Trong hai ngày 23-24/11/2023 tại Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân (NEU) tổ chức Hội thảo quốc tế về các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh lần thứ 6 (CIEMB).
Tham gia hội thảo có các học giả, nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, giảng viên đến từ Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới như Australia, Cộng hoà Séc, Canada, Pháp, Hungary, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Nam Phi, Vương quốc Anh.
CIEMB là một diễn đàn để các học giả quốc tế trình bày và trao đổi những nghiên cứu của mình về các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản lý, kinh doanh cũng như tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững ở quy mô toàn cầu.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, hội thảo lần này có hơn 80 bài báo được lựa chọn để trình bày trong 22 phiên thảo luận liên quan đến các lĩnh vực kế toán, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh, kinh tế phát triển, kinh tế vĩ mô, marketing, khoa học-công nghệ và kinh tế vi mô.
“Hằng năm, chuỗi các chương trình hội thảo và hội nghị quốc tế của Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã thu hút các học giả, nhà nghiên cứu và nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới. Những chương trình này đã đặt nền móng vững chắc để phát triển sự hợp tác toàn diện, tạo ra nhiều giá trị về nghiên cứu và ứng dụng trong chính sách.
"Chúng tôi tin vào khả năng của hoạt động nghiên cứu khoa học trong việc đồng thời phát triển chức năng đào tạo của nhà trường và tìm ra những giải pháp thiết thực cho những thách thức trên thế giới”, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương nói.
Với bài diễn thuyết có chủ đề Sự mong manh của tài chính sau đại dịch Covid-19: Bài học từ các nền kinh tế phát triển, Giáo sư Roman Matousek đến từ Đại học Queen Mary (Vương quốc Anh) chia sẻ: Sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các thị trường mới nổi như Việt Nam cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn.
Trên thế giới, nhiều dấu hiệu suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP của các quốc gia, dẫn đến thâm hụt tài chính, áp lực lạm phát và gia tăng lãi suất.
Khi nhà điều hành liên tục tăng lãi suất, lạm phát vẫn neo cao, có thể gây ảnh hưởng đến nợ công quốc gia và tình hình vay/trả nợ của các doanh nghiệp, từ đó dẫn đến tình trạng gia tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến lĩnh vực ngân hàng.
Thảo luận về động lực tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay, nhiều ý kiến nhận định kinh tế số đã và đang tác động rất mạnh mẽ đến tăng cường năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế.
Giáo sư, Tiến sĩ Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý Khoa học (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, hiện nay, kinh tế số là một trong những động lực tăng trưởng rất quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt là khi các động lực tăng trưởng truyền thống trước đây đang dần cạn kiệt.
Năm 2024, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh tế số và các giải pháp tập trung tăng tổng cầu, Việt Nam cần tập trung vào các chính sách trọng cung như cải thiện về mặt thể chế, pháp lý; tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất cho các thành phần kinh tế.
Trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân đang suy giảm, Chính phủ cần có các giải pháp hỗ trợ giúp doanh nghiệp tư nhân phục hồi và phát triển.