinh: Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai, Hòa Lạc; 3 đô thị sinh thái: Thị trấn Quốc Oai, thị trấn Phúc Thọ, thị trấn Chúc Sơn; 11 thị trấn huyện lỵ của các huyện); tiếp tục cụ thể hóa các chỉ tiêu phát triển đô thị, danh mục và lộ trình triển khai thực hiện Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ; ưu tiên triển khai lập 24 quy hoạch phân khu còn lại tại các đô thị vệ tinh, nhất là đô thị vệ tinh Hòa Lạc; quy hoạch các quận nội đô; quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống; hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh Xuân Mai và Phú Xuyên; trình Thủ tướng phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thủ đô theo Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ; đôn đốc xây dựng và ban hành 34 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc theo kế hoạch.

Trong 5 năm tới, Hà Nội cần tập trung các nguồn lực cho phát triển đô thị Hòa Lạc, vì ở đây đã có khu công nghệ cao, ĐHQG Hà Nội, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và nhiều khu đô thị lân cận đang phát triển. Đặc biệt, mới đây Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030, tỉ lệ 1/10.000. Đây là bản quy hoạch với quy mô lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Hà Nội, mà còn của cả nước.

Mặt khác, thành phố đã, đang và sẽ cần nỗ lực liên tục xây dựng và triển khai hàng loạt giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư, quan tâm cung cấp các thông tin liên quan, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng; hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và giữa các đô thị vệ tinh với nhau và với các khu vực dân cư xung quanh; đặc biệt, TP Hà Nội cần chủ động hoàn thiện các cơ chế khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ đầu tư cần thiết vào các đô thị vệ tinh trên địa bàn thủ đô; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đẩy mạnh thu hút đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế vốn có và phát huy tác động thu hút và lan tỏa của khu này trong quá trình định hình quy mô và tầm vóc đô thị Hòa Lạc tương lai.

Trung tâm xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch, sở KH-ĐT, sở Kiến trúc của thành phố cần được coi là đơn vị chủ công trong xây dựng và triển khai các cuộc diễn đàn và hoạt động kết nối, thu hút dòng vốn từ nước ngoài này cho phát triển các đô thị vệ tinh ở Hà Nội. Đối tượng hướng đến các nhà đầu tư trên cả nước và là cộng đồng người Việt ở châu Âu, Mỹ và Australia…

Với quan điểm coi vốn đầu tư xã hội là quyết định, doanh nghiệp và dân doanh là chủ thể và được tạo mọi điều kiện để phát triển, lắng nghe và đồng hành cùng doanh nghiệp, UBND thành phố cần liên tục quyết liệt chỉ đạo các quận, huyện, Ban quản lý KCN và các Sở, ngành chức năng liên quan cụ thể hóa các nội dung và nghiêm túc Kế hoạch 101/KH-UBND năm 2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của thành phố Hà Nội theo tinh thần Nghị quyết 19/2016 Chính phủ và Nghị quyết 35/2016 về vấn đề cải thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và của từng địa phương; Đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử ở trong tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước; Nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho công chức Nhà nước ở các cấp liên quan.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai nghiêm túc và hiệu quả Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND về việc Quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố (16 lĩnh vực gồm: Đường bộ; chiếu sáng công cộng; công viên, vườn hoa, cây xanh; thoát nước đô thị; xử lý nước thải; vệ sinh môi trường; bến, bãi đỗ xe, vận tải hành khách; cấp nước sạch; thủy lợi; đê điều; lâm nghiệp; thông tin truyền thông; giáo dục đào tạo, dạy nghề; văn hóa - thể thao, du lịch; y tế; nghĩa trang, tang lễ);

Đồng thời, để Hà Nội thực hiện vai trò là động lực, đầu tàu lôi kéo sự phát triển với vai trò là Chủ tịch Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Hà Nội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ KH-ĐT tham mưu, báo cáo Chính phủ xây dựng nghị định quy định cơ chế phối hợp giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, bảo đảm tập trung ưu tiên đầu tư các lĩnh vực: hệ thống hạ tầng giao thông mang tính kết nối với các tỉnh (các tuyến đường vành đai 4, 5, đường Hồ Chí Minh đoạn Phú Thọ - Chợ Bến); phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; y tế chuyên sâu, phòng chống dịch bệnh; bảo vệ môi trường; an ninh nguồn nước; du lịch văn hóa; bảo đảm trật tự an toàn xã hội… chung cho toàn vùng và mỗi địa phương.