Động lực mới từ công tác trường chính trị toàn quốc

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu và các học viên tại lễ khai giảng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh năm học 2024-2025. (Ảnh TTXVN)
Các đại biểu và các học viên tại lễ khai giảng của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh năm học 2024-2025. (Ảnh TTXVN)

Ngày 19/5/2021, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Quy định số 11-QĐ/TW về trường chính trị chuẩn. Năm 2024, xây dựng trường chính trị chuẩn tiếp tục được xác định là nhiệm vụ đột phá, thực hiện đồng bộ, sâu rộng. Hệ thống trường chính trị toàn quốc đã chuyển mình mạnh mẽ, với tinh thần mới, khí thế mới, tạo ra những động lực mới cho sự phát triển toàn diện các mặt công tác…

Đồng bộ, đổi mới trong lãnh đạo, triển khai tạo đột phá

Năm 2024, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục cùng các tỉnh ủy, thành ủy, các trường chính trị cấp tỉnh trên cả nước đẩy mạnh hoàn thiện các tiêu chí chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn (Quy định 11-QĐ/TW).

Cả nước hiện có hơn 400 tiến sĩ và nghiên cứu sinh (trước khi có Quy định 11-QĐ/TW cả nước chỉ có hơn 50 tiến sĩ, nghiên cứu sinh); hơn 2.000 cán bộ, giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Năm 2024, các trường chính trị đã tổ chức tổng số 2.852 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 213.267 học viên; mở mới 592 lớp với 34.334 học viên đào tạo trung cấp lý luận chính trị.

Theo đó, lĩnh vực công tác này luôn được Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện đặc biệt quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời. Sự phối hợp giữa Học viện với các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương trong triển khai các hoạt động liên quan đến công tác trường chính trị được tăng cường.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhìn nhận, năm 2024 xây dựng trường chính trị chuẩn tiếp tục được xác định là nhiệm vụ đột phá, thực hiện đồng bộ, sâu rộng, mạnh mẽ. Các tỉnh ủy, thành ủy đều xác định triển khai thực hiện Quy định 11-QĐ/TW là trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của địa phương với những động lực, kết quả nổi bật.

Với phương châm “thống nhất quản lý hệ thống”; đẩy mạnh “đồng hành, hỗ trợ”; Học viện ban hành nhiều quy định, văn bản hướng dẫn chuyên môn đối với các trường chính trị, trường bộ, ngành. Học viện cũng đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn cho các trường trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ.

Một năm qua, ghi dấu ấn, bước tiến mới của Học viện trong tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, công nhận trường chính trị chuẩn và cụ thể hóa một số nội dung của Quy định 11-QĐ/TW. Học viện đã triển khai những giải pháp mới bảo đảm công tác xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị; tạo bước chuyển biến cơ bản về kỷ cương, nền nếp trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn của các trường bảo đảm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ...

Xác định yếu tố “then chốt của then chốt”, Học viện đã khẳng định vai trò nòng cốt trong nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường chính trị. Đây cũng luôn là vấn đề mà các tỉnh ủy, thành ủy đặc biệt quan tâm và có nhiều giải pháp để nâng cao cả về số lượng và chất lượng đội ngũ.

Thực tế ghi nhận, hầu hết các tỉnh đều quan tâm, hỗ trợ để giảng viên học tập nâng cao trình độ. Cả nước hiện có hơn 400 tiến sĩ và nghiên cứu sinh (trước khi có Quy định 11-QĐ/TW cả nước chỉ có hơn 50 tiến sĩ, nghiên cứu sinh); hơn 2.000 cán bộ, giảng viên có trình độ cao cấp lý luận chính trị. Năm 2024, các trường chính trị đã tổ chức tổng số 2.852 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 213.267 học viên; mở mới 592 lớp với 34.334 học viên đào tạo trung cấp lý luận chính trị.

Học viện và các trường chính trị trên toàn quốc đã hướng mạnh thực hiện đổi mới nội dung chương trình, tăng cường các lớp bồi dưỡng (trong nước và ngoài nước) nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học thực tiễn công tác lãnh đạo, quản lý.

Về công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, một năm qua cho thấy đã có hàng trăm đề tài, hội thảo cấp tỉnh, cấp bộ. Đáng chú ý, những nghiên cứu này đều bắt đầu từ thực tiễn, từ yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; nhiệm vụ của các địa phương.

Với sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, hệ thống trường chính trị được tập trung đầu tư mới, nâng cấp cơ sở vật chất ngày càng khang trang, giàu bản sắc văn hóa trường Đảng.

Với sự tập trung đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ hiện toàn quốc đã có 21 trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn mức 1, riêng năm 2024, có 12 trường. Học viện đi vào tổng kết 10 mô hình, điển hình của các trường chính trị, với những bài học, kinh nghiệm quý có thể áp dụng vào các trường trong khu vực và hệ thống.

Bài học cùng những yêu cầu, thách thức đặt ra

Qua các diễn đàn, hội nghị tổng kết từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các địa phương, các nhà trường toàn quốc đã rút ra những bài học quan trọng trong lĩnh vực công tác này: Thứ nhất, đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Ban Thường vụ, của Thường trực các tỉnh ủy, thành ủy. Nơi nào, địa phương nào có sự quan tâm chỉ đạo thì nơi đó triển khai Quy định 11-QĐ/TW có hiệu quả; Thứ hai, là sự phối hợp, ủng hộ, tạo điều kiện của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, sự kết nối của các trường Chính trị; Thứ ba, Học viện phát huy vai trò chỉ đạo, quản lý, hướng dẫn chuyên môn đối với các trường theo phương châm “tăng cường quản lý, kết nối hệ thống”; luôn bám sát mục tiêu đổi mới toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn của các trường chính trị, đồng thời quán triệt phương châm “thực chất, khách quan, không hình thức, chú trọng chất lượng” trong triển khai xây dựng trường chính trị chuẩn để có đóng góp quan trọng, hiệu quả vào xây dựng đội ngũ cán bộ cũng như hoạch định chính sách phát triển của địa phương.

Tuy nhiên, trong công tác trường chính trị hệ thống chương trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng chưa đầy đủ, đồng bộ, còn thiếu một số chương trình bồi dưỡng chức danh. Công tác phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn về cơ chế tài chính cho các trường chính trị chưa kịp thời. Đội ngũ giảng viên một số trường còn thiếu, chất lượng giảng viên trẻ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…

Thực tế đang đặt ra yêu cầu tiếp tục đổi mới, đồng bộ, toàn diện công tác trường chính trị, đáp ứng yêu cầu chuẩn hóa. Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các trường.

Theo đó, mục tiêu, phương châm là: Thúc đẩy xây dựng trường chính trị chuẩn theo Quy định 11-QĐ/TW là đột phá; nghiên cứu đổi mới chương trình, giáo trình là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên trường chính trị đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên; tăng cường phối hợp, kết nối giữa Học viện với các cơ quan Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy là yếu tố quyết định tạo sự chuyển biến toàn diện, đồng bộ công tác trường chính trị.

Đây cũng chính là quá trình được GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chỉ rõ: Tập trung phát huy vai trò nòng cốt của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trong quản lý, hướng dẫn chuyên môn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường chính trị. Các tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, ưu tiên nguồn lực chuẩn hóa trường chính trị, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.