Đóng góp xây dựng tương lai bền vững

Trở thành thành viên thứ 149 của Liên hợp quốc từ ngày 20/9/1977, sau 47 năm, Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, đóng góp ngày càng hiệu quả vào các lĩnh vực trụ cột của tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu. Từ một quốc gia nhận được nhiều sự hỗ trợ của Liên hợp quốc trong công cuộc tái thiết đất nước, Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn trong các chương trình nghị sự đa phương trên toàn cầu, trở thành thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế.
0:00 / 0:00
0:00
Các nữ quân nhân Ðội Công binh Việt Nam cùng các em nhỏ ở khu vực Abyei. (Ảnh Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam)
Các nữ quân nhân Ðội Công binh Việt Nam cùng các em nhỏ ở khu vực Abyei. (Ảnh Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam)

Quan hệ, hợp tác với Liên hợp quốc luôn giữ vị trí quan trọng trong đường lối, chính sách đối ngoại của Ðảng và Nhà nước Việt Nam, phản ánh rõ nét ý chí, nguyện vọng của nhân dân Việt Nam là cùng cộng đồng quốc tế phấn đấu vì hòa bình, độc lập, dân chủ, hợp tác và phát triển.

Tại các chương trình nghị sự, Việt Nam luôn đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, cũng như nỗ lực tăng cường hữu nghị, hợp tác và quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia.Với vị thế, uy tín quốc tế ngày càng tăng, Việt Nam được cộng đồng quốc tế bầu giữ trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an hai lần và là Phó Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77.

Việt Nam đã tạo nhiều dấu ấn quan trọng, nổi bật là việc chủ trì xây dựng và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 2573 - nghị quyết riêng đầu tiên của Hội đồng Bảo an về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân trong xung đột, được tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an và đông đảo quốc gia thành viên đồng bảo trợ.

Là một thành viên tích cực, trách nhiệm, với những nỗ lực bền bỉ đóng góp cho hoạt động chung của Liên hợp quốc, Việt Nam đang đảm nhiệm nhiều vị trí tại các cơ chế đa phương quan trọng như Hội đồng Nhân quyền, Hội đồng Chấp hành UNESCO, Ủy ban Luật pháp quốc tế, Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ và phát huy sự đa dạng của biểu đạt văn hóa, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể…

Ủng hộ chủ nghĩa đa phương và cách tiếp cận đa phương để giải quyết các thách thức an ninh toàn cầu, Việt Nam đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của Liên hợp quốc và là quốc gia thứ 10 trên thế giới phê chuẩn Hiệp ước Cấm vũ khí hạt nhân (TPNW).

Việt Nam tham gia hầu hết các hiệp ước quốc tế về chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và giải trừ quân bị, nổi bật là Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), Hiệp ước Khu vực Ðông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANFWZ), truyền tải mạnh mẽ thông điệp về một đất nước yêu chuộng hòa bình.

Kể từ năm 2014 đến nay, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình dưới lá cờ Liên hợp quốc, cử hàng trăm lượt sĩ quan quân đội và công an tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan (UNMISS) và Cộng hòa Trung Phi (MINUSCA), triển khai Ðội công binh tại Phái bộ Liên hợp quốc tại Abyei (UNISFA) và làm việc tại Trụ sở Liên hợp quốc.

Thông qua sự hỗ trợ thiết thực và gắn bó với người dân địa phương, lực lượng vũ trang Việt Nam đã thật sự trở thành những “sứ giả của hòa bình” ở mỗi địa bàn đóng quân, ngày càng nâng cao hình ảnh, vị thế trong mắt bạn bè quốc tế.

Trong gần 50 năm qua, sự hợp tác hiệu quả với Liên hợp quốc góp phần quan trọng vào tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế của Việt Nam, nhất là phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Việt Nam được Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về Quyền phát triển Surya Deva nhận định, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến triển đáng kể trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực như xóa đói, giảm nghèo, tiếp cận nước sạch và vệ sinh, phát triển hạ tầng có khả năng chống chịu và tăng cường đổi mới sáng tạo.

Nhấn mạnh thế giới đang phải đối mặt những thách thức mà hệ thống quốc tế hiện tại chưa được trang bị để giải quyết, Ðiều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Pauline Tamesis hy vọng rằng, Việt Nam tiếp tục đóng góp tiếng nói và vai trò dẫn dắt của mình trong các cuộc đối thoại toàn cầu, cùng Liên hợp quốc tạo dựng nền tảng công bằng và bền vững hơn cho tương lai.