Đồng lòng vì thành phố sạch, xanh, thân thiện môi trường

Cùng chung tay, góp sức triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, nhiều sáng kiến, giải pháp khoa học, huy động sức mạnh tập thể đã được đề xuất nhằm mang lại không gian sạch, xanh, thân thiện cho thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Lãnh đạo và thanh niên thành phố vớt rác bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo và thanh niên thành phố vớt rác bảo vệ môi trường.

Đây cũng là một trong các giải pháp nhằm đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 19/CT-TU của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”.

Tại quận Phú Nhuận, để “xanh hóa” môi trường sống các không gian công cộng, Công ty Dịch vụ công ích quận Phú Nhuận phối hợp Ủy ban nhân dân các phường trồng hơn 25 nghìn cây xanh, thường xuyên duy trì chế độ tổng vệ sinh hành lang đường sắt; tổ chức nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, xây dựng văn minh đô thị.

Qua thời gian thực hiện, đến nay đã có 41 hẻm đạt tiêu chí văn minh, sạch, đẹp, an toàn và 39 khu phố không có điểm tồn đọng rác. Sau mỗi đợt ra quân, số lượng cây xanh trồng mới tại các khuôn viên công cộng lại tăng thêm để thay thế dần các bãi rác tự phát. Ngoài ra, qua nhóm zalo, các đơn vị cũng ghi nhận 300 hình ảnh chưa đẹp về môi trường; tiếp nhận và xử lý 798 tin phản ánh, kiến nghị của người dân.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Phú Nhuận Huỳnh Đăng Linh cho biết: Thiết thực triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường, các cơ quan, đơn vị, tổ chức trên địa bàn đã đề ra nhiều mô hình hiệu quả như biến các tụ điểm rác thành những bồn hoa trong các khu dân cư; mô hình sử dụng vật liệu tái chế thành giỏ hoa, bồn hoa treo tường… Từ đó, người dân đã nâng cao ý thức hơn về giữ gìn, bảo vệ môi trường và cảnh quan đô thị.

Trong công tác bảo vệ môi trường, các tổ chức tôn giáo cũng đã có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả. Theo Thượng tọa Thích Nhuận Hạnh, Phó Chánh Văn phòng Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua, các tổ chức tôn giáo đã tham gia tích cực vào các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu thông qua nhiều hoạt động cụ thể của từng tôn giáo; vận động các chức sắc, tín đồ cam kết tham gia bảo vệ môi trường, trồng cây xanh, không sử dụng vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại.

Thượng tọa Thích Nhuận Hạnh nêu giải pháp: “Để giúp thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp, chống ngập nước, Giáo hội Phật giáo thành phố tuyên truyền cho tất cả các tự viện, cơ sở Phật giáo trồng thêm cây xanh, phân loại rác tại nguồn... Phần lớn tín đồ được các chức sắc Phật giáo tuyên truyền, hướng dẫn thì Phật tử cũng làm theo. Mô hình đổi rác lấy gạo là một trong các mô hình hay khi các Phật tử thu gom rác lại, tập trung một nơi, để mọi người có ý thức không xả rác bừa bãi”.

Từ năm 2021 đến nay, thành phố đã rà soát, ghi nhận phát sinh 568 điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải; trong đó, các đơn vị, địa phương đã giải tỏa 505 điểm, đạt tỷ lệ 98%, chuyển hóa được 198 điểm thành các công viên, vườn hoa, sân chơi thể thao…

Từ khi triển khai cuộc vận động theo Chỉ thị 19 đến nay, tổng số phương tiện thu gom rác thải của thành phố là 7.534 phương tiện, trong đó 4.191 phương tiện đạt chuẩn. Đã từng bước thay đổi hành vi, thói quen của người dân trong bảo vệ môi trường, tỷ lệ hộ dân tham gia phân loại chất thải rắn tại nguồn ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, tình trạng vứt rác bừa bãi, đổ trộm rác, nhất là rác thải công nghiệp vẫn diễn ra rất phức tạp, gây bức xúc dư luận.

Đánh giá về các giải pháp, ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Ngoài các khung chính sách quy định, các cơ quan chức năng cần có quy định, xử phạt nghiêm khắc để ngăn ngừa nạn đổ trộm rác. Thực hiện được vấn đề này, các địa phương, các ban, ngành mới có thể yên tâm thực hiện vận động quần chúng phân loại rác. Trong hoạt động này, vai trò của cộng đồng rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Trần Kim Yến cho rằng: Cuộc vận động người dân không xả rác ra đường không chỉ xây dựng nét văn hóa, văn minh trong cộng đồng dân cư mà hiệu quả đạt được của hoạt động này sẽ trực tiếp góp phần xây dựng hình ảnh thành phố xanh, sạch, thân thiện với môi trường. Để cùng thực hiện mục tiêu đó, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục nêu gương, huy động được các tầng lớp nhân dân, các giới ở các vị trí khác nhau tham gia.

Các cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác đối thoại, tuyên truyền và vận động nhân dân, người lao động, tổ chức, doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường tại địa phương cơ quan, đơn vị với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Tổ chức truyền thông, giáo dục trong giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên về ý thức bảo vệ môi trường thông qua các hành động thiết thực như: trường học xanh, không xả rác thải bừa bãi; tăng cường công tác tuyên truyền đến cộng đồng về ý thức giữ gìn vệ sinh chung nơi công cộng.

Các đơn vị duy trì việc tiếp nhận, xử lý ý kiến, phản ánh của người dân về tình trạng xả rác ra đường, kênh rạch, các điểm gây ô nhiễm môi trường; tăng cường sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera giám sát để xử lý hành vi vi phạm vệ sinh môi trường (trực tiếp hoặc gián tiếp) từ nhắc nhở đến xử lý bằng hình thức phạt tiền thông qua hình ảnh ghi nhận được.

Qua công tác giám sát, kiểm tra, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố cũng đề nghị Mặt trận các cấp thường xuyên rà soát, giải quyết các điểm ô nhiễm do tồn đọng rác thải và duy trì chất lượng vệ sinh tại các khu vực đã cải tạo; không để phát sinh điểm ô nhiễm mới; kịp thời báo cáo, làm việc với các cơ quan chịu trách nhiệm chính để tái ô nhiễm ■