Động lực kinh tế từ chuyển đổi số

NDO - Ngày 26/12, tại Hà Nội, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo khoa học cấp Học viện với chủ đề “Chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam”.
0:00 / 0:00
0:00
PGS,TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, phát biểu đề dẫn hội thảo.
PGS,TS Nguyễn Mạnh Thiều, Phó Giám đốc Học viện Tài chính, phát biểu đề dẫn hội thảo.

Hơn 70 tham luận và phát biểu trực tiếp tại hội thảo của các nhà lãnh đạo, chuyên gia, nhà giáo trong và ngoài Học viện đều mang hàm lượng khoa học cao, thể hiện tính đa dạng trong cách tiếp cận vấn đề số hoá nền kinh tế.

Nhiều ý kiến đã tập trung nhấn mạnh và làm rõ sự cần thiết, xu hướng chuyển đổi số và khai thác động lực từ chuyển đổi số trong các doanh nghiệp và các lĩnh vực ngân hàng, thương mại, logistic, giáo dục, y tế… của Việt Nam; nêu bật kinh nghiệm quốc tế trong chuyển đổi số; đặc biệt, gợi ý nhiều giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số ở Việt Nam nhằm đạt mục tiêu đã được đề ra trong “Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-Ttg ngày 3/6/2020.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2025, tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận hỗ trợ kỹ thuật như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp.

Hội thảo thống nhất cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số đã, đang và sẽ tiếp tục trở thành một xu thế tất yếu đối với tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây là một quá trình mang tính mở và toàn diện, tác động đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Chuyển đổi số không chỉ tạo ra những đột phá trong cách thức hoạt động, sản xuất kinh doanh, góp phần tăng năng suất, giảm chi phí cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, mà còn làm thay đổi tư duy, phong cách làm việc cũng như mở ra nhiều cơ hội tốt hơn cho mọi đối tượng trong xã hội.

Với sự quyết tâm cao của Chính phủ cũng như các ban, ngành, đến nay, chuyển đổi số đang hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế,…

Trong lĩnh vực kinh tế, nhiều doanh nghiệp đã số hóa thành công cả vào sản xuất, kinh doanh, quản trị, marketing, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, mở rộng thị trường và hiệu quả hoạt động.

Chuyển đổi số đã giúp Chính phủ nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, giảm chi phí, tăng sự minh bạch, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Nhiều dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai, giúp người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, thuận tiện.

Chuyển đổi số đang và sẽ góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu công nghệ mới là động lực và giải pháp hàng đầu để Việt Nam hiện thực hóa khát vọng hùng cường, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu của Đại hội Đảng XIII đề ra.