Kỷ niệm 63 năm Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2024)

Đồng hành trên con đường nhân ái, xoa dịu nỗi đau da cam

Trong những ngày này, các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội đang có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thiết thực kỷ niệm 63 năm Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2024) và hưởng ứng Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam.
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tặng quà nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hà Nam. (Ảnh ÐÌNH TRỌNG)
Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tặng quà nạn nhân chất độc da cam tỉnh Hà Nam. (Ảnh ÐÌNH TRỌNG)

Những hoạt động nêu trên thêm một lần nhắc nhở chúng ta không bao giờ quên cuộc chiến tranh hóa học vô cùng tàn khốc do Mỹ gây ra đối với môi trường và sức khỏe người Việt Nam; từ đó làm tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, tiếp thêm cho họ khát vọng và ý chí vươn lên trong cuộc sống.

Đã 63 năm kể từ ngày 10/8/1961 - ngày chiếc máy bay đầu tiên của không lực Mỹ bắt đầu phun rải chất độc, mở màn cho cuộc chiến tranh hóa học kéo dài suốt 10 năm ở miền nam Việt Nam; nhưng đến nay, những mất mát, đau thương do thảm họa da cam/dioxin để lại vẫn vô cùng nặng nề, đè nặng lên cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam và gia đình họ.

Hàng trăm nghìn nạn nhân đã và đang sống trong hoàn cảnh rất khó khăn, thiếu thốn về kinh tế, đau đớn tột cùng về thể xác và tinh thần. Hơn thế, chất độc da cam/dioxin còn gieo hệ lụy buồn đau xuyên thế hệ, dai dẳng và nhức nhối trong các gia đình nạn nhân, không biết bao giờ mới ngừng rỉ máu... Ký ức đau thương đó không thể nào quên đối với nhân dân Việt Nam và cả nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.

Tháng 1/2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam được thành lập; Ðảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã quyết định lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày kỷ niệm thảm họa da cam ở Việt Nam - Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam.

Năm 2009, Hội đồng Hòa bình thế giới cũng đã ra nghị quyết lấy ngày 10/8 hằng năm là Ngày quốc tế đoàn kết với nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Từ đó, nhiều văn bản chỉ đạo có ý nghĩa chính trị-xã hội mang tính nhân văn sâu sắc, liên quan đến giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã được Ðảng, Nhà nước ban hành, trở thành cẩm nang định hướng cho hoạt động của các cấp hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Ðó là Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về "Tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam"; Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về "Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng"; Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); Quyết định số 2215/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (giai đoạn 2021-2030); Nghị định số 131/2021/NÐ-CP của Chính phủ về thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng…

Những văn bản quan trọng nêu trên đã và đang đi vào cuộc sống một cách sinh động, thấm nhuần đạo lý Uống nước nhớ nguồn, Ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc ta.

Phong trào "Hành động vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam", do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động từ tháng 6/2011 và Phong trào thi đua "Vì nạn nhân chất độc da cam", do Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam khởi xướng từ tháng 2/2007 đến nay đã được các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế ủng hộ, đồng hành, kề vai sát cánh trên hành trình nhân ái, xoa dịu nỗi đau da cam.

Với phương châm ở đâu có nạn nhân, ở đó có tổ chức hội và quyết tâm không để nạn nhân chất độc da cam bị bỏ lại phía sau, các cấp hội đã tích cực phát triển mạng lưới tổ chức với hàng nghìn chi hội thôn, ấp, tổ dân phố, tham gia tích cực và hiệu quả vào công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nạn nhân chất độc da cam.

Công tác vận động nguồn lực xã hội, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân đạt kết quả đáng ghi nhận. Từ khi thành lập (tháng 1/2004) đến tháng 11/2023, toàn Hội đã vận động được hơn 4.230 tỷ đồng (gồm tiền và hiện vật); riêng sáu tháng đầu năm 2024, đã vận động được hơn 348 tỷ đồng…; đã có hàng triệu lượt nạn nhân chất độc da cam được thụ hưởng thông qua các hình thức chăm sóc, giúp đỡ thiết thực và hiệu quả để nạn nhân và gia đình họ có thêm động lực, vượt qua khó khăn.

Mặc dù vậy, các chính sách xã hội vẫn chưa thể bù đắp được những mất mát mà nạn nhân chất độc da cam phải chịu đựng. Vẫn còn nhiều nạn nhân đang gặp khó khăn và phải đấu tranh với bệnh tật mỗi ngày. Vì thế, chúng ta luôn cần có những hành động thiết thực để cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, giúp họ thắp lửa niềm tin, vơi bớt khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng. Với tinh thần đó, thời gian tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền thực hiện tốt chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nạn nhân chất độc da cam. Ðổi mới công tác tuyên truyền để nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn thảm họa da cam ở Việt Nam, từ đó tích cực hưởng ứng phong trào "Hành động vì nạn nhân chất độc da cam" bằng nhiều việc làm cụ thể.

Hai là, tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất giải quyết chế độ, chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin; bảo đảm mọi chế độ, chính sách của Ðảng và Nhà nước đến đúng đối tượng được thụ hưởng.

Ba là, nâng cao hiệu quả công tác vận động nguồn lực, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân, giúp gia đình họ có mức sống ngang bằng mức sống trung bình tại địa phương, không để gia đình nạn nhân tái nghèo, ở nhà tạm, nhà dột nát. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm vận động nguồn lực cả trong nước và quốc tế để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, phù hợp và mang tính bền vững.

Bốn là, Hội cần đổi mới phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, hướng về nạn nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động, cùng hệ thống chính trị, toàn xã hội và bạn bè quốc tế chung tay góp sức, xoa dịu nỗi đau da cam, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của nạn nhân chất độc da cam.