Đồng hành vượt qua khó khăn

Những khó khăn chung của tình hình thế giới và trong nước thời gian qua đã ảnh hưởng xấu đến kinh tế tỉnh Bắc Ninh. Do phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài cho nên tăng trưởng của địa phương có xu hướng giảm từ quý IV/2022, tiếp đà giảm mạnh vào quý I và giảm sâu hơn trong quý II/2023. Bắc Ninh đã và đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, cùng chia sẻ khó khăn và cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân và người lao động.
0:00 / 0:00
0:00
Một cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Bắc Ninh phục hồi nhờ được giảm thuế và lãi suất.
Một cơ sở sản xuất, kinh doanh ở Bắc Ninh phục hồi nhờ được giảm thuế và lãi suất.

Yếu tố tác động chủ yếu đến suy giảm tăng trưởng của Bắc Ninh là khu vực công nghiệp. Nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, thiếu hụt nguồn cung nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng cao… Về giải pháp, bên cạnh nỗ lực của từng doanh nghiệp trong tìm kiếm thị trường, tiết giảm chi phí và nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thì các biện pháp hỗ trợ về thuế và điều hành lãi suất của nhà nước có vai trò rất quan trọng.

Đồng hành doanh nghiệp vượt khó

Công ty TNHH Trí Ðức (thị xã Thuận Thành) là đơn vị chuyên sản xuất sản phẩm may mặc xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. Tác động của đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine khiến doanh nghiệp mất đi rất nhiều đơn hàng, kéo theo đó là sụt giảm doanh thu, thu nhập của người lao động cũng bị ảnh hưởng. Giám đốc Công ty Ðỗ Huy Trung cho biết: Trong lúc này, nguồn vốn có ý nghĩa sống còn với các doanh nghiệp. Trí Ðức được phía ngân hàng cho vay gần 10 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi, giúp bảo đảm vốn đầu tư để phục hồi sản xuất.

Thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, thời gian qua, ngành ngân hàng Bắc Ninh tích cực đồng hành doanh nghiệp và người dân; kịp thời thực hiện các đợt điều chỉnh giảm lãi suất; gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31/2022/NÐ-CP của Chính phủ và gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội; tiếp tục tham gia và thực hiện hiệu quả chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp…

Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Thạc Quảng, nửa đầu năm 2023, tổng nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 205.000 tỷ đồng. Từ đó, đầu tư tín dụng cho phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ 152.200 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, số dư nợ được hỗ trợ lãi suất là gần 3.000 tỷ đồng.

Cùng với lãi suất ngân hàng, việc điều chỉnh các chính sách về thuế cũng có ý nghĩa rất lớn đối với sự phục hồi sản xuất, kinh doanh. Quyết định số 01/2023/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã giúp ích rất lớn cho các thành phần kinh tế. Ngay khi quyết định được ban hành, Cục Thuế Bắc Ninh đã triển khai, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có 650 đơn vị được thụ hưởng, với số tiền giảm khoảng 65 tỷ đồng.

Chị Nguyễn Thị Bình, Công ty cổ phần Anh Tuấn (thành phố Bắc Ninh) cho biết: Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cho thuê nhà, văn phòng, mua bán, sửa chữa ô-tô… Trung bình mỗi năm phải chi trả gần 1,8 tỷ đồng tiền thuê đất. Vì vậy, khi có chính sách giảm 30%, đơn vị đã nhanh chóng hoàn thiện thủ tục để thụ hưởng chính sách hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.

Từ ngày 1/7/2023, Nghị định số 44/2023/NÐ-CP của Chính phủ quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng chính thức có hiệu lực, giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ một số nhóm hàng hóa và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế Bắc Ninh Nguyễn Hữu Trường: Tỉnh có hơn 10 nghìn đối tượng được hưởng lợi từ Nghị định 44, với số tiền giảm khoảng 400 tỷ đồng.

Bảo đảm công tác an sinh xã hội

Kinh tế suy thoái, lao động thiếu việc làm, thu nhập giảm khiến cuộc sống của nhiều người khó khăn hơn. Bởi vậy, cùng với các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh, doanh, tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ đạo, tích cực quan tâm, chăm lo công tác an sinh xã hội. Những trường hợp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi suy giảm kinh tế được ưu tiên trước.

Anh Trần Văn Hùng ở khu Ða Cấu (phường Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh) đã kinh doanh phòng trọ công nhân 8 năm nay. Gia đình có gần 30 phòng thì một nửa đang bỏ trống. Do nguồn đầu tư xây nhà trọ đã được hoàn vốn cho nên anh Hùng không áp lực như nhiều chủ trọ khác. Bởi vậy, trong lúc này, chia sẻ khó khăn với người lao động, giá phòng được anh giảm gần một nửa so với trước đây.

Chị Phạm Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Khu công nghiệp Quế Võ) chia sẻ: Tại nhà máy ở Bắc Ninh, doanh nghiệp có hơn 20 nghìn lao động. Tuy nhiên từ đầu năm đến nay, phần lớn không có tăng ca, thu nhập giảm 30% và hai nghìn lao động phải nghỉ việc. Công đoàn công ty đã động viên người lao động cùng đồng hành, chia sẻ để vượt qua thời điểm khó khăn này.

Theo tổng hợp của các cơ quan chuyên môn, sáu tháng đầu năm 2023, tổng số lao động trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh giảm 13 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. Còn số bị thiếu việc làm và ảnh hưởng thu nhập đã lên tới hàng chục nghìn lao động. Thời gian qua, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, chủ nhà trọ,… tổ chức nhiều hoạt động quan tâm, chăm lo, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho công nhân.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Thị Vân Hà cho biết: Công đoàn các cấp đã tăng cường đàm phán, thương lượng với chủ sử dụng lao động điều chỉnh kế hoạch, duy trì việc làm cho công nhân; trong đó, ưu tiên những trường hợp là phụ nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn, lao động ngoài tỉnh,… đồng thời tăng cường giám sát, ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc thiếu đơn hàng để sa thải người lao động lớn tuổi, đối tượng đặc thù...

Sự chung sức, sẻ chia, cộng đồng trách nhiệm là yếu tố quan trọng để Bắc Ninh từng bước ổn định, vượt qua suy thoái kinh tế. Trong tháng 7, các chỉ số của địa phương đều khởi sắc so với các tháng trước đó. Cụ thể, sản xuất công nghiệp đạt mức tăng rất cao (+23,84%). Ngành chủ lực là điện tử, máy vi tính và quang học tăng 28,69%; vốn đầu tư tăng 11,6%; kim ngạch xuất khẩu tăng 31,3%, nhập khẩu tăng 8,8%,… Ðây là tín hiệu tích cực để địa phương dần lấy lại đà tăng trưởng, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển bền vững.